Thế giới

Hàn Quốc tiếp tục đề xuất ngân sách bổ sung hơn 13 tỷ USD hỗ trợ tác động do COVID-19

ClockThứ Ba, 02/03/2021 14:02
TTH.VN - Hàn Quốc vừa đề xuất khoản ngân sách bổ sung 15 nghìn tỷ won (13,3 tỷ USD) vào hôm nay (2/3) trong gói cứu trợ mới nhằm hỗ trợ cho các thương nhân nhỏ và những người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Chính phủ Hàn Quốc chi thêm 7,8 ngàn tỉ won kích thích kinh tếHàn Quốc: Nhiều người lao động tăng cân do tác động của đại dịch Covid-19

Bộ Tài Chính Hàn Quốc tiếp tục đề xuất ngân sách bổ sung để hỗ trợ doanh nhân nhỏ và người lao động chịu tác động từ đại dịch COVID-19. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, đây là ngân sách bổ sung lớn thứ ba từ trước đến nay, sẽ được sử dụng để tài trợ cho gói cứu trợ trị giá 19,5 nghìn tỷ won, với mục tiêu giúp giảm bớt những tổn thất kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. 

Đề xuất bổ sung ngân sách này dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội vào ngày 4/3 tới để được thông qua.

Các thương nhân nhỏ và những người làm việc tự do đã phải đối mặt với tình trạng kinh doanh sụt giảm kéo dài khi quốc gia này thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn vào đầu tháng 12 trước sự bùng phát trở lại các ca nhiễm COVID-19.

Năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã tung ra 3 gói cứu trợ khẩn cấp do đại dịch với tổng trị giá 31,4 nghìn tỷ won. Cũng trong năm 2020, nước này đã tăng gấp 4 lần ngân sách bổ sung lên tới 67 nghìn tỷ won để đối phó với sự suy thoái kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Bộ Tài Chính cho biết trong đợt cứu trợ mới này, 8,1 nghìn tỷ won sẽ được dành riêng để hỗ trợ các thương nhân nhỏ và những người làm việc tự do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Đồng thời, 2,8 nghìn tỷ won sẽ được trích lập để hỗ trợ thị trường việc làm đang trì trệ. Năm ngoái, nước này đã ghi nhận tình trạng mất việc làm cao nhất trong 2 thập kỷ qua khi COVID-19 bùng phát đã giáng một đòn mạnh vào nhiều ngành dịch vụ.

Nền kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi nhẹ nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, sự phục hồi này không đồng đều, với khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu, được gọi là sự phục hồi hình chữ K.

Cũng trong ngân sách bổ sung đợt này, 4,1 nghìn tỷ won còn lại sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nỗ lực chống COVID-19, bao gồm mua vaccine và chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.

Hàn Quốc đã bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia từ cuối tuần trước, với hy vọng sẽ giúp người dân nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường và đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.

Với ngân sách bổ sung vừa được đề xuất, nợ của nước này dự kiến ​​sẽ đạt 965,9 nghìn tỷ won trong năm nay, tăng so với ước tính trước đó là 956 nghìn tỷ won. Theo đó, Hàn Quốc được dự báo sẽ thâm hụt tài khóa 89,6 nghìn tỷ won trong năm 2021, cao hơn mức thâm hụt ước tính trước đó là 75,4 nghìn tỷ won.

Tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thước đo sức khỏe tài chính của một quốc gia, có thể lên đến 48,2% trong năm nay, cao hơn mức dưới 40% trước đại dịch.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó cho biết Hàn Quốc có dư địa tài khóa để tăng cường hỗ trợ có mục tiêu cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng, bất chấp thâm hụt tài khóa gia tăng.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Yonhap)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Return to top