ClockThứ Tư, 18/09/2013 11:11

"Hạ tầng" cho... đặc sản

TTH - Từ nay đến năm 2020, Thừa Thiên Huế sẽ có ít nhất 5 đặc sản đăng ký ra thị trường tiềm năng ở nước ngoài, trong đó có ít nhất 2 thương hiệu của sản phẩm đặc trưng thông qua việc áp dụng sáng chế của các tổ chức cá nhân trên địa bàn. Đó là kế hoạch đã được xác lập tại Chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

Ngoài nguồn kinh phí được huy động hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân, 6,48 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho Chiến lược từ ngân sách địa phương và 2,4 tỷ đồng là nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Điều này cho thấy vai trò, tầm quan trọng và cả vị thế của đặc sản địa phương nói chung và đặc sản Huế nói riêng trong sự ảnh hưởng và tác động đến phát triển kinh tế thông qua việc hình thành các thương hiệu. Tất nhiên, điều này phải bao gồm trong nó các yếu tố về chất lượng sản phẩm, bản sắc ẩm thực trong một chiều sâu văn hoá. Đó cũng là cơ sở của tính độc đáo riêng có trong việc hướng đến nhu cầu, thị hiếu và khả năng cạnh tranh.

Trong một tầm nhìn ngắn hơn với quãng thời gian từ nay đến năm 2015, sẽ có 3 đến 5 đặc sản đã được xác lập kỷ lục quốc gia được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phê duyệt quy hoạch phát triển. Nằm trong top 2 đặc sản sẽ đăng ký ra thị trường tiềm năng ở nước ngoài là bún bò Huế. Đây cũng là lựa chọn xác đáng vì ít nhất, ngoài những gì đã được hình thành, định danh, lưu truyền và phát triển (với những phiên bản mang tính ứng dụng khác nhau của nhu cầu ẩm thực vùng miền), bún bò Huế cũng là 1 trong số 12 món ăn Việt được Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á. Và với những giá trị bền vững đã được thừa nhận, chẳng có gì là ngạc nhiên khi bún bò Huế là món được lựa chọn nhiều nhất trong thực đơn sáng đối với người Huế và du khách khắp nơi khi đến Huế.
 
Điều mà chúng tôi muốn đề cập cũng nằm ở điểm mấu chốt này, cho dù nó được nói tới ở khía cạnh mang tính...hạ tầng. Rõ ràng nó có lẽ không là vấn đề lớn trong các bữa ăn sáng thường ngày, dù yêu cầu của thực khách cũng đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, việc tìm, chọn những quán bún ngon, sạch, tươm tất và không bị làm phiền bởi những người ăn xin, bán hàng rong, bán báo, đánh giày...làm phiền cũng là điều mà nhiều chủ nhà rất loay hoay khi mời, dẫn đối tác dùng bữa sáng, nhất là với những đoàn khách có số lượng người tương đối lớn trở lên.
 
Cái khía cạnh hạ tầng này xem ra đơn giản, không khó để giải quyết song điều cơ bản là, cho đến bây giờ, nó vẫn tồn tại và tồn tại không chỉ riêng ở bún bò Huế. Vì thế bên cạnh một chiến lược phát triển thương hiệu quy mô như một yêu cầu của sự phát triển, để đặc sản Huế đứng chân tốt hơn ngay trong lòng Huế, cũng cần có những kế hoạch ngắn hạn hơn và hiệu quả ngay trong những tác động trực tiếp đến cảm quan của người tiêu dùng. Điều này, cần được bắt đầu từ những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ nhận thức thẩm mỹ đến chế tài cụ thể trong kinh doanh, phục vụ...
Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top