ClockThứ Năm, 16/01/2014 05:51

Hạn chế rải, đốt vàng mã: Bớt lãng phí, sạch môi trường

TTH - Tình trạng rải vàng mã khi đưa tang, đốt vàng mã trên đường phố trong những ngày rằm, ngày tết ở Huế là nhân tố gây ảnh hưởng môi trường đô thị.
 
Vô tư rải, vô tư đốt
 
Sáng ngày đầu năm mới 2014, thời tiết thật đẹp. Trên đường phố tấp nập người đi chơi, mua sắm... Gương mặt mọi người như tươi vui hơn thường ngày. Bỗng nhiên, dòng người đi chậm lại khi một đám tang đi qua. Những cái nhìn chia sẻ hướng về đoàn xe tang. Song, trong ánh mắt của không ít người hiện lên vẻ khó chịu khi chứng kiến cảnh một thanh niên ngồi trên xe tang tung những xấp tiền âm phủ ngay giữa đường. Xe tang đi đến đâu, tiền âm phủ bay tung toé đến đó. Con đường đang sạch sẽ bỗng trở nên nhuốm màu tang thương. Không ít khách du lịch đang dạo bộ trên đường phố Huế đứng ngơ ngác, không hiểu cảnh tượng gì đang xảy ra...
 
Tết đến hàng mã sản xuất càng nhiều. (ảnh có tính chất minh hoạ)
 
Có những ngày (chắc là ngày tốt), chúng tôi bắt gặp liền mấy đám tang đi trên đường phố Huế. Đám tang nào cũng đều bố trí người rải giấy vàng bạc, đặc biệt là ở các ngã 3, ngã 4, trên cầu Phú Xuân và các cây cầu khác. Đường phố Huế những lúc ấy trông thật “tội nghiệp”. Không ít người dân, cơ quan báo chí lên tiếng, nhưng cho đến nay, tình tình vẫn không cải thiện. Cứ có đám đưa là có chuyện rải giấy vàng bạc. Nhiều lần, sau các đám tang, các đơn vị quản lý về môi trường thuộc Công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình đô thị Huế buộc phải cử đột xuất công nhân đi dọn “rác tâm linh” trên đường phố.
 
Tình trạng đốt vàng mã khi thăm viếng mộ, nhất là trong dịp đầu năm mới rất đáng lo ngại. Trong thời gian qua, nguyên nhân nhiều vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là ở TP Huế được xác định là do người dân bất cẩn khi thắp hương, đốt vàng mã. 
Do phong tục, tập quán và những quan niệm riêng, tình trạng đốt vàng mã trong những đêm rằm, đêm 30 âm lịch hàng tháng và nhất là trong những dịp tất niên, giao thừa... đang phổ biến. Có những đêm rằm tháng 4, lễ Vu Lan, ngày thất thủ Kinh đô... đi trên các tuyến đường Hùng Vương, Bến Nghé, khu vực nội thành... chúng tôi cảm thấy bức bách, ngột ngạt bởi những đống vàng mã đốt dọc đường. Rồi gạo, hạt nổ, cháo tung vương vãi khắp nơi làm cho đường phố mỹ quan, ô nhiễm môi trường, đồng thời ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên đường phố. Gần đây các cơ quan chức năng của TP Huế quan tâm tuyên truyền nên một số gia đình đã ý thức mua các thùng sắt, inox để đốt vàng mã, một số tuyến đường nhờ vậy có ngăn nắp, sạch sẽ hơn. Riêng đêm giao thừa, tình trạng đốt vàng mã ngoài đường vẫn đáng quan tâm. Ông Vũ Đức Tranh, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Nam sông Hương cho biết, nhiều năm qua, trước giờ giao thừa, lực lượng công nhân của 2 xí nghiệp môi trường thuộc Công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình đô thị Huế đã hoàn tất công việc dọn vệ sinh trên đường phố, song do rất nhiều gia đình đốt vàng mã trên đường nên các công nhân buộc phải chờ giao thừa xong để dọn tiếp. Đảm bảo sáng mồng 1 Tết, đường phố Huế sạch sẽ, tinh tươm.
 
 
Tốn kém, lãng phí và ô nhiễm môi trường
 
Kỳ họp thứ VI, HĐND tỉnh khoá VI diễn ra giữa tháng 7/2013 đã thông qua Đề án Xây dựng nếp sống văn minh đô thị (NSVMĐT) và nông thôn giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Trong đề án này, vấn đề rải, đốt vàng mã đã được đề cập: “Việc đốt vàng mã trong các ngày rằm, ngày tết, lễ cúng tế, rải giấy vàng bạc trên đường đưa tang quá nhiều gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường công cộng”. Do vậy, một trong những mục tiêu đề án đưa ra là: hạn chế tình trạng rải giấy vàng mã trên đường đưa tang; xây dựng những qui định cụ thể về việc đốt vàng mã.
 
Thuộc vấn đề tâm linh và tồn tại từ rất lâu nên không dễ gì cấm đoán người dân trong việc rải, đốt vàng mã trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, không thể chấp nhận những hình ảnh không đẹp mắt như thế trên đường phố Huế. Du khách sẽ nghĩ gì khi đến Huế - trung tâm văn hoá - du lịch đặc sắc của cả nước, TP Festival đặc trưng của Việt Nam với những hình ảnh mất mỹ quan đô thị. Bởi vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân không nên rải giấy vàng bạc trên các tuyến đường trung tâm TP Huế và hạn chế đốt vàng mã trong những ngày rằm, ngày tết là việc mà chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, các tổ dân phố cần quan tâm. Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, chính quyền TP Huế đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế đốt vàng mã, vận động đốt vàng mã trong thùng để đảm bảo vệ sinh môi trường đường phố. Sắp tới, TP sẽ nghiên cứu để tham mưu với tỉnh cấm rải tiền giấy khi đưa tang trên một số tuyến đường trung tâm.
 
Chưa có một thống kê cụ thể, nhưng việc đốt vàng mã đã gây nhiều tốn kém, lãng phí. Có những gia đình dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng do mê tín dị đoan nên đến tết vẫn bỏ tiền trăm, tiền triệu mua đồ vàng mã để cúng, đốt. Không ít người quan niệm đó là cái tâm của người sống đối với những người đã mất, nhưng theo nhiều người, sống tốt với mọi người, hiếu kính với cha mẹ khi còn sống điều đó mới có ý nghĩa hơn cả. 
 
Điểm c, khoản 1, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá” quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”.
 
Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch “Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” yêu cầu: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang” (điểm e, khoản 1, Điều 10) và khuyến khích “Không rắc vàng mã trên đường đưa tang” (điểm đ, khoản 3, Điều 10).
 
Thùy Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

TIN MỚI

Return to top