ClockThứ Bảy, 25/08/2018 06:47
Kỷ niệm 107 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2018)

Hai chặng đường quan trọng của nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp

TTH - Giai đoạn hoạt động ở Huế và ở Hà Nội là hai chặng đường quan trọng trong sự nghiệp báo chí cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, góp phần tạo nên văn phong và phong cách làm báo của ông.

Hoàn thiện hồ sơ xây Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên GiápChặng đường quan trọng đầu tiên của Nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất yêu nghề báo. Ảnh tư liệu

Cậu học sinh nghèo quê gốc Quảng Bình Võ Nguyên Giáp thi đỗ thứ nhì, loại khá vào Trường Quốc học Huế trong mùa hè năm 1925. Ở trường, những đăm chiêu, trăn trở với tình hình đất nước dần đưa Võ Nguyên Giáp đến với những hoạt động yêu nước. Tham gia tổ chức bãi khóa tháng 4/1927, phản đối việc Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học..., Võ Nguyên Giáp bị chính quyền thực dân coi là “thành phần chống đối” và bị đuổi học.

Rời trường học, người thanh niên đầy nhiệt huyết Võ Nguyên Giáp được đồng chí Nguyễn Chí Diểu giới thiệu vào Quan Hải tùng thư, được tiếp xúc nhiều hơn với những tài liệu mới và bắt đầu tham gia hoạt động báo chí như một nhà báo chuyên nghiệp.

Ông tham gia làm báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng là chủ bút, ban đầu với vị trí biên dịch viên và dần trở thành cây bút được yêu thích về những vấn đề chính trị - xã hội, triết học, bình luận quốc tế.

Trên 36 số báo Tiếng Dân đã thống kê được 27 bài của Võ Nguyên Giáp. Bút danh Vân Đình trên chuyên mục Thế giới thời đàm của Tiếng Dân sau này còn được Võ Nguyên Giáp sử dụng trong tác phẩm nổi tiếng Vấn đề dân cày, cùng viết với đồng chí Trường Chinh (lấy bút danh Qua Ninh). 

Chặng đường quan trọng đầu tiên (phần nhiều) tự học, tự rèn luyện và trưởng thành từ Trường Quốc học, từ báo Tiếng Dân, từ Huế là những cơ sở quan trọng để nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp trưởng thành sau này. 

Những năm 1936 - 1939, Võ Nguyên Giáp vừa là giáo sư vừa là sinh viên. Ông dạy môn sử ở Trường Thăng Long và theo học trường luật và vẫn dành phần lớn thời gian cho hoạt động báo chí.

Chỉ hai ngày sau khi Chính phủ cánh tả được thành lập ở Pháp, ngày 6/6/1936, Võ Nguyên Giáp cùng với giáo sư Đặng Thai Mai và các giáo sư Trường Thăng Long cùng nhau ra mắt tờ Hồn trẻ (tập mới). Đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai cổ động đấu tranh cho các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam để phản ánh với phái đoàn điều tra của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp do Godart cầm đầu sẽ sang Đông Dương. Báo Hồn trẻ được bạn đọc rất hoan nghênh, in ra không đủ bán. Học sinh Trường Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. Thấy rõ sự “nguy hại” của Hồn trẻ, các nhà cai trị thực dân vội vã đóng cửa báo sau khi ra được 12 số.

Báo tiếng Việt bị hạn chế bởi những điều khoản xin cấp phép phức tạp, Võ Nguyên Giáp cùng với Nguyễn Thế Rục và một số đồng chí quyết định cho ra báo Le Travaill (Lao động) bằng tiếng Pháp. Võ Nguyên Giáp là biên tập viên chính cùng với Phan Thanh, Phan Tử Nghĩa, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Công Truyền... Ông làm việc rất hăng hái, mặc dù sức khỏe không được tốt. Báo Le Travaill sau đó đã được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên xứ ủy Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ do Nguyễn Văn Cừ làm Bí thư đã có những hoạt động khá mạnh mẽ. Trên mặt báo, Võ Nguyên Giáp có nhiều bài về các chủ đề đời sống và bãi công của công nhân, tình cảnh của nông dân, về tự do của các tổ chức chính trị...

Trong những năm Mặt trận dân chủ sôi nổi (1936 - 1939), ở Hà Nội, hàng loạt tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt được Đảng chỉ đạo xuất bản công khai. Đặc biệt, tờ Notre Voix - mà Võ Nguyên Giáp như một “linh hồn”, là cây bút chủ lực- đã đăng tải loạt bài gửi về từ Trung Quốc với bút danh P.C. Lin (trong các số ra ngày 9/4, 16/4, 30/4, 21/5/1939). Ngày nay, nhiều người đã biết P.C. Lin là bí danh của Nguyễn Ái Quốc nhưng thời đó điều này tuyệt đối bí mật. Tháng 7/1939, Nguyễn Ái Quốc khẳng định với Quốc tế cộng sản: “Từ ngày 12/2/1939, số lớn những bài đó (những bài báo của Nguyễn Ái Quốc tố cáo tội ác của quân Nhật và ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc) đã được đăng trên tờ Notre Voix, tuần báo công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương, xuất bản tại Hà Nội”. Nguyễn Ái Quốc còn nhấn mạnh thêm: “Qua tờ Notre Voix và tờ Đời nay - một tờ tuần báo công khai khác của Đảng xuất bản bằng tiếng Việt ở Hà Nội - tôi có thể tóm tắt tình hình trong nước”.

Trong suốt thời kỳ Mặt trận bình dân, nhà báo Võ Nguyên Giáp đã đảm nhiệm hầu hết các khâu của nghề báo - từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung... cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse và không ít khi đảm nhiệm cả việc phát hành báo. Có buổi ông ngồi từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, viết và trình bày xong cả một số báo để kịp đưa xuống nhà in rồi vẫn lên lớp ở Trường Thăng Long như bình thường. Nghe tin có cuộc bãi công lớn của công nhân vùng mỏ, Võ Nguyên Giáp đạp xe gần 200 km từ Hà Nội về Cẩm Phả để viết bài. Những bài báo này đã gây được sự chú ý của dư luận trong nước và cả ở Pháp.Võ Nguyên Giáp xem viết báo như một nghĩa vụ và trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng. Không có nhuận bút và phụ cấp, ông sống thanh bạch nhờ lương nghề giáo.

Nhanh nhạy theo sát diễn biến tình hình cùng với sự khảo cứu sâu sắc, tác phong cẩn trọng, cần mẫn cộng thêm sự nỗ lực miệt mài đã làm cho những bài báo của Võ Nguyên Giáp có chỗ đứng trong tâm trí người đọc. Ông đã sử dụng thành công báo chí như một công cụ hiệu quả trong cuộc đấu tranh cách mạng. Hai thời kỳ làm báo ở Huế và Hà Nội đã khẳng định những nỗ lực trưởng thành và cống hiến của nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm Tân Trào giữa những ngày tháng Tư lịch sử

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi lại có dịp về Tuyên Quang, và lại được thăm Tân Trào- Khu di tích quốc gia đặc biệt, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thăm Tân Trào giữa những ngày tháng Tư lịch sử
Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng

Ngày 1/4, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Hương Thủy luôn cởi mở, tiếp thu ý kiến từ báo chí

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy đã bày tỏ tại buổi gặp mặt, cung cấp thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội năm 2023 của thị xã vào chiều 26/1. Hơn 100 phóng viên, đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đã đến dự.

Hương Thủy luôn cởi mở, tiếp thu ý kiến từ báo chí

TIN MỚI

Return to top