ClockThứ Tư, 26/10/2022 15:23

Gỡ rào cản để phát huy quyền tự chủ

TTH - Tự chủ là xu thế tất yếu để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học (ĐH). Song câu chuyện tự chủ ĐH vẫn đang “nóng” lên khi còn nhiều rào cản, thách thức cần giải quyết.

Việt Nam có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tửPhát huy sức dân bảo vệ đường biên, mốc giới

Tự chủ tài chính là vấn đề khó nhất trong tự chủ đại học

Nhiều rào cản

Mới đây, tự chủ ĐH được rất nhiều chuyên gia quan tâm, thảo luận tại hội thảo quốc gia “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH trong bối cảnh mới” (tháng 10/2022), do Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam phối hợp ĐH Huế tổ chức tại Huế. Vấn đề nổi lên là, còn nhiều rào cản, thách thức cần giải quyết.

Ở Việt Nam, vấn đề tự chủ ĐH đã được đặt ra từ năm 2005 với Luật Giáo dục 2005 và Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Song đến nay, việc thực hiện tự chủ ĐH nhìn chung vẫn còn khá chậm. Tại ĐH Huế, đến năm 2022, có 4 đơn vị đang thực hiện lộ trình tự chủ. Trong đó, nhóm 1 (mức 1) có Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Luật tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Nhóm 2 có Trường ĐH Y - Dược, Trường ĐH Ngoại ngữ tự đảm bảo chi thường xuyên. Không chỉ riêng các trường tại Huế mà đa phần các đơn vị đào tạo đều nhìn nhận có nhiều khó khăn, rào cản khi thực hiện tự chủ.

Theo một cán bộ Phân hiệu Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh, hiện đang có 5 rào cản lớn liên quan tự chủ ĐH, gồm: rào cản về pháp luật, chính sách; hạn chế về phương thức quản lý của cơ quan cấp trên; rào cản trong nhận thức về tự chủ ĐH của chính các trường chưa được đầy đủ; rào cản về tài chính của các cơ sở giáo dục ĐH và cuối cùng là các cơ sở giáo dục ĐH được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện quyền tự chủ.

Lo lắng nhất hiện nay của các trường là, hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước liên quan đến công tác này còn thiếu đồng bộ. Một số nội dung quy định nhà trường được phép tự chủ, nhưng trên thực tế chưa thực hiện được. Trong một trao đổi liên quan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận, quá trình triển khai tự chủ ĐH thời gian qua có các vướng mắc, do hệ thống các văn bản quy định pháp luật chồng chéo.

Các chuyên gia phân tích, Luật Giáo dục ĐH điều chỉnh hoạt động của các trường ĐH, song hoạt động giáo dục ĐH còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác, như: Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách, dẫn đến nhiều chống chéo. Cụ thể, Luật Quản lý tài sản công không đồng bộ với Luật Giáo dục ĐH cho phép cơ sở giáo dục được sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách. Luật Ngân sách không đồng bộ với việc Hội đồng trường được phê duyệt kế hoạch, quyết toán tài chính…

Trong tự chủ ĐH, theo các trường, khó nhất là tự chủ tài chính. PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho rằng, học phí vẫn là nguồn thu chính. Tuy nhiên trong bối cảnh tuyển sinh cạnh tranh gay gắt, nguồn thu này vẫn có nhiều rủi ro, trong khi để tăng nguồn thu từ khoa học công nghệ và các hoạt động khác là không dễ. Trước khi thực hiện tự chủ, ngân sách Nhà nước là nguồn tài chính quan trọng nhất của các cơ sở ĐH công lập.

Mức độ tự chủ gia tăng đồng nghĩa với việc nguồn từ ngân sách giảm dần. Lúc này, nguồn thu của cơ sở ĐH chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70 - 80% tổng thu. Nếu không có cơ chế để có nguồn thu khác, thì sức ép chi phí sẽ khiến các trường buộc phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí. Đây là hệ lụy được nhìn thấy rõ khi tác động trực tiếp đến người học, gây bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH giữa người dân có thu nhập khác nhau.

Để tự chủ tốt hơn

Khi nhắc đến tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định, về nguyên tắc, tự chủ ĐH không phải là tự do, tự lo, không có quản lý Nhà nước. Tự chủ cần thực hiện đúng pháp luật, gắn tự chủ với trách nhiệm giải trình. Đó cũng là cơ sở để các trường cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật mới có tính chất dẫn dắt quá trình tự chủ ĐH.

Hiện nay, nhiều trường ĐH trong nước nói chung, tại ĐH Huế nói riêng đã và đang hoàn thiện mô hình Hội đồng trường. Nhưng phát huy thực quyền Hội đồng trường như thế nào, vẫn còn nhiều việc cần quan tâm hơn. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần chỉ rõ vai trò của Hội đồng trường, quan hệ giữa Hội đồng trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, cũng như trách nhiệm của từng đơn vị để các trường dễ dàng thực hiện tự chủ.

Đối với giải pháp tài chính, các cơ quan, bộ, ngành có liên quan cần sửa đổi bổ sung các quy định về kiểm tra tài chính, kế toán phù hợp với các đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Bổ sung quy định về đầu tư đối với các cơ sở giáo dục ĐH khi thực hiện tự chủ ở các mức độ khác nhau, theo phân tầng ĐH trọng điểm, ĐH vùng. Để có nguồn tài chính bù đắp cho phần kinh phí thiếu hụt, các trường cần thực hiện các giải pháp nhằm tăng nguồn thu, như tăng cường công tác tuyển sinh, ký hợp đồng đào tạo mới và đào tạo lại nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp…

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Sáng 16/4, Đảng ủy Quân sự tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận (KL) số 01 của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 2 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 847 của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Return to top