ClockThứ Bảy, 14/09/2019 09:54

“Hạn” có khi hay…

TTH - Sau hôm xảy ra sự việc một sư thầy ở Buôn Mê Thuột dùng gậy đập vỡ kính ô tô, ở các bàn cà phê, nó trở thành một đề tài “hot”. Quán cà phê hôm ấy tôi ghé vào cũng không ngoại lệ. Trong lúc chờ bạn, câu chuyện rộn ràng ở bàn bên cạnh khiến không khỏi tò mò tôi lắng tai.

- Gần đây, nhà chùa có vẻ bị “hạn” hay sao mà xảy ra nhiều chuyện quá.

- Đúng đấy. Oan gia trái chủ chưa lắng đã thấy báo chí loan tin vụ cưỡng đoạt bé gái 14 tuổi tại Cần Thơ, rồi bạo hành bé trai 11 tuổi ở Bình Thuận…

- À… mà anh em có thấy dạo này hơi là lạ không?

- Gì mà lạ?

- Thì báo chí đó. Trước đây, mấy cái chuyện như vậy thường rất hiếm thấy báo chí loan tin. Tôn giáo được xem là vấn đề nhạy cảm…

- Ừ, hình như cũng có như vậy thật. Mà không hiểu các vị sao chứ tôi thấy báo chí mần mạnh như vậy hay đó chứ. Vấn đề là thông tin cho chính xác thôi.

- Hay chứ sao không. Nhà nước chủ trương tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện cho mọi tôn giáo bình đẳng phát triển. Tôn giáo là một thành tố trong xã hội, mỗi cá nhân trong các tổ chức tôn giáo trước hết đều là một công dân, tất cả đều phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp của đất nước và các quy chuẩn đạo đức xã hội.

- Chính xác. Không chỉ thế, người trong tôn giáo còn phải tuân theo giới luật, giáo luật nữa, cho nên, họ còn phải gương mẫu, chỉn chu gấp đôi gấp ba người bình thường.

- Khó hèo…

- Khó chứ. Là con người chứ chưa phải thánh nhân nên ai cũng có những hỷ nộ ái ố thường tình. Vấn đề là khi đã phát tâm phát nguyện thì họ phải có trách nhiệm dặn lòng gìn giữ, tiết chế với những cái hỉ nộ ái ố tầm thường đó. Kể cả đi đứng, ứng xử cũng phải khiêm cung, thanh nhã hơn người bình thường. Thế nên mới gọi là tu. Tu tức là phải luôn luôn biết “sửa” mình.

- Vậy mà vừa rồi, ì xèo như thế thật là…

- Là quá bậy chứ còn gì. Bậy như thế cho nên tôi ủng hộ báo chí nhập cuộc. Đó là một kênh giám sát của xã hội. Các vị đã phát tâm rồi, ông Phật, ông thánh ngồi trên ban thờ nhìn xuống có thể không nói, nhưng xã hội nói, báo chí người ta sẽ nói, đừng đùa!

- Tôi cũng đồng ý. Đó như một sợi dây cương để điều chỉnh những lệch lạc, sai quấy. Giáo hội, các cơ sở thờ tự cũng sẽ có thông tin để có những hành xử phù hợp cho việc bồi đắp, giữ gìn sự tôn nghiêm, vững chãi của tôn giáo mình.

- Cho nên, theo tôi thấy, báo chí công khai thông tin được là rất tốt. Ấy  cũng là một cách “hộ pháp” đó chớ.

- Giúp cho tôn giáo thì ở chiều ngược lại, tôn giáo sẽ giúp ích cho xã hội. Bởi suy cho cùng, tôn giáo nào cũng đều hướng con người đến với sự thiện lành. Con người thiện lành thì xã hội sẽ an vui và phát triển.

 - Họa trung hữu phúc. Nên bảo nhà chùa gặp “hạn” mà không phải hạn. Nhờ “hạn” như vậy mà biết bệnh để chữa. Vẫn hơn cứ để âm ỉ trong cơ thể, đến lúc “quá với” có khi không còn thuốc chữa…

THƯỢNG BÍCH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một người lạc quan

Trên 75 tuổi, bạn tôi sướng khổ đã từng nhưng đây lần đầu tiên tôi nghe anh bộc bạch cảm nhận đầy lạc quan.

Một người lạc quan
Mùa đi ngang phố

Góc phố sáng nay bỗng dịu dàng chi lạ, khi cây lộc vừng đứng nép bên bờ tường cũ kỹ xám màu rêu đang đổi thay sắc lá.

Mùa đi ngang phố
Return to top