ClockThứ Năm, 29/10/2020 08:27

Hai tỉnh ủy viên nữ đầu tiên của đảng bộ tỉnh

TTH - Ngay từ khi thành lập, Đảng bộ tỉnh đã có trên 10 đảng viên nữ sinh hoạt ở các cơ sở và có 2 nữ đồng chí là Nguyễn Thị Lụt và Phạm Thị Xinh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Trước tình hình thế giới và phong trào cách mạng trong nước có nhiều thuận lợi, ngày 3/2/1930, một sự kiện lịch sử vĩ đại đánh dấu bước chuyển biến to lớn trong quá trình đấu tranh giữ nước của dân tộc ta: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Ngày 24/2/1930, tại một cơ sở liên lạc ở Kinh đô Huế, theo sự giới thiệu và chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ, Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ, đại diện của hai Đảng bộ trong tỉnh là Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gặp nhau để thống nhất thành một tổ chức cộng sản.

Sau cuộc gặp lịch sử này, ngày 3/4/1930, tại nhà của một cơ sở liên lạc ở Bến Ngự, hội nghị bàn việc thống nhất hai tổ chức cộng sản được tiến hành. Hội nghị tuyên bố thống nhất hai tổ chức cộng sản thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên.

Hội nghị thảo luận chủ yếu ba vấn đề: Tên Đảng, điều lệ các tổ chức quần chúng, chương trình kỷ niệm ngày 1/5/1930 và bầu Tỉnh ủy mới. Sau khi bàn bạc, Hội nghị đồng ý về tên Đảng, song tranh luận nhiều về vấn đề tổ chức các hội quần chúng.

Hội nghị đã thông qua phương hướng hoạt động trên cơ sở thống nhất nhận định của Chỉ thị Trung ương; cử Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên gồm 5 ủy viên: Lê Viết Lượng, Lê Bá Dị, Nguyễn Chí Huyến, Trần Hữu Duẫn và Nguyễn Thị Lụt. Đồng chí Lê Viết Lượng được bầu làm Bí thư.

Tiếp đó, từ ngày 7/4 đến ngày 10/4/1930, Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức hội nghị lần thứ I, phân công và thảo luận, thống nhất một số công tác chủ yếu trước mắt: Đồng chí Lê Viết Lượng: Bí thư kiêm tuyên truyền và tổ chức; đồng chí Nguyễn Chí Huyến: Thường vụ trực kiêm phụ trách giao thông; đồng chí Lê Bá Dị phụ trách dân vận, chủ yếu là nông vận; đồng chí Trần Hữu Duẫn phụ trách Mặt trận và học sinh; đồng chí Nguyễn Thị Lụt phụ trách dân vận, chủ yếu là phụ vận.

Tại hội nghị này, Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Thị ủy Thuận Hóa, bầu đồng chí Phạm Thị Xin và Hoàng Văn Diệm vào Ban Chấp hành, phân công đồng chí Phạm Thị Xin, phụ trách giao thông liên lạc; đồng chí Hoàng Văn Diệm làm Bí thư Thị ủy Thuận Hóa, phụ trách nội thành Huế. Đồng chí Địch phụ trách huyện Phong Điền.

Hội nghị đã truyền đạt chỉ thị của Trung ương và của Xứ ủy Trung Kỳ về tăng cường vận động công nhân, nông dân và chuẩn bị tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ngày 1/5/1930. Nghị quyết đầu tiên của Tỉnh ủy Thừa Thiên nêu rõ: “Mở rộng phong trào học sinh, công nhân, nông dân chuẩn bị tổ chức ngày 1/5 trong 15 ngày từ 22/4 đến 7/5/1930 để phát động quần chúng, còn ngày 1/5 thì bảo toàn lực lượng”.

Hướng chính của Tỉnh ủy Thừa Thiên lúc này là tăng cường tổ chức nội bộ và chuẩn bị thật kỹ mọi mặt để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Ngày 18/5/1930, Tỉnh ủy họp hội nghị lần thứ II, kiểm điểm công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và tình hình đấu tranh của quần chúng sau đợt kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930). Hội nghị quyết định thành lập Ban Dân vận và các đoàn thể: Nông hội Phản đế, Phụ nữ Phản đế, Sinh hội Đỏ…, và thông qua đề án thành lập Thanh niên Cộng sản đoàn.

Sau hội nghị, với sự nỗ lực, kiên trì của các đảng viên trong hoàn cảnh bí mật, cơ sở cách mạng trong toàn tỉnh tiếp tục được xây dựng và mở rộng tại Trường Quốc Học, Trường tư thục Vỹ Dạ, Nhà máy Đèn, Nhà in và báo Tiếng Dân; trong lực lượng công nhân kéo xe, tiểu thương chợ Đông Ba; ở các huyện…;  thu hút nhiều nhân sĩ, trí thức tham gia tổ chức phản đế, cứu tế; tiến tới thành lập các Ban vận động Phản đế, Cứu tế.

Lúc Đảng bộ tỉnh mới thành lập, Tỉnh ủy có 5 đồng chí thì 1 đồng chí là nữ, sau đó vài ngày, Tỉnh ủy họp hội nghị lần thứ I và bầu bổ sung 2 đồng chí vào Tỉnh ủy thì có thêm 1 đồng chí nữ là Phạm Thị Xinh.

Trong đó, đồng chí Nguyễn Thị Lụt là Tỉnh ủy viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Từ năm 1930 đến nay, trong tất cả các nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế luôn có các đảng viên nữ tham gia Ban Chấp hành, giữ các chức vụ cao trong bộ máy Đảng và chính quyền. Điều đó chứng tỏ nền dân chủ trong Đảng luôn được xem trọng, sự bình đẳng nam - nữ luôn được đề cao, phát huy. Nhưng điều quan trọng là sự nỗ lực và uy tín của các nữ tỉnh ủy viên.

Dương Phước Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo lên... phố - Kỳ 1: “Cánh tay nối dài”

Từ 52,9% hộ nghèo và cận nghèo, năm 2023, Đảng bộ tỉnh và huyện A Lưới phấn đấu giảm còn 24,91% hộ nghèo và còn 12% hộ cận nghèo, bằng mọi cách tạo kỳ tích, đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo để cùng cả tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thoát nghèo lên  phố - Kỳ 1 “Cánh tay nối dài”
Cùng hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương

Với tâm huyết, trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn của mình, nhiều đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tất cả cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Báo Thừa Thiên Huế lược ghi một số tham luận trình bày tại Đại hội.

Cùng hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương
Gửi gắm niềm tin vào những quyết sách mới

Ngày mai (22/10), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 chính thức khai mạc. Những ngày qua, tuy phải hứng chịu các đợt mưa lũ kéo dài, đầy khó khăn, nhưng cán bộ, Nhân dân vẫn luôn hướng về Đại hội, gửi gắm niềm tin, hy vọng vào một nhiệm kỳ mới với nhiều quyết sách đột phá, đưa quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển.

Gửi gắm niềm tin vào những quyết sách mới
Return to top