ClockThứ Tư, 11/01/2023 07:05

Hạ tầng nuôi thủy sản không đáp ứng yêu cầu

TTH - Quá trình sử dụng, kèm theo lũ lụt hằng năm làm hạ tầng nuôi trồng thủy sản (NTTS) bị xuống cấp, hư hỏng không đáp ứng yêu cầu phát triển NTTS tại các địa phương.

Nuôi tôm trên cát thiếu an toànHuy động nguồn lực từ dânGiao lưu trực tuyến: “Hạ tầng cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản”

Người dân Quảng Điền chăm sóc thủy sản

Hư hỏng, không có ao xử lý nước

Ông Nguyễn Lành ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) chia sẻ, những năm đầu nuôi tôm sú trên vùng đầm phá đều mang lại hiệu quả. Hồi đó, nuôi tôm chưa phát triển đại trà, môi trường vùng đầm phá ổn định, đê bao nuôi trồng đảm bảo giúp tôm phát triển tốt, ít dịch bệnh. Từ 10 năm trở lại đây, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, hạ tầng lại lạc hậu, xuống cấp, hư hỏng nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Nhiều hộ chuyển sang nuôi xen ghép các đối tượng tôm, cua, cá vẫn khó tránh khỏi dịch bệnh, nhiều vụ thua lỗ.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, bà Trần Thị Thanh Nhã đánh giá, hệ thống đê bao, kênh mương thủy lợi trên hệ thống đầm phá hiện không đáp ứng nhu cầu phát triển NTTS. Hệ thống đê bao, kênh mương cấp và thoát nước, ao hồ của người dân bị hư hỏng nghiêm trọng do ảnh hưởng bão, lũ. Nhiều hộ không có khả năng về kinh phí để gia cố, sửa chữa buộc phải nuôi theo hình thức chắn sáo.

Do hệ thống đê bao bị xuống cấp nên hàng năm khi vào vụ nuôi, quá trình xử lý, vệ sinh ao hồ gặp nhiều khó khăn. Hầu hết ao nuôi là ao chìm, người dân không thể hút khô nước để xử lý vệ sinh. Cũng do ao chìm nên không thể xử lý mầm bệnh triệt để trước vụ nuôi mới, khi bị bệnh rất khó kiểm soát và dễ lây lan trên diện rộng.

Hầu hết vùng NTTS đang lấy nước từ đầm phá Tam Giang qua hệ thống kênh dẫn trực tiếp vào hồ, không qua xử lý. Toàn bộ vùng nuôi trên địa bàn huyện không có ao lắng xử lý nước cấp, kênh cấp nước lại trùng với kênh dẫn nước thải nên khó đảm bảo nguồn nước cấp an toàn cho NTTS. Không có ao xử lý nước thải buộc các hộ nuôi thải trực tiếp xuống kênh thải, trong khi các kênh thải cũng đồng thời là kênh dẫn nước cấp để nuôi. Đây là những nguyên nhân dễ xảy ra ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Ngoài ra, toàn bộ lượng nước thải nông nghiệp phía trong đê chảy theo thủy đạo tiêu thẳng ra phá gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ NTTS.

Các vùng nuôi hầu hết đang dùng chung nguồn điện từ các trạm biến áp dân sinh nên không ổn định. Các hộ nuôi chủ yếu sử dụng cọc tre để kết nối, giữ dây điện gây mất an toàn. Gần đây, huyện đã có đầu tư điện ở tại một số khu vực nuôi, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều vùng chưa được đầu tư điện phục vụ NTTS một cách thỏa đáng. Giao thông đi lại trong nội bộ các vùng nuôi gần như chưa có nên gặp khó khăn trong khâu vận chuyển thức ăn, phân phối giống, sản phẩm và nhất là xử lý dịch bệnh.

Giải pháp tạm thời

Hiện nay, các xã trên địa bàn huyện Quảng Điền và toàn tỉnh nói chung cơ bản quy hoạch xong vùng NTTS; tuy nhiên nguồn kinh phí để thực hiện theo quy hoạch là quá lớn, như đầu tư hệ thống điện, xây dựng cơ sở hạ tầng đúng tiêu chuẩn, có đầy đủ diện tích ao lắng, ao xử lý, kênh thoát và kênh cấp tách biệt… tại các huyện có thể đến hàng trăm tỷ đồng. Hạ tầng vùng nuôi tôm theo hướng công nghiệp đang xuống cấp, trong khi nguồn lực của người dân còn hạn chế, không có khả năng đầu tư. Các huyện, thị xã đang có chủ trương tiếp tục tranh thủ các nguồn kinh phí từ ngân sách huyện, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng điện, giao thông, kênh cấp - thoát nước phục vụ hiệu quả việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình NTTS.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh nhận định, điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian đến. Trong khi cơ sở hạ tầng vùng nuôi đầm phá trên địa bàn tỉnh ngày càng xuống cấp trầm trọng, hư hỏng nặng. Tình trạng NTTS manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, tùy tiện… thiếu kiểm soát dễ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trên diện rộng.

Hạ tầng không đảm bảo là một trong những nguyên nhân, nguy cơ dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Các vùng nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đốm đen, EHP và cả bệnh đốm trắng trên tôm chân trắng xảy ra khá phổ biến. Chủ trương của tỉnh trong NTTS đặc biệt quan tâm đến đầu tư hạ tầng, đê bao, kênh mương thủy lợi, điện đảm bảo yêu cầu theo hướng công nghiệp, an toàn, công nghệ cao. Đầu tư hạ tầng kết hợp tập trung phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực của tỉnh như tôm chân trắng, tôm sú và cá nước lợ. Ngành thủy sản đang tiến đến xây dựng thương hiệu cá dìa và một số đối tượng thủy sản bản địa có giá trị nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Các địa phương đang tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm chân trắng, chuyển đổi sang ao tròn quy mô nhỏ 500 - 1.000m2 phù hợp với quy định về điều kiện cơ sở hạ tầng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hạ tầng được đầu tư đáp ứng yêu cầu nuôi cá nước lợ, thủy đặc sản trên đầm phá tại các vùng nuôi tập trung, kết hợp tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hạ tầng khu NTTS tập trung tại xã Phong Hải (Phong Điền) được đầu tư đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nuôi tôm nước lợ, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng, giảm nguy cơ xảy ra dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong khu vực.

Ngành nông nghiệp đang hướng đến đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở sản xuất, ươm dưỡng giống tôm, các loài cá biển, cá bản địa vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm soát chặt chẽ các vùng đất, mặt nước NTTS trên vùng đầm phá (nuôi đăng chắn vùng đầm Sam, Chuồn, Cầu Hai nói riêng, lồng bè trên toàn tỉnh nói chung) đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mặt nước. Phát triển sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản với doanh nghiệp, hộ NTTS đang được quan tâm, khuyến khích.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

TIN MỚI

Return to top