ClockThứ Năm, 27/11/2014 07:34

Gỡ khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

TTH - Đến nay, chỉ có 54% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được vốn từ ngân hàng, còn lại không thể vay vốn do DNNVV không có, hoặc không đủ tài sản thế chấp.

Cầu nhiều cung ít

Theo thống kê của Sở Tài chính, tính đến tháng 9/2014, trên địa bàn tỉnh có hơn 5 ngàn DNNVV đang hoạt động, chiếm 98% tổng số DN trên địa bàn. Trong đó, số DN nhỏ hoặc “siêu nhỏ” (có vốn dưới 1 tỷ đồng) chiếm 96%.
Thiếu tài sản thế chấp, DN mộc mỹ nghệ Ngọc Ký (TP Huế) không thể tiếp cận vốn tín dụng để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh
Trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các DNNVV rất khó khăn. Theo ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh: “Cái yếu nhất của các doanh nghiệp địa phương là mảng tài chính, phụ thuộc nhiều nguồn vốn vay ngân hàng. Thực tế, không ít DN đang hoạt động hiệu quả, có dự án khả thi cần vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng không đủ điều kiện tín chấp và tài sản thế chấp nên đành hoạt động cầm chừng”.
Ông Nguyễn Chung Thành - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Tổng nhu cầu vốn cho hoạt động của các DNNVV hiện nay ước tính 32.576 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của các DNNVV (bao gồm tiền và tài sản) đưa vào sản xuất kinh doanh là 16.811 tỷ đồng, vốn các tổ chức tín dụng đã cho vay là 9.200 tỷ đồng. Do vậy nhu cầu vay vốn của các DNNVV rất cao, khoảng 6.565 tỷ đồng. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn tín dụng còn quá khó khăn do không có, hoặc không đủ tài sản thế chấp. Hiện toàn tỉnh còn 2.316 DNNVV (gần 46% số DN) chưa tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng.
 
Quỹ bảo lãnh tín dụng - giải quyết khâu yếu về vốn
Thực trạng trên đòi hỏi phải có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV địa bàn tỉnh để giải quyết khâu yếu về vốn. Quỹ này sẽ thực hiện bảo lãnh tín dụng DNNVV đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh tốt nhưng không đủ điều kiện để vay vốn trực tiếp tại các tổ chức tín dụng, giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập.
Theo tính toán của Sở Tài chính, nhu cầu bảo lãnh tín dụng của các DNNVV trên bàn tỉnh khoảng 656,5 tỷ đồng. Dự kiến có khoảng 35% nhu cầu vốn bảo lãnh đó có các dự án tốt, đáp ứng điều kiện bảo lãnh, tương ứng là 229,8 tỷ đồng.
Từ nhu cầu đó, Sở Tài chính đề xuất thành lập Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho DNNVV của tỉnh với vốn điều lệ ban đầu là 326 tỷ đồng, do ngân sách cấp từ năm 2015-2017. Trong đó, vốn hoạt động cho đầu tư phát triển là 100 tỷ đồng; vốn bảo lãnh tín dụng 226 tỷ đồng.
Các DNNVV được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, cấp bảo lãnh khi hội đủ các điều kiện: Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay; có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.
 
Chung tay cùng DN
Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện cuộc vận động trong các sở, ngành, địa phương để giúp tháo gỡ các vướng mắc từ chính sách và vận động các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó.
Ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng; thực hiện tốt Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Điểm nhấn quan trọng là phải tạo nên sự phối hợp đồng bộ về quản lý, sâu sát hơn vào hiện trạng doanh nghiệp, hỗ trợ DN tăng sức cạnh tranh phát triển hàng hóa…
Kết luận tại cuộc họp thông qua Đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Thừa Thiên Huế để trình HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp lần thứ 9 dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh: Khi Quỹ được thành lập sẽ là công cụ đắc lực, có hiệu quả và cần thiết của chính quyền trong việc thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội, nhất là hỗ trợ cho DN phát triển. Các đơn vị chủ trì, phối hợp soạn thảo Đề án nhanh chóng hoàn chỉnh lần cuối để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp tới. 
Trần Dương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng
Return to top