ClockThứ Năm, 20/10/2016 05:11

Hải sản khô đang khó tiêu thụ

TTH - Sau khi Bộ Y tế công bố danh sách các loại hải sản thuộc tầng đáy, được khuyến cáo không nên sử dụng do sự cố môi trường biển, nhiều tiểu thương buôn bán hải sản khô gặp khó khăn vì hàng tồn đọng, khó tiêu thụ.

Hải sản khô bày bán tại chợ Đông Ba rất khó tiêu thụ

Tại xã Phú Diên (huyện Phú Vang), tìm hiểu về việc chế biến, thu mua hải sản khô, nhiều người lắc đầu khi mực khô, tôm khô, cá khô vẫn tồn đọng trong thời gian dài. Các kho đông lạnh dự trữ hàng đang tồn đọng. Ông Trần Đống (thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang), kinh doanh hải sản khô hơn 30 năm  cho biết: “Nguồn hàng được tui thu gom từ các ngư dân trong tỉnh; mỗi ngày nhập hơn 50kg hải sản khô. Khi người dân biết các loại này thuộc tầng đáy thì ít người tới hỏi mua. Trước đây, các nhà hàng, quán ăn, tiểu thương ở các chợ trên thành phố đều đặn đặt hàng thì nay suốt tháng không có đơn hàng nào”.

Cùng với hộ ông Trần Đống, 3 hộ dân khác thu mua hải sản khô ở Phú Diên cũng gặp khó. Điều đáng nói, có không ít lượng hàng được họ nhập từ trước khi xảy ra sự cố môi trường biển.

Ông Hoàng Trọng Đoài, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho rằng, do ảnh hưởng chung của sự cố môi trường biển nên số hộ kinh doanh hải sản khô gặp khó khăn là điều chắc chắn. Những hộ dân này không chỉ gặp khó do thị trường thu hẹp mà nguồn hàng đầu vào cũng hạn chế, bởi sản lượng đánh bắt giảm. “Ở Phú Diên, hơn 250 chiếc thuyền đánh bắt gần bờ có công suất từ 8-90CV. So với trước, lượng hải sản đánh bắt giảm nhiều. Sau khi có công bố các loại hải sản tầng đáy chưa an toàn thì những nghề như câu mực, đánh bắt cá tầng đáy hầu như không ai làm. Trước khi công bố, người dân vẫn tiêu thụ các loại hải sản này, nhưng sau khi công bố ai cũng e ngại. Chính điều này khiến cho các hộ dân kinh doanh hải sản khô gặp khó khăn. Đối với những hộ này, chúng tôi đang kê khai để họ có thể nhận được sự hỗ trợ”, ông Đoài nói.

Tại các chợ trên địa bàn, những tiểu thương buôn bán hải sản khô cũng rầu rĩ khi số lượng hàng bán ra chưa đầy 10% so với bình thường. Mực khô, mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn làm quà khi đến Huế rất khó tiêu thụ. Những gian hàng mực khô tại chợ Đông Ba lâm vào tình trạng ế khách. Một số tiểu thương đành chuyển đổi sang kinh doanh các loại mặt hàng khác, mặc dù lợi nhuận không cao. “Tui bán các loại hải sản khô như, cá khô tự nhiên, cá khô chế biến, mực khô, tôm khô…ở đây đã hơn 40 năm. Khi chưa có công bố các loại hải sản thuộc tầng đáy, tui nhập hàng từ nhiều nguồn khác nhau, nếu ở Huế không đủ thì nhập từ các tỉnh phía Nam. Nhưng từ ngày xảy ra sự cố môi trường biển, tui chỉ nhập ở trong tỉnh vì lượng khách giảm hẳn. Bình thường một ngày bán được khoảng 10 triệu đồng mực khô nhưng nay chỉ bán được khoảng  2 triệu. Khách ít nên tui có đề đạt nguyện vong lên ban quản lý chợ để xin chuyển đổi kinh doanh các loại mặt hàng khác”, bà Nguyễn Thị Thanh (tiểu thương kinh doanh hải sản khô tại chợ Đông Ba) cho biết.

 Hải sản khô tồn đọng tại nhiều cơ sở thu mua    

Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba cho biết, có khoảng 15 hộ kinh doanh các loại hải sản khô. Thời gian này, lượng hàng bán chậm và sắp tới chắc chắn các tiểu thương sẽ gặp khó khăn. “Những tiểu thương kinh doanh hải sản khô tại chợ không được Nhà nước hỗ trợ. Trước khó khăn đó, một số tiểu thương có nguyện vọng xin chuyển đổi mặt hàng kinh doanh. Trước mắt, Ban Quản lý chợ sẽ tạo điều kiện để họ có thể chuyển đổi mặt hàng kinh doanh, nhưng mặt hàng đó phải thuộc phụ lục ngành hàng được phép kinh doanh. Hiện, người tiêu dùng quan tâm đến nguồn gốc cũng như chất lượng của các loại hải sản khô. Tuy nhiên, để làm điều này cần có sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng”, bà Trà cho hay.

Đối với nguồn gốc các mặt hàng hải sản khô được bày bán trên thị trường, ông Nguyễn Duy Thành, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: “Chúng tôi đang triển khai kế hoạch  về chuyên đề kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có các mặt hàng thủy hải sản khô. Chúng tôi sẽ kiểm tra tại các chợ, siêu thị…”.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đối với các hộ kinh doanh các mặt hàng hải sản (trong đó có hải sản khô), nếu các hộ đó có hộ khẩu hoặc điểm kinh doanh đặt tại vùng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển sẽ nhận được mức hỗ trợ của Nhà nước. Như vậy chiếu theo quy định, các hộ kinh doanh hải sản khô tại chợ nếu không đáp ứng các điều kiện trên sẽ không nhận được hỗ trợ.

Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế

Chiều 15/3, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế theo Quyết định số 147 ngày 05/2/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH); đồng thời, công bố và trao các quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top