ClockThứ Hai, 09/10/2017 08:23

Hạn chế tiếng còi nên bắt đầu từ trường học

TTH - Cô con gái ngày trước thường sử dụng còi xe như một trò chơi, ấy thế mà sau khi nghe ba mẹ nhắc nhở vài lần thì thay đổi hẳn. Con còn nhắc nhở lại chúng tôi khi mỗi lần sử dụng còi không đúng chỗ.

Sáng sớm cô con gái cứ nằng nặt đòi mẹ phải đưa đi ăn xôi bắp nên đành “chiều” con chở lên quán quen trên đường Phan Bội Châu. Ăn uống xong, mẹ con tôi chạy thẳng hướng Phan Chu Trinh về trường. Đang trong thời gian cao điểm nên lượng xe lưu thông đông, lại bị chắn tàu nên đoàn người xe chờ tàu khá dài.

Cô bé thích xem tàu hỏa nên tôi chọn vị trí khá tốt để con quan sát. Đang đứng thì chiếc ô tô chạy cùng chiều cũng dừng ngay bên cạnh. Bên trong là người đàn ông khoảng chừng 30 tuổi, trông rất trí thức. Ấy vậy, đang đừng xe, người này lại liên tục bóp còi. Mọi cặp mắt đổ dồn lại phía chiếc xe ấy, một người đứng cạnh nói thầm “không biết văn hóa để đâu”. Trong khi mọi người đều phải dừng xe đợi tàu thì người đàn ông trẻ ngồi trên xe vẫn thoải mái bóp còi, dù biết có bóp còi bao nhiêu đi nữa thì xe cũng không thể nhích lên.

Con gái nhìn tôi với cặp mắt tò mò hỏi: “Họ bóp còi chi rứa mẹ”. Thường hay dạy con mỗi khi đi trên đường nên hạn chế bóp còi… Tôi đành phải quay sang gõ cửa chiếc xe ô tô nọ với mong muốn người đàn ông thôi hành động ấy. Thay vì cười như kiểu xin lỗi người đàn ông ấy lại “trợn tròn mắt” nghe chừng khó chịu lắm mà không nghĩ rằng, người khó chịu phải chính là người phải nghe tiếng còi của anh ta.

Nhớ lại trước đây, đôi khi bản thân tôi cũng thường xuyên sử dụng còi xe như một thói quen. Muốn xin đường, cảnh báo cho xe trước… đều sử dụng tiếng còi như một tín hiệu. Có hôm đi ngang tuyến cầu Phú Xuân (đang lúc đèn đỏ), muốn xin đường chạy về Quảng Thành cho kịp buổi tiếp xúc cử tri, tôi bóp còi xin đường. Tiếng còi của tôi lúc đó khiến cụ bà đang dựng xe đạp phía trước giật mình thả luôn chiếc xe. Tới đỡ bà lên mới thấy ân hận khi bà cụ bảo “tự nhiên bà giật mình”. Câu nói đó ám ảnh tôi mãi. Giờ chỉ trong trường hợp bất khả kháng, tôi mới sử dụng tiếng còi.

Mới đây, thông tin tỉnh phát động cuộc vận động xây dựng thành phố không tiếng còi, tôi thấy mình như trút đi gánh nặng. Thật ra, việc hạn chế sử dụng còi xe không phải là một việc quá khó, và cũng không gây bất tiện chút nào. Nếu sử dụng còi xe có thể giúp tôi lưu thông nhanh hơn 20 đến 30 giây thì trong khoảnh khắc ấy tôi khiến không ít người khó chịu, thậm chí giật mình gây tai nạn. Cô con gái của tôi ngày trước cũng thường sử dụng còi như một trò chơi, ấy thế mà sau khi nghe ba mẹ nhắc nhở vài lần thì ý thức hẳn. Con còn nhắc nhở lại chúng tôi khi mỗi lần sử dụng còi không đúng chỗ.

Không rõ, việc truyền thông cho cuộc vận động xây dựng thành phố không tiếng còi ngang đâu nhưng với tôi, truyền thông hiệu quả nhất nên bắt đầu từ trường học, không ngoại trừ cấp bậc học nào. Ngay cả bậc mầm non như con gái tôi, nếu được giáo dục sớm ý thức tham gia giao thông sẽ rất tốt. Bởi với lứa tuổi đó, con đã biết nhắc nhở ba mẹ, không được vượt đèn đỏ vì sẽ bị công an phạt, bóp còi không đúng nơi sẽ khiến người khác khó chịu… Và ngay cả những lứa tuổi trung học hay sinh viên, nếu được giáo dục tốt sẽ giúp các em định hình ý thức tham gia giao thông không tiếng còi. Và tại sao mỗi phụ huynh không giáo dục cho con mình bài học về sử dụng hợp lý tiếng còi. Nó không phải vì mục tiêu “cao siêu” xây dựng thành phố văn minh mà chỉ đơn giản là giảm bớt sự khó chịu cho mọi người.

Tôi từng nghe ai đó nói “Cuộc sống vốn dĩ có rất nhiều điều phải phấn đấu, tranh giành nhau từng giây từng phút trên con đường đi làm không khiến ta giàu có hơn, mà có thể chỉ khiến ta có cảm giác tệ hơn. Bỏ những thói quen xấu là một việc làm nhỏ, giá không cao, nhưng sẽ đem lại hiệu quả lớn không chỉ cho bản thân, mà còn cho rất nhiều người”.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dân vũ cần được phát huy trong trường học

Dân vũ là một hoạt động tập thể lành mạnh, mang tính văn hóa sâu sắc. Đây là loại hình nghệ thuật có sự lan tỏa rộng và kết nối nhanh, rất thích hợp với phong trào thanh niên trường học.

Dân vũ cần được phát huy trong trường học
Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

Chiều 18/1, tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top