ClockThứ Sáu, 29/05/2015 15:55

Gỡ khó cho nông sản

TTH - Trên nghị trường Quốc hội những ngày vừa qua, câu chuyện của ngành nông nghiệp một lần nữa lại nóng lên, nhất là vấn đề tiêu thụ nông sản đang còn nhiều bất cập và mọi thiệt thòi người nông dân phải gánh chịu.

Câu chuyện “được mùa mất giá” lặp đi lặp lại không biết bao lần với nông sản Việt Nam. Mới tháng trước, câu chuyện dưa hấu “đắng”, hành tím “cay” chưa kịp lắng, nay khoai lang tím Nhật Bản ở đồng bằng sông Cửu Long lại rớt giá thê thảm. Cây vải thiều ở miền Bắc chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rộ vẫn ngay ngáy lo vì đầu ra bấp bênh... Với ngành sản xuất lúa gạo, lâu nay chúng ta vẫn tự hào đứng nhất, đứng nhì thế giới về sản xuất gạo, nhưng lượng gạo xuất khẩu chủ yếu là phẩm cấp thấp, giá thấp. Người trồng lúa một nắng hai sương, nhưng thu nhập chẳng là bao, phập phồng khi được mùa. Chính phủ nhiều năm nay phải can thiệp thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất mua trữ lúa gạo.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do cung vượt cầu, chất lượng nông sản còn thấp, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ, công tác thị trường chưa tốt, còn lệ thuộc vào một số thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ những tin đồn thất thiệt. Chẳng hạn, khoai lang tím Nhật Bản là cây trồng truyền thống của người dân, tiêu thụ tốt, đùng một cái xuất hiện thông tin ăn khoai lang bị bệnh làm cho người tiêu dùng nghi ngại. Trên địa bàn tỉnh, chuyện này đã xảy ra đối với gạo Hồng Ngọc ở huyện Phú Vang. Giống lúa có nguồn gốc rõ ràng, giá trị dinh dưỡng cao, chất lượng cơm thơm ngon, giá bán cao hơn giống lúa khác từ 1,5-2 lần, nay chẳng bán được vì tin đồn gạo có nhiều chất tinh bột gây bệnh tiểu đường...
          Nông nghiệp là một trong các trụ đỡ quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng lâu nay không phát triển đúng với tiềm năng. Những bất cập và nguyên nhân yếu kém của nền nông nghiệp nước ta được nhận diện. Vấn đề còn lại, cần phải có những giải pháp căn cơ, triệt để. Theo đó, cần phải làm kỹ hơn, cụ thể hơn quy hoạch sản xuất nông nghiệp như: về diện tích, sản lượng nông nghiệp từng vùng; về chủng loại cây trồng, vật nuôi, sản lượng từng mùa vụ...
Đi đôi với công tác quy hoạch, cần đầu tư nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản. Để làm được điều này, cần có cơ chế, chính sách phù hợp xây dựng mối liên kết 4 nhà chặt chẽ (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thông qua mối liên kết này, các doanh nghiệp ứng vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, còn nông dân yên tâm sản xuất, đảm bảo thu nhập chẳng phải phập phồng về đầu ra. Chẳng hạn, mới đây Trường đại học Nông Lâm Huế ký kết hợp đồng sản xuất và phát triển sản phẩm sinh học Pseudomonas với Công ty cổ phần Bình Điền - Mekong. Theo đó, công ty sẽ cùng tham gia sản xuất, mua và phân phối sản phẩm sinh học Pseudomonas cho bà con nông dân các vùng trồng tiêu. Đây là mô hình liên kết phù hợp và hiệu quả, cần được nhân rộng.
Điều cũng cần nhắc ở đây, nông dân lâu nay sản xuất theo kiểu manh mún, sản xuất chạy theo phong trào; các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không gắn với đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nên dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán. Vì vậy, cần có cơ chế quản lý, ràng buộc trách nhiệm giữa những doanh nghiệp xuất khẩu với người sản xuất; nhất là khuyến khích việc đầu tư chế biến để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng nông sản nước ta. Với nông dân cũng cần chuyển đổi nhận thức theo hướng làm ăn lớn, đầu tư bài bản, khoa học để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường cao cấp.
Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nhất là việc nước ta đã và đang và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nếu khai thác tốt các thị trường mới gắn với việc nâng cao giá trị hàng nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và nông dân có thể làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Chiều 22/4, Ban Bí thư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 32 -CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Return to top