ClockThứ Hai, 26/08/2013 05:24

Hạn chế các khoản “phụ thu” trong năm học mới

TTH - Mới bước vào đầu năm học mới, dư luận cả nước đã xôn xao, bất bình về chuyện bộ đồng phục học sinh giá “tạ thóc” ở Trường tiểu học Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội); chuyện Trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) kêu gọi phụ huynh khối lớp 10 góp 400 nghìn đồng/ em ủng hộ nhà trường với lý do quét vôi và tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập trường... Thực ra, đây là giọt nước làm tràn ly trước tình trạng “lạm thu” của một số trường, tạo thêm gánh nặng cho các bậc phụ huynh.

Vào đầu năm học, học sinh thường phải đóng rất nhiều khoản từ học phí, tiền mua sắm cơ sở vật chất, tiền học thêm ngày 2 buổi và vô số các loại quỹ như quỹ đoàn, đội, vệ sinh, nước uống, khen thưởng, giấy thi, tiền bảo hiểm y tế, đồng phục, phù hiệu, tiền giữ xe… Trong số các khoản thu, có khoản theo đúng quy định của Nhà nước, có khoản phục vụ trực tiếp cho học sinh, có khoản thu hộ (bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn); nhưng “nhức nhối” nhất vẫn là khoản thu trên danh nghĩa của ban đại diện cha mẹ học sinh. Tùy vào ban đại diện cha mẹ học sinh ở mỗi trường mà học sinh phải “gánh” thêm nhiều hay ít. Có trường in sẵn danh sách ủng hộ nhà trường mua sắm cơ sở vật chất để phụ huynh “tự nguyện” điền số tiền; có trường hội phụ huynh “quyết” một mức thu quỹ hội bình quân cho các cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào thì các khoản thu này đều không thoả đáng và phụ huynh đều không mong muốn, nhưng ngại nhiều lý do không tiện phản đối. Bộ GD&ĐT cũng đã nghiêm cấm việc thu các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng nhiều nơi vẫn làm trái với quy định nêu trên; thậm chí trở thành cách tay nối dài của nhà trường để thu những khoản không chính đáng.

 

Bước vào năm học 2013-2014, để chấn chỉnh chuyện “lạm thu”, hướng dẫn thanh tra năm học 2013-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, ngành giáo dục tổ chức thanh tra toàn diện các cấp học, đặc biệt là quản lý dạy thêm, học thêm, thu chi kinh phí ngoài học phí. Tại Thừa Thiên Huế, những năm trước thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện không ít trường vi phạm trong việc thu chi các khoản ngoài học phí. Năm nay, theo thông báo của ngành giáo dục các khoản thu theo quy định của Nhà nước vẫn giữ nguyên, nhưng các khoản thu chi ngoài quy định, như tiền giữ xe, giấy thi, tiền nước uống... các trường phải lập đề án trình phòng giáo dục thẩm định, phê duyệt mới được thực hiện. Đây là một nỗ lực lớn của ngành giáo dục, nhưng để thực hiện có hiệu quả cần phải có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên của ngành chủ quản. Bởi thực tế, các khoản thu chi ở các trường học đều có quy định hẳn hoi và được nhiều cấp, nhiều ngành giám sát chặt chẽ song tình trạng lạm thu, sử dụng nguồn thu sai mục đích vẫn cứ diễn ra, gây bức xúc dư luận.

 

Ngoài ra, để giảm bớt áp lực cho gia đình học sinh, các trường không nên ép buộc gia đình học sinh phải đóng đầy đủ các khoản vào đầu năm mà xem xét và tổ chức thu làm nhiều lần trong năm học, tùy theo tính cấp thiết của các khoản thu. Điều này, một số trường chủ động thực hiện khá tốt và cần trở thành quy định thống nhất của cả ngành...

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top