ClockThứ Tư, 02/09/2020 13:34

Hà Nội - một cảm thức sông

TTH - Nói gì về một thành phố sắp tròn 1010 năm tuổi trong khuôn khổ một bài viết, mà ở đó câu chữ vốn luôn hữu hạn? Thôi thì, bắt đầu từ sông. Những dòng sông chảy qua bao làng mạc của Hà Nội, chảy qua bao tháng năm… bồi đắp phù sa cho đất đai, cho đời người.

Sông Hồng đẹp thơ mộng nhìn tư trên cao. Ảnh: TL

Đời sông, đời người

Sông Cái còn gọi sông Hồng chảy vào Thủ đô từ xã Phong Vân, huyện Ba Vì. Sau khi vòng lên phía Bắc bao quanh bậc thềm Cổ Đô, Tản Hồng thì chảy về phía Đông, rồi Nam đến hết xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, dài khoảng 120km.

Sử gia Ngô Thì Sĩ phân tích địa thế Thăng Long trong Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn đã nhắc đến con sông này (xưa còn gọi là sông Phú Lương): “Sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có” và yếu tố địa lợi nhờ sông ở đất Đại La: “Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt…”. Thành phố trong sông, như ý nghĩa tên gọi Hà Nội từ thời nhà Nguyễn, là mảnh đất được bao bọc bởi những con sông là sông Hồng và hệ thống sông vốn là phân lưu của sông mẹ như sông Đuống, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích…

Ngồi ở khu vực phố cổ hôm nay còn thấy những dấu vết của một vùng trên bến dưới thuyền. Phố Hàng Tre xưa sát bến sông là nơi bốc dỡ tre nứa từ thuyền bè đổ về, cũng như phố Hàng Mây (cùng với phố Hàng Mã xưa nay thành Mã Mây) vốn là điểm tập kết thuyền bè chở hàng song, mây, tre, nứa…

Nhà văn, nhà báo Trần Chiến, một người Hà Nội có lúc thủng thẳng: “Sông là cái hình ảnh đẹp, cho ta hạt phù sa, con cá, tạo nên văn minh châu thổ. Giữa cuộc sống đang quá “dương tính” hùng hục làm ăn, thi nhau lên hiện đại, nó giữ lại cho ta những gì hiền hoà, bao dung”. Đê sông Hồng được đắp từ đầu thế kỷ XII, ngày nay có 1.267km đê ở cả hai bên tả, hữu ngạn. Chỉ riêng đoạn đê chạy qua mấy làng ở Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) đã giữ cho người ở phố một nụ cười của bà cụ trong vườn nhãn chín muộn; giữ cho người qua đường một mái đình cổ, một chiều yên ả dựng xe.

Làng cổ Bát Tràng nức tiếng làm gốm, nhưng như các cụ kể lại thì chợ gốm xưa đâu bày bán như bây giờ mà hàng ra lò là được thương nhân neo thuyền dưới bến lên mua rồi chuyển đi theo đường sông Hồng. Lịch sử hình thành Bát Tràng thực chất là một cuộc di cư của các gia đình làm nghề ở trấn Thanh Hoá xưa (nay thuộc Ninh Bình) từ thế kỷ XIV tìm về vùng tả ngạn sông Hồng ở Thăng Long để tiện chuyên chở vật liệu, sản phẩm.

Thong thả đi, tìm có thể thấy những mạch làng nhỏ li ti làm nên hồn cốt một vùng đất hình thành bên sông. Một gia đình hiếm hoi còn giữ nghề làm giỏ ủ ấm tích Bát Tràng bằng loại cật tre già ngâm nước vôi trong, hong khói, chuốt mỏng, đan khít… Và đâu đó, vẫn còn những người Bát Tràng giữ thói quen uống loại trà đặc biệt làm từ nụ hoa của cây chè xanh, phơi khô trong bóng râm để giữ màu xanh, rồi ướp với hoa sói, có hình dáng tròn xoe nên còn gọi là trà hạt, trà hoa sói…

Gần với Bát Tràng, cũng từ đê rẽ xuống là làng gốm cổ Kim Lan có lịch sử lâu đời hơn cả Bát Tràng. Làng không ồn ào du lịch, sản phẩm cũng là gốm gia dụng, giản dị, phổ thông hơn… Làng có những ngõ gạch sâu tít tắp có thể mở ra cả một xưởng gốm bên trong. Người làng rủ rỉ, chân tình…

Cứ chạy mãi theo đê còn gặp bao làng mạc nữa, đan xen cái mới, cái cũ, nhưng về cơ bản, sông nước và những con đê đã tạo dựng và giữ cho người cho làng những không gian sống và hồn người mỗi vùng một vẻ, thú vị và hấp dẫn.

Nuôi nguồn sáng tạo

Tháng 10/2019, Thủ đô Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Trong hồ sơ thành phố sáng tạo trình UNESCO có đoạn: “Hà Nội - thành phố trong sông” - được bao bọc bởi 20 con sông…, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công len lỏi khắp các phố phường làng quê cùng 70 không gian sáng tạo đa sắc thái, Hà Nội đã và đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo”.

Sông, dễ thấy vẫn là một nhân tố đầy cảm hứng cho hành trình này.

Nữ văn sĩ Đỗ Bích Thuý chọn một căn hộ cao tít của chung cư nằm ngay sát con đê và chân cầu Long Biên. Mỗi ngày, để được ngắm một dáng xà lan trôi trên sông chầm chậm và đạp xe trên đê tận hưởng một đời sống bình dị từ những ngôi làng cổ, những ruộng đồng… Chị cũng có khá nhiều trang viết mới về không gian sống thú vị này.

Dự án nghệ thuật công cộng làm thay đổi khu vực bãi rác phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, dưới chân cầu Long Biên của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn lại thu hút các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên bức tường còn sót lại thuộc hành lang bờ vở sông Hồng. Người dân cũng tham gia gom đồ tái chế, cùng nghệ sĩ thực hiện các tác phẩm nghệ thuật độc đáo… Tác phẩm “Thuyền” làm từ 10.000 vỏ chai nhựa, “Nhà nổi” sử dụng kỹ thuật cắt laze xuyên thủng kết hợp với hiệu ứng đèn led bên trong các thùng phi sắt bỏ đi, lung linh, sống động, về đêm.

Một con đường ven sông hồi sinh đã mang đến bao hy vọng cho việc tiếp tục đánh thức những khu vực ven sông mà theo giới chuyên gia là “chưa được ứng xử như mặt tiền thành phố ở nhiều nước văn minh trên thế giới”.

Những vùng ven sông đã vậy, còn trên những dòng sông, du lịch đường thuỷ mang đến những trải nghiệm văn hoá thú vị lại chưa nhiều. Hiện mới thấy có tour sông Hồng với một vài điểm đến ở Hà Nội, Hưng Yên…

Bạn tôi, người làng Chèm xưa (phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm ngày nay) có nhắc lại lời giới nghiên cứu: “Làng Chèm từng tấp nập như một “tiểu Kẻ Chợ” ở vùng cửa ngõ phía Tây Bắc Thăng Long. Một cửa nước để đi vào Đại La - Thăng Long - Hà Nội”. Và nếu nơi đây được đưa vào điểm du lịch đường sông thì thật có nhiều điều để khám phá… Sau khi đình Chèm được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, UBND quận Bắc Từ Liêm đã lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích với nhiều hạng mục như sân lễ hội, cầu tàu du lịch, lối đi tiếp cận di tích...

Nhưng cũng mới là dừng ở đấy…

Vĩ thanh

Tôi sống ở một khu đô thị vùng ven đê, trong một làng hoa của huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sát ngay làng cổ Bát Tràng của huyện Gia Lâm, Hà Nội. Từ chỗ ở ra bến sông, bến đò của các làng thuộc hai tỉnh, thành phố chả mấy vòng xe đạp.

Cứ thấy những làng, những xóm nương vào sông như thế mà hình thành. Sông cứ chảy nối dài bờ bãi, làng xóm… nối làng với làng, người với người các vùng. Thoắt cái, các bà các cô lại ra các chợ cổ của Hà Nội như Bát Tràng, Giang Cao, chợ Bún… rồi lại về Hưng Yên. Ngày nào, từ Hưng Yên tôi cũng qua cầu Vĩnh Tuy bắc ngang sông Hồng mà “vào” Hà Nội.

Cảm thức sông có thể vì thế mà cứ luôn đâu đó và rì rầm cất tiếng.

Tháng 7 vừa qua, thành phố và ngành liên quan khởi động lại vấn đề quy hoạch thoát lũ sông Hồng để có thể mở đường cho quy hoạch thành phố bên sông, khai thác tiềm năng vùng đất bãi và giải quyết sinh kế cho 900.000 người dân khu vực này.

Cũng nhiều hy vọng! Cả một vùng màu mỡ mà sông đã bền bỉ kiến tạo bồi đắp mong sớm được khai thác để trở nên trù phú, làm giàu thêm cho Hà Nội.

CAO HẢI GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra “sông lớn” với thầy nội

Không phải ngẫu nhiên mà ông Hoàng Anh Tuấn được chọn mặt để “gửi khó”, dẫn dắt tuyển U23 Việt Nam dự Vòng chung kết U23 châu Á 2024 sau khi HLV Troussier bị cắt hợp đồng. Ông thầy người Khánh Hòa từng đưa đội U20 Việt Nam lần đầu tiên vào đến Vòng chung kết World Cup U20 năm 2017. Năm 2023, ông Tuấn cũng giúp đội U23 Việt Nam vô địch Đông Nam Á.

Ra “sông lớn” với thầy nội
Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Nghệ nhân Nhật Bản hy vọng hồi sinh nghề thủ công với F1

Ở bên kia thị trấn từ Đường đua Suzuka của Nhật Bản, nơi sẽ tổ chức Giải đua xe F1 Grand Prix vào ngày 7/4 tới đây, nghệ nhân Kenji Tanaka đang hoàn thiện mô hình giấy F1 mới nhất cùng hy vọng sẽ thu hút sự quan tâm của quốc tế đối với một nghề thủ công có tuổi đời hàng thế kỷ.

Nghệ nhân Nhật Bản hy vọng hồi sinh nghề thủ công với F1
Return to top