ClockThứ Sáu, 06/11/2015 14:15

Gỡ khó cho ngư dân

TTH - Cuối tháng 11/2015, Nghị định 89/2015/NĐ-CP sẽ có hiệu lực, đã sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP, giúp ngư dân tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích vươn khơi bám biển dài ngày, làm chủ ngư trường.

Từ các chính sách hỗ trợ, ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá

Điểm nghẽn

Ông Trần Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) cho biết: “Là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương nên nhu cầu đóng mới, cải hoán tàu của ngư dân rất lớn. Đến nay, có khá nhiều ngư dân trong xã đã nộp hồ sơ vay vốn, nhưng rồi do tiềm lực kinh tế yếu nên không vay được. Vì thế, đã có 5 hộ dân trong xã tự bỏ tiền đóng tàu công suất trên 400 CV để bám biển.”

Theo ngư dân, để đóng được tàu mới theo Nghị định 67,ngư dân phải có vốn đối ứng 30% đối với đóng mới tàu vỏ gỗ và từ 5-10% đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới. Như vậy, để có tàu công suất từ 400-700 CV trở lên, chủ tàu phải có nguồn đối ứng từ 1 đến 2,5 tỷ đồng, trong khi tài sản thế chấp hay nguồn lực kinh tế của ngư dân gần như không đáp ứng được.

Ông Trần Lương, một ngư dân cho biết: “Theo nghề biển mấy chục năm, khi có Nghị định 67, xã triển khai với chính sách cho vay ưu đãi, lãi suất thấp, ngư dân rất vui mừng, tui cùng các hộ trong xã làm hồ sơ nộp ngay. Nhưng khó ở chỗ, mấy chục năm nay bám biển, bà con có được đồng thu nhập nào đều đầu tư trở lại sửa sang tàu cá, ngư lưới cụ, nên nguồn vốn đối ứng như quy định không thể có được. Vì thế, giải pháp bà con chọn ở đây là anh em hùn tiền, vay bên ngoài chấp nhận lãi suất cao để đóng tàu lớn bám biển”. Do không tiếp cận được vốn vay theo Nghị định 67, ông Lương cùng anh em bạn nghề hùn tiền, vay thêm bên ngoài đóng tàu công suất 450 CV giá trên 3,5 tỷ đồng, vừa hạ thủy.

Đối với ngư dân tiếp cận được vốn vay thì vấn đề thay máy mới chi phí quá lớn cũng là một “điểm nghẽn” gây khó khăn cho ngư dân. Ông Hà Thanh Hoài, Cán bộ phụ trách nông- lâm- thủy sản Thuận An cho hay: “Trong thời gian qua, hồ sơ vay vốn của ngư dân khá nhiều, nhưng đến nay chỉ có 3 hộ vay được theo Nghị định 67 và đã đóng tàu, đưa vào khai thác. Ngư dân muốn sử dụng “máy bãi” (máy cũ) của Nhật, Đức giá chỉ 500-600 triệu đồng, còn mua máy mới theo quy định tốn tiền tỷ, nằm ngoài khả năng nên bà con ngư dân rất ngại tiếp cận nguồn vốn vay.”

Thu mua, đánh bắt ngư trường xa đang được chú trọng phát triển từ những con tàu công suất lớn

Nhiều ngư dân ở thị trấn Thuận An cũng khẳng định, nếu vay vốn theo Nghị định 67, tính ra mỗi năm các tàu xa bờ ngư dân đi được trên dưới 10 chuyến biển, sau khi trừ các chi phí khác, áp lực trả nợ lãi cũng làm cho ngư dân e ngại.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận: “Hiện còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân như địa phương chưa có cơ sở thiết kế tàu cá, ngư dân khó khăn trong việc thiết kế, đặc biệt là mẫu tàu cá vỏ thép; thiếu cơ sở đóng tàu; công tác giải ngân, bảo hiểm còn chậm, thiếu quyết liệt…”

Tháo gỡ vướng mắc

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh (KT&BVNLTS) cho biết sắp đến, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục KT&BVNLTS cùng một số ban ngành địa phương phổ biến những chính sách mới trong Nghị định 89, cũng như có những trao đổi, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho ngư dân hai vùng trọng điểm khai thác biển Phú Vang, Phú Lộc.

Theo Chi cục KT&BVNLTS, tính đến tháng 9/2015 toàn tỉnh có 1.952 tàu cá, trong đó tàu trên 90 CV có 292 chiếc, tổng công suất 108,556 CV. Thời điểm này đã có 4 chiếc tàu cá được đóng mới hoàn thiện theo Nghị định 67 và 4 chiếc khác đã được ngân hàng đồng ý cho vay để triển khai trong năm 2015, trong đó dự kiến có 2 chiếc vỏ thép.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng đánh giá, Nghị định 89 có nhiều thay đổi về cơ chế cho vay, mức độ ưu đãi đối với các nhu cầu vay vốn, cũng mở rộng thêm đối tượng muốn được tiếp cận vốn. Theo đó, đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới thời gian được vay vốn kéo dài ra 16 năm (thay vì 11 năm như tàu vỏ gỗ), tạo điều kiện tốt cho ngư dân trong việc thu hồi vốn và trả nợ. Việc thu hồi vốn và trả nợ được rải đều cho các năm nhằm không gây áp lực cho ngư dân, tạo điều kiện cho họ có nguồn vốn tái sản xuất. Năm đầu tiên sau khi giải ngân, ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn cho các ngân hàng.

Ngoài ra, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng quy định là đóng bằng vật liệu mới có công suất từ 800 CV trở lên thì chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư, với lãi suất 7%/năm; trong đó, chủ tàu chỉ trả lãi suất 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Riêng đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV đến dưới 800 CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm. Nghị định 89 còn cho phép sử dụng máy thủy cũ còn chất lượng cũng tạo điều kiện để ngư dân dễ tiếp cận, sắm được tàu lớn vươn khơi.

Bên cạnh giúp ngư dân có điều kiện đóng mới, cải hoán tàu vươn khơi, các chính sách hỗ trợ còn tăng cường năng lực về thông tin liên lạc, giúp công tác quản lý tàu cá, quản lý các hoạt động khai thác, góp phần hỗ trợ việc cứu hộ, cứu nạn khi tham gia khai thác trên biển của cơ quan chức năng.

Theo ông Hùng, hai điểm mới trong Nghị định 89 có tính đột phá và ý nghĩa lớn nhất đối với ngư dân trong tỉnh, giúp ngư dân dễ tiếp cận vốn, có được tàu vươn khơi. Ngư dân sẽ được hỗ trợ vay từng hạng mục trong việc nâng cấp tàu cá chứ không phải nâng cấp toàn bộ như trước đây và nâng cấp máy tàu có thể dùng máy mới hoặc máy cũ.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, khẳng định: “Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn về chính sách khuyến khích hỗ trợ ở các vùng biển xa cho các tổ chức cá nhân và hộ gia đình. Tổ chức hướng dẫn đưa ngư dân tham quan các cơ sở đóng tàu vỏ thép, mô hình khai thác xa bờ. Tăng cường kiểm tra đẩy mạnh công tác công khai danh sách đề nghị hỗ trợ nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, thành phần…”

Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Return to top