ClockThứ Sáu, 01/02/2019 08:36

GS Trần Hữu Dàng, người “thắp lửa” cho thế hệ trẻ

TTH - Trong giới trí thức ở Huế, không ít người biết đến GS.TS. Trần Hữu Dàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Huế, hiện đang đảm nhiệm Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội). Đồng nghiệp, bạn bè gọi ông là người “thắp lửa” cho thế hệ trẻ.

Kết nối đội ngũ trí thức khoa học công nghệ

GS Trần Hữu Dàng

1. Ở tuổi 65, trông ông vẫn tươi trẻ, nhanh nhẹn, đặc biệt mái tóc còn như đen nhánh hơn 5 năm trước mà tôi gặp ở Trường đại học Y Dược Huế. Ông nhận ra tôi là người quen, thế là cuộc trò chuyện trở nên thân mật, có lúc chạm vào quá khứ với nhiều chi tiết làm xao lòng.

GS. Trần Hữu Dàng sinh ra trong gia đình thuần nông ở làng La Chữ, thị xã Hương Trà, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và là vùng đất học nổi tiếng ở Huế. Tuổi thơ ông chất dày những chuỗi ngày nhọc nhằn, nghèo khó. Đáng quý là ông đã vượt qua tất cả để đạt tới thành công như hôm nay.

Chuyện ông trở thành bác sĩ, một phần do cha ông định hướng. Năm 1978, ông tốt nghiệp đại học y khoa, sau đó được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy môn Nội, rồi làm đến Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Huế. Vừa quản lý, vừa giảng dạy đại học và sau đại học về bệnh lý nội tiết- đái tháo đường. Trong quá trình giảng dạy, ông dành thời gian nghiên cứu nhiều đề tài khoa học được đồng nghiệp trong, ngoài nước biết đến, như: nghiên cứu hiệu quả điều trị giun chui ống mật bằng tẩy giun ngay trong lúc đau dữ dội; nghiên cứu nồng độ lipid máu ở phụ nữ mãn kinh và tình trạng đề kháng insulin ở người tăng cân, béo phì... Đó cũng là nỗ lực và hạnh phúc để ông tiếp tục làm tốt nhiệm vụ đào tạo bác sĩ cho tương lai.

GS Trần Hữu Dàng (giữa) trong buổi làm việc

TS. Tôn Thất Trí Dũng, một học trò của GS. Trần Hữu Dàng khóa 1991-1997, hiện là Trưởng khoa Đột quỵ, BV Trung ương Huế chia sẻ, GS. Dàng là người trời sinh ra để làm thầy và làm nghề “cứu người”. Mỗi tiết học của ông không chỉ truyền đạt kỹ năng nghề y, mà còn được lồng ghép sẻ chia những câu chuyện tử tế, tình người và “thắp lửa” cho sinh viên, bác sĩ trẻ sống có lý tưởng, yêu thương bệnh nhân như chính bản thân mình.

Năm 1996, ông bảo vệ luận án tiến sĩ và năm 2011, được phong hàm giáo sư. Dấu ấn của GS. Trần Hữu Dàng mà nhiều người theo nghề y luôn mơ ước là làm bác sĩ nội trú ở Pháp. Đó là vào năm 1991, ông là một trong những bác sĩ đầu tiên ở Huế sang làm bác sĩ nội trú tại BV Jean Verdier (Pháp). Ông cũng là một trong 3 bác sĩ ở Việt Nam thời điểm này được các đồng nghiệp ghi nhận tinh thần làm việc trách nhiệm, chuyên môn chuyên sâu và ngoại ngữ lưu loát nên thường được trực viện. Sau dịp này, ông tiếp tục trở lại Pháp tu nghiệp chuyên môn vào năm 1994, rồi được bạn bè quốc tế từ Đức, Pháp, Trung Quốc, Singapore... lần lượt mời tham gia hội thảo, các khóa đào tạo, cập nhật kiến thức mới về y học.

2. Năm 2013, GS. Trần Hữu Dàng thôi giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Huế nhưng tiếp tục được mời làm giảng viên cao cấp của trường. Thời điểm này, GS. Trần Hữu Dàng còn đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Liên hiệp hội) trong khi ông có nhiều thư mời làm quản lý các BV Đà Nẵng, Quảng Na m, Khánh Hòa với mức thu nhập không dưới 100 triệu đồng/tháng.

GS Trần Hữu Dàng chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên y khoa

Khi nhắc lại chuyện này, GS. Dàng cười và thừa nhận việc ông bước chân vào Liên hiệp hội thời điểm ấy nhiều đồng nghiệp và học trò bảo là khá bất thường. Tại sao không chọn một nơi có thu nhập cao để làm việc. Ông trả lời ở tuổi 60, ông chẳng cần chức vị hay tiền bạc. Điều ông muốn làm là góp phần đánh thức tiềm năng trí thức ở Huế. Chính suy nghĩ đó, ông quyết định về Liên hiệp hội chỉ sau 1 giờ chuyện trò với vị Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy lúc bấy giờ là ông Hồ Viết Bá.

Sang lĩnh vực mới, GS. Dàng “cải tổ” quy trình làm việc ở Liên hiệp hội. Ban đầu không ít lời chế giễu và ngay trong nội bộ cũng có người thương, kẻ ghét. Với kinh nghiệm bản thân, chỉ sau mấy tháng, ông không lo lắng như ban đầu vì có Liên hiệp hội có nhiều thay đổi. Đáng kể, với sự khích lệ “truyền lửa” của ông, từ một đơn vị chỉ có chưa đến 20 chi hội thành viên, nay đã tập hợp gần 50 tổ chức, với hơn 30.000 hội viên, 9 trung tâm KHCN và câu lạc bộ trực thuộc. Một số hội thành viên có mạng lưới phân, chi hội phát triển mở rộng đến phường, xã, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế... Hàng năm, GS Dàng thường tranh thủ diện kiến, tham mưu lãnh đạo tỉnh tổ chức, gặp mặt, tôn vinh trí thức tiêu biểu; các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu… Đây là những hoạt động đến nay chưa nhiều tỉnh, thành khác thực hiện, để giúp lãnh đạo tỉnh có dịp khuyến khích, nghe các nhà khoa học, đề đạt hiến kế các giải pháp phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Chính việc làm công tâm, trách nhiệm của GS Dàng, gần đây Liên hiệp hội duy trì mở rộng Giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật... cho mọi đối tượng tham gia.

Mỗi năm có hàng trăm đề tài, sáng kiến KHKT tham gia không chỉ ở địa phương; trong đó nhiều đề tài được triển khai, ứng dụng hiệu quả thực tế. Ông nói, nếu không khích lệ tài năng thi thố, tham gia các giải KHKT thì làm sao sáng kiến chiếc Máy ấp trứng (công suất 10.000 quả) của chàng trai làng-Nguyễn Văn Nhân ở Phú Lộc giờ đã có nhiều đơn đặt hàng từ Úc, Lào, Campuchia, doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Hay, công trình “Sử dụng chế phẩm sinh học Bokashi -Trầu vào nuôi trồng thủy sản” của Trường đại học Nông lâm Huế có những đối tác đến nhận chuyển giao với giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng... GS Dàng từng trăn trở, “thẩm định” nhiều sáng kiến của lứa tuổi học trò mà ban đầu cứ ngỡ là trò chơi nhưng rồi lại đại diện cho Việt Nam tham gia triển lãm Sáng tạo trẻ quốc tế. Điển hình đề tài “Sky Guide” và “Chế tạo hệ thống nhật động pin năng lượng mặt trời theo hệ tọa độ xích đạo thiên cầu” của Đặng Hoàng San, Huỳnh Tăng Tuấn, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế đạt huy chương Bạc năm 2017 tại Nhật Bản.

PGS. TS. Trần Ngọc Nam, nguyên Giám đốc Sở KH&CN, thừa nhận, GS. Dàng là người nhạy bén, trách nhiệm và tầm nhìn xa với công việc. Nhờ những tố chất của ông mà Liên hiệp hội tạo được chỗ dựa tinh thần khích lệ đội ngũ trí thức và các nhà khoa học yêu nghề, đam mê sáng tạo KHKT.

Hiện tại, GS. Dàng còn ấp ủ nhiều kế hoạch cho Liên hiệp hội.”Không ở đâu trên trái đất hình chữ S này với địa phương chỉ có hơn 1,1 triệu dân mà có hơn 250 GS, 550 TS và hàng nghìn thạc sĩ. Vậy, tại sao mình lại không kích thích, giúp họ “chuyển động” trong thời đại 4.0 để có thêm nhiều sản phẩm, đề tài, sáng chế khoa học mới để giúp đời, giúp người”, GS. Trần Hữu Dàng đúc kết như vậy trong cuộc trò chuyện trước lúc tôi chia tay.

GS Trần Hữu Dàng hướng dẫn thành công hàng chục luận văn và đề tài chuyên khoa cho nghiên cứu sinh, chuyên khoa cấp 2; chủ trì hơn 14 đề tài khoa học cấp cơ sở; 5 đề tài cấp bộ và tỉnh và 1 đề tài cấp nhà nước; đồng thời, biên soạn các giáo trình và chủ biên 18 cuốn sách xuất bản trong lĩnh vực chuyên ngành y khoa.

Ông hiện là giảng viên cao cấp Trường đại học Y dược Huế, Chủ tịch Hội Đái tháo đường Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hội Đái tháo đường Việt Nam. GS Trần Hữu Dàng được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và rất nhiều bằng khen cao quý khác của các bộ, ngành trung ương, địa phương.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vườn quê thắp lửa

Thấp thoáng sau chiếc hàng rào tre được đan theo hình mắt cáo, đám hoa mùa xuân vươn lên đỏ thắm như đang thắp lửa khu vườn.

Vườn quê thắp lửa
Giáo dục di sản cho thế hệ trẻ

Cùng với việc hỗ trợ trùng tu di sản Huế, các chuyên gia của Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức còn nỗ lực trao truyền tình yêu và sự hiểu biết về di sản cho người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Giáo dục di sản cho thế hệ trẻ
Giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu biển đảo

Bằng những phong trào và hoạt động cụ thể, đi vào chiều sâu, tuổi trẻ Thuận An hướng đến mục tiêu góp phần giáo dục, bồi đắp tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ tại địa phương.

Giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu biển đảo

TIN MỚI

Return to top