ClockThứ Ba, 25/12/2012 05:33

Hai cựu binh và hồi ức về đất bạn Lào

TTH - Họ từng sang đất Lào, giúp bạn trong công cuộc chiến đấu và kiến thiết đất nước. Điều đọng lại sau những năm tháng ấy là tình cảm, tấm lòng con người xứ sở hoa chăm-pa…

“Như con trong nhà”

Năm 1982, ông Trần Văn Bảythuộc Sư đoàn 342, sau khi đơn vị sang Campuchia làm nhiệm vụ, ông Bảy thuộc cán bộ khung nên được sáp nhập Trung đoàn 99, Sư đoàn 384 thuộc đơn vị công binh sang Lào tình nguyện. Từ tiểu đội phó, ông Bảy được thăng lên trung đội phó phụ trách trung đội ngay trên đất bạn. Tại vùng Sa-van-na-khẹt, đơn vị vừa học tiếng Lào, vừa làm công tác dân vận. Nhờ những người Việt từng tham gia kháng chiến sinh sống ở đây nên việc giao tiếp, làm việc với người dân Lào diễn ra hết sức thuận lợi.
 
 
 Ông Trần Văn Bảy, ông Nguyễn Đức Thuận tự hào khoe những món quà được hai con nuôi tặng
 
Ông Bảy kể: “Thấy bộ đội Việt Nam xa nhà họ thương lắm. Có người bảo: Bộ đội Lào đi đâu cũng được mang gia đình theo, trong khi bộ đội Việt Nam không được như thế, lại còn chịu cảnh xa nhà. Không thương bộ đội Việt Nam sao được”. Ngoài công việc chính là xây dựng cầu đường, bộ đội ta còn giữ gìn an ninh trật tự, giúp đồng bào dựng nhà cửa, canh tác. Có lần hạ giáo làm cầu, ông Bảy vô tình bị cây đè trúng tay, lúc ấy, một người dân Lào vội chạy vào rừng, tìm lá đắp cho ông. Nhờ vậy mà cánh tay ông mau bình phục hơn. Những ngày lễ truyền thống của Việt Nam, đồng bào vào doanh trại chúc mừng, mang theo nhiều quà, cùng liên hoan, múa hát với bộ đội Việt Nam. “Lúc ấy, bản Xê-pôn Tày, Xê-pôn Nưa yêu quý bộ đội mình lắm. Họ đeo chỉ vào cổ tay, chăm sóc mình chu đáo như con cái trong nhà. Nhiều ông bố, bà mẹ Lào dặn dò: Lúc nào con rảnh rỗi, vào đây chơi với bố mẹ. Nếu ở quê nhà chưa có nghề gì thì vào đây bố mẹ truyền cho nghề đan lát, làm men, nấu rượu”, ông Bảy hồi tưởng, giọng xúc động.
 
Năm 1985, ông Bảy xuất ngũ, về quê nhà. Trong món quà mang theo có đôi thùng nước và khay nước làm từ mảnh vỏ pháo sáng làm trong thời gian công tác ở Lào. Kỷ vật ấy ông vẫn còn lưu giữ, nâng niu cho đến nay.
 
“Bạn mạnh thì mình mạnh”
 
Tháng 1/1964, ông Nguyễn Đức Thuận được điều động về tiểu đoàn 925-KQ4, đứng tại Khe Choang, Quốc lộ số 7 (địa phận tỉnh Nghệ An) lên đường giúp bạn Lào, trong khi Tiểu đoàn 1 và 2 của bạn bị phỉ Vàng Pao bao vây. Tiểu đoàn 925 lúc này thành K8, đứng trong đội hình Trung đoàn 3 có nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ liên hiệp phỉ Vàng Pao ở cao điểm H1 + H2 huyện Mường Khằm. Sau hai ngày hành quân thần tốc, đoàn tình nguyện đến nơi. Khoảng mồng 3 Tết Việt Nam thì ta tiếp cận được địch.
 
“Lúc ấy, chúng tôi còn trẻ. Nghe theo lời kêu gọi của Bác: Mình giúp bạn, bạn giúp mình. Bạn mạnh thì mình mạnh. Bạn yếu thì mình yếu. Thế trận lúc này là thế trận địa hình. Ta với bạn chung một chiến hào”, ông Thuận nhớ lại. Đúng lúc cam go nhất thì đơn vị nhận được quà từ Thủ đô Hà Nội gửi sang động viên. Anh em ai cũng vui mừng. Như được tiếp thêm sức, tối hôm ấy, đơn vị hành quân, quyết vượt ngọn núi Phu-dăm-xi cao 1.800m so với mực nước biển. Đó là một đòn bất ngờ, ta tiêu diệt hai căn cứ địch, mở rộng vùng giải phóng Mường Khằm. Sau đó, đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ quân quản. Mỗi nhóm người được giao bảo vệ một ngôi nhà của đồng bào Lào; họ có nhiệm vụ vệ sinh nhà cửa, cho gia súc, gia cầm ăn, gùi nước từ suối về nhà; buổi tối phải nhóm lửa để đồng bào trú ẩn trong rừng sâu nhìn thấy tín hiệu cuộc sống mà về. Bộ đội ta lúc ấy ăn cơm với muối, nước tương nhưng nhất quyết không đụng chạm vào bất cứ tài sản nào của người dân. Ròng rã suốt hai tháng trời như thế thì bản mường đông vui trở lại. Bên ta tiếp tục chi viện hàng hóa, đồ dùng sang cùng chia sẻ khó khăn với người dân Lào.
 
 “Đơn vị đóng quân tại hang đá Mường Khao nên cuộc chia tay đầy nước mắt cũng diễn ra ở địa điểm lịch sử này. Tôi được tặng một chiếc khăn và một chiếc váy Lào. Đêm hôm ấy, mọi người đãi bộ đội tình nguyện một bữa tiệc ngon với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Sau này, tôi tặng lại món quà ấy cho đội văn nghệ quê nhà để họ mang màu cờ, sắc áo Lào đến với nhiều người dân hơn”, ông Thuận hào hứng.

Chỉ một thời gian ngắn ngủi, nhưng tình cảm và hình ảnh người dân Lào không phai mờ trong ký ức người cựu binh già. Ông cùng gia đình nhận đỡ đầu về mặt tinh thần cho hai sinh viên Lào (một ở Trường ĐH Y-Dược Huế, một ở Trường ĐH Kinh tế Huế) quê ở Luông-pha-băng. “Hai cháu vừa trở lại Việt Nam nhập học, tặng tôi hai món quà mang từ quê nhà. Đó là niềm vui bất ngờ đối với tôi. Từ nay, trong nhà tôi lại có bóng dáng của mảnh đất Triệu Voi nghĩa tình”, ông Thuận nói.

L.Tuệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top