ClockThứ Ba, 25/07/2017 06:11

Hai ngọn đuốc thơ bất tử từ phong trào đô thị Huế

TTH - Trong phong trào đấu tranh chống Mỹ của học sinh, sinh viên, trí thức ở Huế và các đô thị miền Nam, tên tuổi của hai nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha, Trần Quang Long nổi lên như những vì sao rực rỡ.

Ngô Kha – ngụ ngôn của một thế hệ

Nhà thơ, thầy giáo, liệt sĩ Ngô Kha sinh ngày 2/3/1935 tại làng Thế Lại Thượng, phường Phú Hiệp (Huế). Anh tốt nghiệp thủ khoa khóa 1, Đại học Sư phạm (ĐHSP) Huế (1958-1959), cử nhân Luật (1962), rồi trở thành giáo sư dạy văn và công dân ở các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo (Huế) từ năm 1960 cho đến ngày hy sinh. Cuộc đời vỏn vẹn 38 năm của anh trong vai trò một thầy giáo, một cây bút chính luận, một thi sĩ là một khúc tráng ca hào hùng trong phong trào đô thị Huế.

Bìa sách “Ngô Kha-ngụ ngôn của một thế hệ”

Hơn 12 năm đứng trên bục giảng, Ngô Kha là một nhà giáo để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng học trò. Nhiều tác phẩm văn chương và chính luận của Ngô Kha thường xuyên được đăng tải trên các báo, tạp chí công khai ở miền Nam, như: Trình Bày, Mai, Đất Nước, Đối Diện, Hướng Đi, Tin Tưởng, Tự Quyết… Những tác phẩm đó gây ảnh hưởng lớn đối với học sinh - sinh viên tranh đấu. Cái tên Ngô Kha, vì thế, trở thành biểu tượng của giới trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước.

Dấn thân vào phong trào đấu tranh, Ngô Kha sinh hoạt với nhóm “Quán Bạn”, với “Tuyệt Tình Cốc”... là những người tuổi trẻ cùng chí hướng trong phong trào đấu tranh đô thị. Năm 1964, địch đàn áp “Quán Bạn”; cùng với nhà thơ Trần Quang Long, Ngô Kha bị bắt giam một thời gian. Năm 1966, Ngô Kha là một trong những thành viên nòng cốt lãnh đạo đơn vị quân đội Sài Gòn ly khai. Cuộc đấu tranh thất bại, nhà thơ bị bắt và bị đày đi Phú Quốc. Vào đầu thập niên 1970, Ngô Kha chủ trương nhóm trí thức đấu tranh “Tự Quyết” (cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Thái Ngọc San, Chu Sơn). Anh cũng là sáng lập viên và là Chủ tịch Mặt trận Văn hóa dân tộc miền Trung do Thành ủy Huế chỉ đạo năm 1972. Ngày 30/1/1973, Ngô Kha bị nhà cầm quyền Thừa Thiên bắt và thủ tiêu. Đến nay vẫn chưa tìm đích xác nơi nhà thơ bị hạ sát lén lút. Anh được Nhà nước công nhận liệt sĩ vào cuối năm 1981.

Sau khi cho ấn hành tập thơ “Hoa cô độc” (1961), Ngô Kha xuất bản tập “Ngụ ngôn của người đãng trí” (1969). Tác phẩm này chứa đựng tất cả ngôn ngữ và hình tượng ám ảnh kinh hoàng về chiến tranh; là lời tố cáo đau đớn của một người đang cố tìm cách thoát thân khỏi mảnh đất nô lệ nhục nhằn. Đầu những năm 70, Ngô Kha xuất hiện như một ngọn cờ, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Sài Gòn (cũ). Những bài thơ mới của Ngô Kha trong giai đoạn này là những khúc tráng ca mang đầy dấu ấn của thời cuộc: Bài ca tự quyết, Cho những người nằm xuống, đặc biệt là Trường ca Hòa bình… Chính vì sự tuyên chiến và dứt khoát đứng về phía “Trường Sơn hùng vĩ” ấy mà nhà chức trách đương thời ở Huế đã tìm mọi cách để triệt hạ “ngọn cờ” Ngô Kha.

Bài thơ cuối cùng, “Mai có hòa bình”, công bố đầu tiên trên báo Thái Hòa tháng 4/1973, được bác sĩ Trương Thìn phổ nhạc, đã trở thành bài hát quen thuộc trong phong trào thanh niên học sinh: “Mùa đổ lá thu mơ trời tháng tám/nhớ nhau thì về chẳng quản đường đi/ngày xưa đất nước phân kỳ/em theo tiếng gọi quên thì gấm hoa”…

Trần Quang Long - người “viết sử mình trên mặt đất”

Bìa sách “Trần Quang Long, cuộc đời và tác phẩm” ​

Năm 2017, bài thơ “Thưa mẹ, trái tim” đã ở vào tuổi 50.  Đó là bài thơ dành cho cả một thế hệ và dành cho những thế hệ sau đó nữa, đó là một bài thơ lịch sử. Không phải nhà thơ nào cũng có thể viết được một bài thơ như thế.

Vừa qua, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập (1957 - 2017), Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định truy tặng Giải thưởng Cống hiến Hội Nhà văn Việt Nam (đợt 1) cho một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã hy sinh hoặc đã mất từ hai cuộc kháng chiến và sau hòa bình. Thừa Thiên Huế có 5 tác giả được vinh danh: Hai nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha, Trần Quang Long và ba người khác là Trần Thanh Mại, Trần Thanh Đạm, Lê Văn Ngăn.

Trần Quang Long sinh ngày 6/2/1941 tại Huế. Anh học trường Quốc Học và sau đó tốt nghiệp Khoa Văn - ĐHSP Huế. Anh là Chủ tịch sáng lập Hội Sinh viên Sáng tác thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, chủ trương nhiều tờ báo tranh đấu, như Sinh viên Huế, Đất Mới, Dân (Huế), Sinh viên Sài Gòn, Tin Văn, Đất Nước (Sài Gòn); đồng sáng lập “Quán Bạn”. Từ 1963 - 1968, anh đi dạy học, làm thơ, xuống đường tranh đấu… Trong thời gian dạy học ở Quy Nhơn và Cần Thơ, anh tiếp tục tham gia phong trào đô thị miền Nam và dùng thơ văn như một vũ khí sắc bén vạch trần tội ác chính quyền tay sai, hâm nóng lòng yêu nước của tuổi trẻ. Năm 1968, anh thoát ly ra vùng kháng chiến, là thành viên Liên minh Dân tộc - Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Buổi sáng 11/10/1968, quả bom Mỹ đã rơi trúng ngay căn hầm của anh ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (tại Tây Ninh). Nhà thơ Trần Quang Long hy sinh khi mới 27 tuổi. Phải đến ngày 13/3/2012, bạn bè, người thân mới tìm thấy hài cốt của anh và tổ chức an tang tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh ở quận 9.

Cuốn “Trần Quang Long - cuộc đời và tác phẩm” (NXB Thuận Hóa, 2005), do Nguyễn Hữu Ngô sưu tầm và biên soạn, là cuốn sách đầy đủ nhất về nhà thơ, liệt sĩ Trần Quang Long. Phần lớn những sáng tác trong tập được lấy từ bản thảo chép tay dày ngót 600 trang, ghi đầy đủ ngày tháng dưới mỗi bài theo tác giả từ những ngày ở Quốc Học cho đến chiến trường Tây Ninh, nhiều bài đã đăng trên các tạp chí xuất bản ở Sài Gòn trước 1975, tập “Vực thẳm và hy vọng”. Có những bài được lấy từ những lá thư gửi cho người vợ - Quỳnh Như; và tập di cảo cuối cùng “Sao Rừng” còn nhuốm máu ngày nhà thơ hy sinh.

Trần Quang Long với bài thơ “Thưa mẹ, trái tim” đã đi tới một quyết định dấn thân: “Nếu thơ con bất lực/con xin nguyện trọn đời/dùng chính quả tim mình làm trái phá/sống chết một lần thôi”. Đó là trái tim một người thanh niên yêu nước tràn trề, trào dâng. Người đọc đồng cảm với bài thơ không chỉ từ câu chữ trong bài thơ, mà từ trái tim với dòng máu đỏ bật sáng trong suốt bài thơ. “Trái tim là của con người/viết lịch sử mình trên mặt đất/bằng từng nét máu thắm tươi”. Trần Quang Long đã thành người phát ngôn của cả một thế hệ thanh niên yêu nước. Anh sống mãi cùng bài thơ “Thưa mẹ, trái tim”.

Hai nhà thơ- liệt sĩ Ngô Kha, Trần Quang Long ra đi, để lại nhiều trang viết còn dang dở, bao ý tưởng sáng tạo còn chưa được thể hiện. Thơ siêu thực của Ngô Kha khác với thơ trực diện của Trần Quang Long, nhưng tinh thần và thái độ dấn thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc là điều đã khiến thơ của hai tác giả này thật sự là hai ngọn đuốc thiêng, hai ngọn- đuốc- thơ bất tử trong phong trào đô thị Huế.

Hồ Hoàng Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đinh Cường vẽ Ngô Kha

Có một người mà cố họa sĩ Đinh Cường đã dành rất nhiều tâm huyết để hồi tưởng, để nhớ thương bằng hội họa, đó là liệt sĩ, nhà thơ Ngô Kha – người bạn vong niên thuở thiếu thời ở Huế. Cho đến những năm đầu thế kỷ 21, khi còn sống cùng gia đình tại Mỹ, người họa sĩ tài hoa đã dành một phần tâm huyết để vẽ về Ngô Kha.

Đinh Cường vẽ Ngô Kha

TIN MỚI

Return to top