ClockThứ Tư, 19/02/2014 05:02

Góa phụ oằn mình nuôi 4 con nơi rẻo cao

TTH - Quanh năm, suốt tháng một thân lặn lội mò cua, bắt ốc… khi thì làm thuê, làm mướn, lúc thì vào rừng sâu hái lá chuối, lá dong, tảo tần nuôi con nhỏ, người phụ nữ Pa Cô 28 tuổi bỗng chốc như cụ bà. Đó là chị Kăn Hoàn, ở làng Kê 2, thôn 4, xã biên giới Hồng Thủy của huyện miền núi A Lưới.

Men theo con đường bê tông dẫn vào làng, căn nhà tạm bợ - nơi “tá túc” của gia đình chị Kăn Hoàn lọt thỏm, sâu tít phía sau nhà mẫu giáo của thôn. 

Thân cò lặn lội

Kăn Hoàn với chàng Cu Lôh không yêu đương, hò hẹn, chỉ qua “bà mai” làm mối. Ngày Kăn Hoàn về làm dâu, không tiếng khèn, tiếng Cồng, Chiêng… rộn rã như bao lễ rước dâu truyền thống của đồng bào Pa Cô, nhưng đầy ắp tiếng cười, chúc phúc của họ hàng, làng xóm. Vợ chồng thương yêu nhau hết mực, sớm lên nương làm rẫy tối lại đi soi ếch. Và rồi, chị lần lượt sinh hạ những đứa con kháu khỉnh. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ thêm ý nghĩa hơn.

Một thân Kăn Hoàn lo toan, lặn lội sớm hôm kiếm từng bát gạo nuôi 4 con nhỏ

Nhưng ngày vui không được bao lâu, Kăn Hoàn phát hiện sức khỏe chồng không được bình thường. “5 mùa gặt (5 năm) trước, nửa đêm anh kêu tức ngực, đầu đau như búa bổ, quẳn quại… mình phải dậy bôi dầu khắp người. Có bữa đang ăn, anh kêu đau đầu rồi ném bát, đá nồi....” - Kăn Hoàn nhớ lại.

“Hồng Thủy có 7 thôn, trên 600 nhân khẩu. Đời sống bà con còn nghèo đói, nhiều hộ có hoàn cảnh rất khó khăn. Chúng tôi đã có một số ưu tiên hỗ trợ cây giống, vật nuôi… để các gia đình nghèo tăng gia sản xuất. Hiện tại, toàn xã có 218 hộ nghèo, 54 hộ cận nghèo nên địa phương cũng rất nan giải” - ông Hồ Văn Khinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết.

Qua năm, hết tháng chị quen dần với cái “lạ lùng” của chồng. Thế rồi, sau 2 năm kể từ khi người chồng trở bệnh, các con chị cũng cập kề tuổi đến lớp. Để cho các con có tương lai, Kăn Hoàn phải “oằn mình” làm mướn và vào rừng sâu hái lá chuối rừng, lá dong, nhổ sắn… về bán. Vừa phải đóng tiền cho con đi học, vừa lo cơm nước thuốc thang cho chồng... một mình chị “thân cò” lọ mọ sớm khuya. “Từ khi chồng mình đổ bệnh nặng, lúc đầu hai, ba tuần đau một lần, về sau thì ngày nào cũng bị. Có hôm ho ra máu, có bữa co thắt, miệng cứng lại. Hôm nặng quá, chuyển xuống Huế điều trị rồi lại đưa về. Cuối cùng anh cũng đã bỏ mẹ con mà đi…” - chị nấc nghẹn, nhớ lại ngày chồng mất cách đây hơn một năm. 

Ước mơ nhỏ

Sau tang chồng, Kăn Hoàn không khác gì bà lão, đôi mắt thâm quầng, da nhăn nheo, xanh xao. Chị đau đớn bộc bạch: “Có bữa đang ngồi rửa củ sắn, củ khoai, người tự dưng chóng mặt, tay chân không cử động được, cô y tá xã cho mấy viên thuốc và dặn làm ít thôi. Nhưng không vào rừng thì lấy chi cho tụi nhỏ ăn. Hai đứa lớn thì một ngày, hai ngày chịu nhịn được. Còn hai đứa em nó thì…”.

Chị Kăn Nhíp, hàng xóm của Kăn Hoàn than: “Chồng mất sớm, một mình nuôi 4 đứa nhỏ. Bữa ăn có hôm thì rau luộc, khi thì chấm sắn với mắm, hiếm khi thấy có gạo, thịt, cá mà ăn. Nhiều buổi sáng, trời lạnh, mấy mẹ con bồng bế, dắt díu nhau vào rừng mà thấy tội. Chập choạng tối mới thấy mẹ con nhà nó mò về…”

Như cam chịu với phận mình, Kăn Hoàn chỉ dám ước mơ các con được đi học để biết con chữ. Nhìn mấy đứa ốm nheo, ốm nhóc nằm co ro, chị rơm rớm nước mắt: “Hai đứa đi học đều được thầy, cô khen, cho sách, vở, bút… Nhìn con đi học, mình vất vả mấy cái bụng cũng thấy nhẹ nhõm. Nhưng gần một năm nay các con không chịu đi học mà đòi lên nương với mẹ. Chúng bảo ngại với lũ bạn vì không có tiền đóng...” - Kăn Hoàn nghẹn ngào nói.

Cháu Hồ Văn Hoàn, con đầu của chị (gần 10 tuổi), trong chiếc áo lót rách bươm, nhem nhuốc, giọng vô tư: “Cháu thích đi học lắm. Ở lớp, cháu được cô khen ngoan, học giỏi. Cháu có 3 giấy khen rồi. Nhưng giờ mẹ cháu nghèo… cháu phải nghỉ, đi làm giúp mẹ nuôi các em.”

Ông Hồ Văn Hữu, Trưởng thôn 4, xã Hồng Thủy cho biết: “Gia đình Kăn Hoàn thuộc diện đặc biệt khó khăn của thôn... Có nhu yếu phẩm của xã, huyện hỗ trợ là thôn luôn ưu tiên xét trước…”

Chiều buông dần, tiết trời se lạnh, các con chị Kăn Hoàn đứa thì ở trần, đứa quấn khăn trùm đầu, mặt mũi tím tái nhưng vẫn “oằn lưng” nhỏ bé bốc xếp những xấp lá chuối, lá dong… giúp mẹ bán kiếm từng đồng nuôi nhau qua cơn đói.

Đức Nhơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Dự án Khu du lịch Suối Voi: Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư - Huế) chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện DA, trong đó nêu rõ cam kết chấm dứt hoạt động một phần DA nếu giai đoạn 1, 2 không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Dự án Khu du lịch Suối Voi Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án
Return to top