ClockThứ Ba, 03/04/2018 14:15

Hai trận đánh lịch sử trên đất Phong Chương

TTH - Kể về những ngày tháng ác liệt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ năm 1966, ông Trần Văn Thuận, nguyên Huyện ủy viên, Chính trị viên phó Huyện đội Phong Điền kiêm Đại đội trưởng Đại đội P14 vẫn nhớ như in những trận đánh trên đất Phong Chương do chính ông chỉ huy, bẻ gãy trận càn của quân Mỹ đầu tiên trên đất Phong Điền nói riêng và chiến trường Trị Thiên nói chung đã làm nức lòng Nhân dân cả nước.

Chuyện về chiến sĩ đặc công Mai Xuân BảoTấm gương sáng cho giáo dục nhân phẩm con ngườiGặp Trường Tiền ở phương NamKý ức người cựu chiến binh về trận chiến tại sân bay Mường Thanh

Ông Trần Văn Thuận

Từ trận đánh Ngụy

Vào khoảng những ngày cuối tháng 3/1966, được sự chỉ đạo của Thường vụ Huyện ủy Phong Điền, ông Trần Văn Thuận chỉ huy Đại đội P14 (gồm 3 trung đội với 105 đồng chí) chủ động đánh Trung đội Bảo an đóng tại Vân Trình. Tuy nhiên, do bị lộ nên địch tháo chạy. Sau đó, ông đưa quân về đóng tại thôn Phú Nông, Chánh Lộc (Phong Chương) là nơi đóng quân của cơ quan đầu não huyện. Khoảng 23 giờ đêm (rút về căn cứ không kịp) nên sau khi bàn bạc, thống nhất, ông đưa quân về đóng tại xóm giữa thôn Chánh An (Phong Chương). Địa thế vùng này phía trước là hàng tre, phía sau là lạch nước, rất thuận lợi cho nhiệm vụ chống càn.

Đêm hôm đó, đại đội của ông Thuận đào hầm cho đến sáng. Đến 6 giờ sáng, ông phát hiện 2 máy bay từ Quảng Thái lên Phong Chương với mục đích trinh sát. Bay qua vùng đóng quân của đơn vị, máy bay địch phát hiện chỗ nấp của quân ta (do đất mới đào còn mới), chúng liền thả 2 quả đạn báo tín hiệu có Việt Cộng. Biết bị lộ, ông liền mượn bộ quần áo của dân để trực tiếp đi trinh sát, xem xét lực lượng của địch. Đến chợ Mỹ Phú, ông phát hiện địch đang đóng quân cách chợ khoảng 200m với 2 tiểu đoàn lính thủy quân lục chiến, khoảng 1.000 tên.

Trở về, ông tức tốc họp với các trung đội trưởng để bàn cách đánh. Do vũ khí ít nên ông xác định, vừa đánh địch vừa lấy vũ khí của địch để đánh địch, nhưng tuyệt đối không để lộ quân. Ông chỉ huy đại đội chia làm 3 hướng. Đến khoảng 7 giờ sáng, địch tiến vào chỗ quân ta đóng quân ở mũi phía cánh trái, gần lạch nước. Đợi địch tới gần sát, mũi cánh trái quân ta bắt đầu nổ súng, các mũi còn lại vẫn ém quân bất động. Bị đánh bất ngờ, quân địch tháo chạy, ta lấy được 8 khẩu súng.

Sau đó, địch dùng 3 khẩu súng cối 81 bắn về phía quân ta và đưa quân tiến về phía đường giữa (nơi đây quân ta đã bố trí 3 khẩu cối 60). Đợi địch tiến sát, ta nã cối 60 vào phía sau lưng địch và dùng súng bắn tỉa. Địch rút lui, ta thu thêm được 5 khẩu súng và 1 máy bộ đàm. Địch gọi thêm 13 chiếc xe tăng M113 từ quận lỵ Phong Điền lên vây quân ta. Sáu quả đạn chống tăng được giao về cho 3 trung đội. Khi xe tăng địch tiến sát, phía sau là lính thủy quân lục chiến, đồng chí Cùa, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 xung phong và bắn cháy chiếc xe tăng đầu tiên. Các cánh khác nổ súng bắn tỉa lính bộ binh, khiến địch phải rút lui và sau đó kêu pháo, súng cối nã về phía quân ta. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 22 giờ đêm.

Sau khi bàn bạc, đại đội quyết định rút lui theo 2 hướng về chiến khu an toàn. Kết quả trận đánh, ta hy sinh 7 đồng chí, bị thương 10 đồng chí. Phía địch, khoảng 350 tên đã bị tiêu diệt (chưa kể số bị thương). Ta thu được nhiều vũ khí.

Đến trận diệt Mỹ

Sau trận đánh, đại đội của ông Trần Văn Thuận có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc chống càn, đánh địch. Ngày 26/6/1966, hơn 150 lượt với 92 máy bay lên thẳng của Mỹ đổ 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ xuống làng Chánh An và Mỹ Phú (Phong Chương, Phong Điền) nhằm tổ chức càn để tiêu diệt lực lượng ta. Đóng quân tại các thôn Trung Thạnh – Chánh An – Mỹ Phú là đại đội P14. Phía xã Quảng Thái (Quảng Điền) có Tiểu đoàn 6, thuộc Trung đoàn 6 đóng quân. Ngay tại thôn Nhất Phong (Phong Chương) có Tiểu đoàn 10 của Trung đoàn 6 đóng quân, sẵn sáng hỗ trợ cho bộ đội địa phương.

Lần đầu tiên đụng độ với quân Mỹ, mặc dù lực lượng và vũ khí không cân sức, nhưng bộ đội địa phương với sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 6 và 1 đại đội 12,7 ly trợ chiến cùng du kích xã Phong Chương đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đánh tan 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, bẻ gãy 8 đợt tấn công của địch. Cuộc chiến kéo dài từ 6 giờ sáng đến 3-4 giờ chiều. Số lính Mỹ chết lên đến 460 tên. Bộ đội ta cũng đã bắn rơi 2 máy bay lên thẳng của Mỹ, thu 49 súng các loại và 4 máy PRC 25. Phía quân ta chỉ có đồng chí Mai, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 bị thương nhẹ. Đây là trận đánh Mỹ đầu tiên trên đất Phong Điền có kết quả mỹ mãn, khẳng định ý chí và quyết tâm “dám đánh và đánh thắng Mỹ”, làm nức lòng Nhân dân cả nước.

Trực tiếp chỉ huy 2 trận đánh này nên suốt đời ông Trần Văn Thuận chẳng thể nào quên và luôn luôn ghi nhớ, tri ân những đồng đội đã sát cánh cùng ông trong chiến đấu, góp công cho đất nước được tự do, độc lập và phát triển giàu mạnh như ngày hôm nay.

Hải Huế

(Theo lời kể của ông Trần Văn Thuận)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hai bà mẹ vượt lũ sinh con an toàn ở Phong Điền

Ngày 14/10, Trung tâm y tế Phong Điền cho biết, hai bà mẹ tránh lũ từ tuyến dưới đến sinh con đã được các bác sĩ đỡ đẻ an toàn. Trẻ sinh ra bú tốt, sức khỏe bà mẹ ổn định và đang được chăm sóc tại đơn vị.

Hai bà mẹ vượt lũ sinh con an toàn ở Phong Điền
Vì sao ông Lê Hữu Tòng chưa được tặng Huân chương Độc lập?

Vào dịp Quốc khánh năm nay, tôi có dịp chuyện trò với ông Lê Hữu Tòng, nguyên Quyền Huyện đội trưởng Hương Thủy - người mà tôi đã thực hiện một loạt bài giới thiệu về những chiến công, thành tích của ông và được Báo Thừa Thiên Huế đăng tải.

Vì sao ông Lê Hữu Tòng chưa được tặng Huân chương Độc lập
“Cây cao bóng cả" tỏa bóng mát cho làng

Ở Phong Chương, Phong Điền, có ông Nguyễn Hoàng Tuấn (71 tuổi), Trưởng thôn Trung Thạnh được biết đến là người giúp việc làng, góp mặt ở hầu hết sự kiện của địa phương. Từ trẻ đến già và lãnh đạo ở địa phương đã xem ông như “cây cao bóng cả” vươn cao tỏa bóng cho làng.

“Cây cao bóng cả tỏa bóng mát cho làng
Return to top