ClockThứ Ba, 02/05/2017 05:56

“Hai lúa” Hiền Lương

TTH - Sinh ra trong gia đình 3 đời làm nghề rèn nhưng anh Hoàng Văn Hiền, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiền Lương, Phong Hiền (Phong Điền) lại đem lòng yêu nghề nông. Tình yêu cây lúa giúp anh làm nên thương hiệu lúa giống.

Anh Hiền giới thiệu chiếc máy kiểm định chất lượng lúa giống được mua từ 

Thất bại cá nhân, thành công tập thể

Anh Hiền có dáng người đậm. Biệt danh “Hai lúa” được bà con nông dân đặt cho anh với tấm lòng yêu quí.

Tuổi thơ nghèo khó nên chuyện học của anh dở dang. Sau ngày đất nước thống nhất, bố mẹ tạo điều kiện để anh theo nghề rèn nhưng không hiểu sao anh lại mê tiếng kẻng ra đồng. Lăn lóc bám ruộng, những năm đổi mới, anh được bà con tín nhiệm bầu làm đội trưởng, rồi xung phong vào Ban quản lý HTX Nông nghiệp Hiền Lương.

Nhiều đêm trăn trở, anh Hiền mơ có được ít ruộng để làm ăn. Chủ trương khoán hộ ra đời, anh như bắt được vàng; xung phong xin nhận 1ha ruộng ở đồng làng. Nói là ruộng, nhưng trước đó chưa ai làm được vì đất toàn lau lách, lại xa nguồn nước. Để kiếm hạt lúa, vợ chồng anh sớm hôm cải tạo, đắp đê đào mương dẫn nước...nhưng sản xuất lúa của gia đình vẫn “nhờ trời”. Nhiều vụ xuống giống, gặp mưa lớn là nước ngập trắng đồng, giống má tiêu tan, gia sản gia đình xem như sạch.

Cái nghiệp ruộng đồng thấm sâu vào máu khiến anh mày mò nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi và qua sách báo để làm chủ đồng ruộng. Khi có kế sách mới cũng vào thời điểm anh được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hiền Lương (năm 1995). Làm người “đứng đầu”, anh trăn trở suy nghĩ đến những điều để bà con tin. Đầu tiên, anh quan tâm việc dồn điền đổi thửa.

Nhờ công lớn của anh Hiền, đồng ruộng ở thôn Hiền Lương đã trở thành địa chỉ sản xuất lúa giống có thương hiệu    

Những diện tích ruộng khó khai thác, manh mún được quy hoạch trở thành vùng đất sản xuất tập trung, bằng phẳng- một quyết định làm tóc anh bạc thêm mấy phần nhưng cái được là bà con đồng tình rất cao. Tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh, huyện và vận động xã viên phát huy nội lực củng cố dần hệ thống kênh mương thủy lợi, trạm bơm và giao thông nội đồng, anh đôn đáo ngược xuôi tín chấp cho xã viên vay vốn mua sắm máy móc, mở các dịch vụ kinh doanh sản xuất nông nghiệp. Từ đó, năng suất lúa của bà con trong vùng tăng dần. Trước năm 2000, năng suất lúa chỉ ở mức 30-40 tạ/ ha, sau đó lên 45-50 tạ/ha. Đến năm 2016, đạt 60 tạ/ha.

Anh Hiền cho rằng, trồng lúa vẫn còn phụ thuộc nhiều khâu nhưng anh lưu tâm là giống và khung lịch vụ mùa. Theo anh, thời tiết Thừa Thiên Huế khắc nghiệt, đòi hỏi người trồng lúa phải tuân thủ khung lịch. Còn giống lúa, anh tư vấn, vận động bà con chọn những giống gạo thơm ngon, như Khang dân, HT1, Thiên ưu 8... phù hợp đặc tính ruộng đồng địa phương, phù hợp thời vụ.

Địa chỉ trồng lúa giống số 1 của tỉnh

Đồng lúa ở thôn Hiền Lương có hơn 46 ha, chưa đến 1/7 diện tích ruộng đồng của xã Phong Hiền, nhưng năm nào năng suất lúa cũng đứng đầu toàn huyện. Dù vậy, anh vẫn chưa hài lòng, lúc nào cũng trăn trở về giống lúa vì làm lúa lai vừa đắt, vừa không chủ động. Suốt năm bám ruộng, tại sao không chủ động được giống lúa thuần, vừa rẻ, vừa chất lượng?. Thế là một “cán bộ làng” như anh vác cặp  “đối ngoại” nhiều nơi. Nơi nào trong tỉnh làm cánh đồng mẫu, sản xuất lúa giống là anh tìm đến, hoặc kết nối điện thoại để tìm hiểu, học tập.

Mô hình sản xuất lúa giống xác nhận của HTX Nông nghiệp Hiền Lương, Phong Hiền, lãi tăng hơn 25% so với sản xuất lúa thường. Tính ưu việt của lúa giống xác nhận Hiền Lương kháng được sâu bệnh, chịu hạn, ít ngã đổ khi gặp thiên tai, năng suất đạt khoảng 60 tạ/ha. Với mô hình này, người tham gia sản xuất được hưởng lợi 30%; HTX  hưởng 40% để khấu hao máy móc; số còn lại hỗ trợ người tiêu dùng (ưu đãi vào giá bán).

Tại hội nghị ngành nông nghiệp huyện Phong Điền đầu năm 2012, anh đề xuất “làm lúa giống”. Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện “sướng” với ý tưởng của anh nên quyết ngay. Vài hôm sau, huyện Phong Điền lập đề án xây dựng lúa giống chất lượng với cái tên HTX Hiền Lương, với vùng giống ở các xã Phong An, Phong Sơn, Điền Lộc và thị trấn Phong Điền. Anh Hiền lập tức đi tìm giống nhiều nơi rồi bến đỗ cuối cùng là “bắt tay” cùng Công ty CP Giống -Vật nuôi Thừa Thiên Huế. 

“Hồi đó, tôi là người được công ty ưu ái hỗ trợ sớm các giống nguyên chủng, phân bón vi sinh về làm thí điểm tại địa phương”, anh Hiền kể. Được giống, được phân, anh hăm hở họp bàn, vận động, tập huấn bà con địa phương xây dựng mô hình khảo nghiệm thí điểm 5 ha với giống lúa Khang dân, HT5, HT1, SV 181... nguyên chủng để sản xuất ra lúa xác nhận. Hàng ngày, anh cùng bà con chăm “mô hình khảo nghiệm” như chăm con đẻ.

“Ban đầu bà con chưa mê lắm, vì thực tế công, của bỏ ra không ít mà năng suất không cao. Nghe tin nhiều xã, huyện khác cũng làm như HTX Hiền Lương nhưng lúa lại gãy đổ”, anh Hiền trầm giọng. Không nản chí, anh kiên trì, lặng lẽ thuyết thục, kêu gọi sự tự nguyện của xã viên. Không ngờ vụ sau thành công hơn cả mong đợi, được Đảng ủy, chính quyền ủng hộ nên bà con hào hứng tham gia.

Diện tích làm lúa giống từ 5ha đến 10 ha rồi tăng lên 16 ha, với gần 143 hộ tham gia. Năm 2016, HTX Nông nghiệp Hiền Lương phấn khởi chuyện trồng lúa giống, tổng sản lượng thu được gần 100 tấn cung cấp thị trường gần xa, với giá từ 10-12 nghìn đồng/kg; trong lúc đó nhiều nơi khác triển khai cùng thời điểm đã thất bại.

Thời hội nhập, việc sản xuất lúa gạo phải đòi hỏi chất lượng tốt, dinh dưỡng cao. Với ý tưởng đó, anh quyết tâm xây dựng thương hiệu lúa giống Hiền Lương và được UBND tỉnh, Sở KH&CN hỗ trợ để Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể vào đầu năm 2017. Cách làm của anh Hiền là thực hiện quy trình khép kín, nhân rộng diện tích lên 35ha do HTX cung cấp giống, phân, hỗ trợ kỹ thuật rồi thu mua sản phẩm cho nông dân. Để xây dựng thương hiệu lúa giống, anh Hiền ra Hà Nội mua máy kiểm định chất lượng về dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng chì... làm nhiều bà con địa phương ngạc nhiên vì lần đầu tiên trong đời, nông dân ở Hiền Lương làm ra hạt lúa đưa đi kiểm định chất lượng.

Hiện, lúa giống Hiền Lương được các đơn vị ở địa phương và tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.

Minh Văn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần hỗ trợ khẩn cấp 1.500 tấn lúa giống

Đến ngày 8/4, nhiều diện tích lúa vùng thấp trũng trên địa bàn tỉnh vẫn còn ngập úng, nguy cơ mất trắng. Nông dân đối diện với nhiều khó khăn, thiếu giống sản xuất vụ hè thu sắp đến.

Cần hỗ trợ khẩn cấp 1 500 tấn lúa giống
Quảng Điền cần 200 tấn lúa giống cho vụ đông xuân

Là vùng ven đầm phá, thấp trũngchịu hậu quả nặng nề trong các trận lũ đặc biệt lớn vừa qua, huyện Quảng Điền kiến nghị tỉnh hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng khắc phục thiệt hại, 200 tấn lúa giống, 1 tấn giống hoa, rau màu cho sản xuất vụ đông - xuân.

Quảng Điền cần 200 tấn lúa giống cho vụ đông xuân
Bộ NN&PTNT kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp

Từ ngày 20/12 sẽ có bốn đoàn thuộc Bộ NN&PTNT đi tám tỉnh Nam Trung bộ rà soát kỹ thiệt hại sau cơn “lũ chồng lũ” và có biện pháp cụ thể hỗ trợ các tỉnh khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Bộ NN PTNT kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp
Return to top