ClockThứ Bảy, 13/02/2016 06:40

Hàng triệu người thiệt mạng mỗi năm do ô nhiễm không khí

TTH.VN - Ô nhiễm không khí giết chết hơn 5,5 triệu người trên thế giới mỗi năm, trong đó hơn một nửa số ca tử vong xảy ra ở những nước có dân số lớn và đang trải qua giai đoạn công nghiệp hóa nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà nghiên cứu ngày hôm qua (12/2) tuyên bố.
Ô nhiễm không khí nặng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Cảnh báo tại hội thảo của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ (AAAS) diễn ra tại thủ đô Washington ngày hôm qua, các nhà khoa học cho biết, số người tử vong sớm sẽ tiếp tục leo thang trong những năm tới, trừ khi những biện pháp chống ô nhiễm nghiêm khắc hơn được thông qua.

"Ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ gây tử vong cao thứ tư trên toàn cầu, và đến nay là yếu tố nguy cơ môi trường hàng đầu dẫn tới bệnh tật", ông Michael Brauer - giáo sư tại trường Dân số và Y tế công cộng thuộc Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada cho biết.

Theo AFP, nghiên cứu Gánh nặng dịch bệnh toàn cầu - được thực hiện bởi Viện Số liệu Y tế chỉ rõ, ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ gây tử vong cao thứ tư trên toàn thế giới, chỉ xếp sau các nguy cơ do huyết áp cao, chế độ ăn uống và hút thuốc lá. Do đó, "giảm ô nhiễm không khí là một cách vô cùng hiệu quả để cải thiện sức khỏe của người dân", giáo sư Brauer khẳng định.

Là những nước công nghiệp hoá nhanh, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 55% số ca tử vong trên toàn cầu hàng năm do ô nhiễm không khí. Khoảng 1,6 triệu người chết vì ô nhiễm không khí ở Trung Quốc vào năm 2013, trong khi Ấn Độ có 1,4 triệu ca tử vong vào cùng thời điểm.

Ở Trung Quốc, đốt than là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chất lượng không khí kém - và ô nhiễm từ than đá là nguồn gốc gây ra 366.000 ca tử vong trong năm 2013, Qiao Ma - một nghiên cứu sinh tiến sĩ về môi trường tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết. Theo đó, cô dự đoán ô nhiễm không khí sẽ dẫn đến từ 990.000 đến 1,3 triệu ca tử vong sớm vào năm 2030, trừ khi các mục tiêu tham vọng hơn được đưa ra.

"Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết cho các chiến lược tích cực hơn để giảm lượng khí thải từ than đá và các lĩnh vực khác", cô Qiao Ma nói.

Trong khi đó tại Ấn Độ, thủ phạm chính gây ô nhiễm là do đốt gỗ, phân bón và sinh khối để nấu ăn và sưởi ấm.

Theo nguyên tắc chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm nên được giới hạn ở mức 25 microgrammes hạt bụi mịn (PM 2.5) mỗi mét khối trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, trong tháng hai, Bắc Kinh và New Delhi thường chứng kiến mức bằng hoặc cao hơn 300 microgrammes mỗi mét khối mỗi ngày – cao gấp 12 lần so với mức khuyến cáo của WHO, các nhà nghiên cứu tuyên bố, và cho biết thêm rằng hơn 85% dân số thế giới đang sống ở những khu vực vượt quá mức tiêu chuẩn về chất lượng không khí của WHO.

Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & Washingtonpost)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 12/3, Liên Hiệp Quốc cho biết số trẻ em trên toàn thế giới tử vong trước 5 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, và đây là năm đầu tiên số trẻ nhỏ tử vong giảm xuống dưới 5 triệu.

LHQ Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục
Cập nhật tình hình sau động đất ở Nhật Bản:
Gần 100 người tử vong, hơn 200 người đang mất tích

Bị cản trở bởi thời tiết xấu và đường xá hư hỏng, đến ngày 5/1, lực lượng cứu hộ Nhật Bản cho biết sau trận động đất kinh hoàng ngày đầu năm mới, đến nay vẫn còn 222 người đang còn mất tích và số người tử vong đã chạm đến gần 100 trường hợp.

Gần 100 người tử vong, hơn 200 người đang mất tích

TIN MỚI

Return to top