ClockThứ Năm, 20/01/2011 04:51

Hải Triều - Nhà báo xuất sắc

TTH - Xuất hiện trên báo chí và văn đàn Việt Nam với tư cách là nhà báo, nhà lý luận, phê bình văn học mác-xít, ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, Hải Triều đã nhanh chóng khẳng định mình như một cây bút tiên phong có tài và có tâm được nhiều người nể trọng. Ông có 46 tuổi đời với 26 tuổi nghề trải dài và tiếp biến qua các thời kỳ đặc biệt trước cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp.

Nhiều người nghiên cứu về Hải Triều thường đi sâu phân tích sự nghiệp lý luận, phê bình hơn là sự nghiệp báo chí, dù ông khởi đầu nghiệp viết của mình bằng những bài báo khi tuổi đời còn rất trẻ. Khoảng trên 20 bài báo của ông viết từ năm 1928 đến năm 1933 đề cập đến nhiều vấn đề thuộc chính trị - xã hội - dân sinh - triết học trong nước và trên thế giới, là nền tảng và là đối tượng quan trọng để nghiên cứu bước đường tư tưởng và hành trình nghề nghiệp báo chí, lý luận, phê bình của ông về sau. Cũng chính những năm làm báo đầu tiên này giúp ta khẳng định rằng, Hải Triều là người có học vấn sâu, có tư duy luận lý và lôgíc sắc sảo, bởi lẽ những vấn đề mà ông đề cập đều liên quan đến những biến cố, sự kiện trọng đại trong và ngoài nước. Nếu không có một trình độ am hiểu về kinh tế, chính trị, lịch sử, triết học... thì làm sao bình luận, chứng minh và biện bác một cách thuyết phục được; kể cả đối phương khi thua lý, họ cũng phải thừa nhận điều đó.

Từ những bài ký tên Nam Xích Tử như: Cuộc chiến tranh thế giới sau này, Muốn thì được - Cuộc cách mạng Ái Nhĩ Lan lược sử đến những bài ký tên Hải Triều như: Vấn đề dân sinh, Hội nghị Kinh tế thế giới, Hội nghị Kinh tế thế giới hay là cái tháp ba bênh của con cháu ông Nêô hoặc bài: Sự tiến hoá của văn học, sự tiến hoá của nhân sinh, Duy vật hay là duy tâm...đều được lập luận và phân tích, xoáy sâu từng vấn đề một cách cặn kẽ, sắc bén qua ngòi bút Hải Triều. Bàn về bước tiến hạnh phúc của con người, ông viết Nhưng cái hạnh phúc của nhân loại không thể lấy bề dọc làm tiêu chuẩn, mà chính phải lấy bề ngang, nghĩa là không thể lấy cái hạnh phúc của đời xưa so với cái hạnh phúc hiện tại, chính phải lấy sự hạnh phúc của xã hội so với sự hưởng thụ hạnh phúc của cá nhân, nếu sự cung cấp và sự hưởng thụ phân cách nhau, thì không thể tránh cái tâm lý bất mãn do đó mà phát hiện (Vấn đề dân sinh). Hoặc khi bàn về Cuộc chiến tranh thế giới sau này trên báo Tiếng Dân, Hải Triều có những dự đoán và phân tích sâu! Ai cũng hiểu cái nguyên nhân động lực của thế giới chiến tranh ngày nay là tại kinh tế từ khi cái chế độ cơ khí ở Âu Châu, Mỹ Châu thịnh hành, cái sức sinh sản của máy móc nhiều quá, lanh quá, nên phải cần có chỗ tiêu thụ và lấy nguyên liệu về. Thành thử các nước tư bản liệt cường họ mới đi tìm kiếm những thuộc địa, lãnh thổ, tô giới (...) để bán chạy hàng hoá và thu nhập nguyên liệu. Trong khi tìm kiếm đó thế nào lại khỏi gặp nhau, gặp nhau tất phải đánh nhau. Từ lập luận đó, Hải Triều khẳng định rằng “thế giới chiến tranh” tất sẽ xảy ra. Nằm trong mạch phân tích tình hình thế giới, Hải Triều đã giới thiệu Karl - Marx qua bộ sách Tư bảnnổi tiếng, từ đó, ông lên án chủ nghĩa đế quốc quốc tế, trong đó có chủ nghĩa tư bản Mỹ, chủ nghĩa cải lương Quốc tế thứ hai; ông bênh vực Liên Xô và chính sách hoà bình nhân đạo của Liên Xô; ông bênh vực nhân dân lao động; ông chỉ ra sự tàn bạo của chiến tranh; ông tiên đoán, bình luận sự tan rã và khủng hoảng kinh tế cũng như sự mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản ngay khi Hội nghị kinh tế thế giới  mở ra...
Ở trong nước, Hải Triều cũng quan tâm đến những vấn đề thời sự. Các bài: Vấn đề bầu cử ở Trung Kỳ, Duy tâm hay duy vật, Báo Tiếng Dân đứng giữa trời...được Hải Triều viết trong sự biện lý say sưa và giàu tính chiến đấu để tìm ra chân lý và vạch ra sự sai lầm, mơ hồ của những người trong cuộc tranh luận với mình, ông chỉ ra sự thiếu hệ thống, biện chứng và thiếu nền tảng triết học căn bản, hiện đại của một số người.
Có thể nói rằng, dù ở góc độ nào, ở sự kiện nào, Hải Triều cũng xuất phát từ lập trường tiến bộ, lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết Mác-Lênin làm nền tảng để tranh luận. Vào thời điểm những năm 30 của thế kỷ XX mà chịu suy nghĩ và săn tìm tài liệu tiến bộ như trên để học tập và ứng dụng là sự tiên phong và giác ngộ hiếm thấy; trong khi đó, những luồng tư tưởng Thái Tây mới du nhập từ phương Tây sang và cái nền tư tưởng Nho - Phật - Lão, một số tư tưởng cải lương, bất bạo động hay các tư tưởng duy tâm cách mạng khác của Tôn Trung Sơn, Khang Hữu Vi - Lương Khải Siêu... chưa dễ mờ nhạt đối với mọi người, quả Hải Triều là người tiên phong giác ngộ và thực hiện có hiệu quả, mong từ bỏ một cách tiệm biến và đột biến những căn cốt của tư tưởng cũ để nhanh chóng tiếp thu tinh hoa theo tinh thần duy lý của các học thuyết tiến bộ, mácxít. Trên các tờ báo có tiếng bấy giờ như: Tiếng Dân, Đông Phương, Tân Thanh niên tòng thơ, Phụ nữ tân văn, Tin Văn, Trung Kỳ, Tiến Bộ, Tao Đàn, Đời Mới, Công Luận, Sông Hương, Tràng An...đều là nơi để ông ngôn luận và bày tỏ lập trường, ước nguyện của mình khi có dịp. Có lúc ông còn đứng ra làm chủ bút tờ Nhành Lúavà sau này bị cấm thì ông cùng một số bạn cùng nhóm xuất bản tờ báo tiến bộ Kinh tế tân văn. Hoạt động báo chí của Hải Triều có thể nói rất sôi động, dũng cảm và có hiệu quả cao đối với đời sống chính trị xã hội lúc bấy giờ.
Ngày nay, nhìn lại những gì mà nhà báo Hải Triều đã đề xuất và giải quyết - xét ở những vấn đề cốt lõi, bản chất của chúng, rõ ràng Hải Triều xứng đáng nhận danh hiệu Nhà báo tiên phong, Nhà lý luận phê bình văn học tiên phong mà trong tác phẩm Chủ nghĩa Mác và Văn hoá Việt Nam, ông Trường Chinh đã nhận xét: “Đồng chí Hải Triều đã làm cho chủ nghĩa duy vật thắng chủ nghĩa duy tâm, quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh đánh bại quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật”. Còn với chúng ta, chúng ta yêu kính một con người, một sự nghiệp mà đến khi từ giã cõi đời vẫn gắng viết cho đồng nghiệp của mình những lời “tuyệt mệnh” đầy trách nhiệm và hoài bão: Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng.
Hồ Thế Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Return to top