ClockThứ Tư, 03/08/2016 06:17

Hạnh phúc

TTH - Thời điểm mang đến niềm hạnh phúc lớn cho vợ chồng anh Lê Thanh A. (sinh 1982) và Nguyễn Thị T. (sinh 1981) ở Hương Trà là khi đứa con gái của hai người đã cất tiếng chào đời sau 8 năm mỏi mòn chờ đợi. “Không thể có từ ngữ nào diễn tả được niềm vui của chúng tôi”. Cả hai vợ chồng anh A. đều nói vậy. Em bé được người cô ruột sinh ra, vì mẹ của em bị bệnh, không thể mang thai được. Đây là ca mang thai hộ thành công đầu tiên ở Huế, sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Chăm sóc cho thiên thần nhỏ

Niềm vui không nói nên lời         

Em bé cựa quậy, nhấp môi. Em đói rồi. Mẹ sinh ra em đang tiêm thuốc kháng sinh nên bé phải bú tạm sữa ngoài. Mẹ ruột bé pha sữa cẩn thận từng động tác. Chờ sữa nguội với tâm trạng nóng ruột, lo con bị đói. Chừng đó thôi, cũng cảm nhận được hạnh phúc của người làm mẹ! “Bọn em từng đi chữa khắp nơi nhưng không kết quả. Khi biết mình không thể mang thai, em đau đớn vô cùng. Anh ấy là bộ đội. Em là giáo viên. Chúng em rất yêu thương nhau, nhưng không có con, nhiều lúc thấy cuộc sống vô vị lắm. Có được đứa con là ước mơ lớn nhất của hai vợ chồng em. Em là cô giáo chăm sóc các cháu mẫu giáo. Hàng ngày tiếp xúc với các bé con, khát khao làm mẹ trong em lúc nào cũng như than hồng âm ỉ cháy”, T. nói. Miệng cười mà nước mắt lại chảy. “Hôm qua, biết là 8h, chị chồng em mới được mổ lấy con, nhưng vợ chồng em đến đây từ rất sớm. Cứ đứng ở ngoài xem tình hình thế nào, từng giây mong ngóng nghe tiếng khóc của con mình. Lúc nghe tiếng bé khóc, em không biết cảm giác mình ra sao nữa. Mừng quá, tai ù cả lên, người như đang có cánh. 8 năm qua, vợ chồng em lúc nào cũng mơ thấy giây phút này”, T. lại nghẹn ngào. Mẹ chị T., bà ngoại của em bé, đang bế cháu. Chung niềm vui với con gái, bà nói: “Có đứa con, hạnh phúc vợ chồng mới bền chặt.Vì con, vợ, chồng có thể bỏ qua những thiếu sót, lỗi lầm của nhau. Như ri là tui mãn nguyện rồi, chứ trước đây, tui lo cho hai đứa quá”. Anh A., cha của cháu bé, cứ đứng nhìn con gái. Anh giúp vợ pha sữa cho con, nhưng có cảm giác như bàn tay bị thừa nên cứ lóng ngóng. Thỉnh thoảng nghe tiếng con gái ọ ẹ, anh T. đùa: “Đừng có ồn ào. Ba đánh giờ”. Nhiều người là bà con, đồng nghiệp của chị T. và anh A. đang đến thăm, cười ồ. “Được làm cha rồi hí. Trạng rồi đây”, một người bạn của anh chia sẻ . “Vui hí”, bạn anh A. hỏi. “Không thể nói nên lời”. Mặt A. rạng rỡ.

Sự giúp đỡ tận tình

Cô ruột, người mẹ sinh ra cháu bé, chị V. mới sinh ngày thứ hai trong trường hợp mổ, dù còn khá mệt, nhưng vẫn vui vẻ nói chuyện với mọi người. Nhìn chị hạnh phúc không khác gì em trai mình. “Hai vợ chồng nó cưới nhau 7 năm mà không có con. Vợ thì không thể mang thai được. Nhìn chúng buồn, tôi cũng xót xa, day dứt, thương em lắm, nhưng không biết làm sao để giúp nó. Thế rồi, khi luật mang thai hộ ban hành, em tôi ngỏ ý nhờ, tôi nhận lời ngay”, chị V. bảo. “Mang thai hơn 9 tháng. Sinh ra, thương như con đẻ vậy, chị nhỉ”? Tôi nói với V. “Mình làm cô thì đã thương cháu như con, huống gì mình sinh nó ra”. “Chị mang thai cháu có vất vả không”? Tôi hỏi. “Khi mang thai bé, tôi 37 tuổi, đứa con thứ hai của tôi mới 4 tuổi. Việc gia đình, chăm con hầu hết do chồng tôi làm. Không mệt lắm, nhưng lo lắng, căng thẳng. Cho đến giờ, tôi mới thực sự yên tâm”. “Em mang ơn chị một lần thì mang ơn anh rể vạn lần. Nếu anh rể không đồng ý cho vợ mang thai giúp thì chúng em không bao giờ có được niềm vui, hạnh phúc như ngày hôm nay”. Chi T., mẹ ruột của cháu bé tiếp lời chị V. “Khi tôi nói nguyện vọng của mình muốn mang thai hộ giúp em trai sinh con, chồng tôi không một phút đắn đo và đồng ý ngay”. Chị T. rơm rớm nước mắt. “Bé được ra đời là nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhiều người lắm. O, dượng, nội, ngoại, các bác sĩ Khoa Sản BV TW Huế, BV Phụ sản Từ Dũ, đặc biệt là thạc sĩ, bác sĩ Lê Việt Hùng, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế Bệnh viện Trung ương Huế ”. Chị T. vừa dứt lời thì vừa lúc bác sĩ Hùng xuất hiện. Anh nhắc nhở bệnh nhân cố gắng ngồi và đi lại sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Anh nhìn đứa bé như nhìn một thiên thần bé nhỏ. Mấy ngày nay, bác sĩ Hùng cũng vui như người nhà vợ chồng T. và A .. Từ 10 năm nay, anh là người thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (TTON) cho cả nghìn em bé chào đời. Hôm nay, anh có niềm vui khác. Đây là ca đầu tiên anh thực hiện mang thai hộ thành công. Bác sĩ Hùng cho biết về kỹ thuật mang thai hộ: Người vợ trong cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ mang thai hộ sẽ được kích thích buồng trứng, theo dõi và chọc hút noãn. Noãn sẽ được thụ tinh với tinh trùng người chồng để tạo phôi. Phôi có thể được chuyển ngay vào tử cung người mang thai hộ đã được chuẩn bị bằng nội tiết, hoặc phôi sẽ được đông lạnh và sẽ được rã đông rồi cấy vào tử cung người mang thai hộ vào thời điểm thích hợp. Người chồng trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải đảm bảo có đủ tinh trùng để TTON và người vợ phải có dự trữ trứng đủ. “Vậy mà nhiều người cứ hiểu nhầm, mang thai hộ là người cha quan hệ với phụ nữ khác để sinh ra con, nên có những suy nghĩ tiêu cực”, bác sĩ Hùng nói.

Kỹ thuật không có gì đáng lo. Bác sĩ Hùng ngại nhất là vấn đề tâm lý, pháp lý. Vậy là phải tư vấn cho cả ba người theo ba lĩnh vực trên. Với chị V. là người mang thai, anh tư vấn, dặn dò chị V. rất chu đáo. Phải lường trước mọi trường hợp nếu gặp rủi ro. TTON cũng giống mang thai tự nhiên, có thể bị sẩy thai, thai dị tật.... Sau khi mang thai, chị V. vào lại TP. Hồ Chí Minh, nơi làm việc. Ở xa bác sĩ, chị V. lo lắng. Bác sĩ Hùng nhờ các bác sĩ BV Phụ sản theo dõi thai kỳ cho chị V. “Tôi căng thẳng không kém người nhà chị V. Thường xuyên điện thoại gặp bác sĩ, điện thoại cho chị V. để biết thêm tình hình sức khỏe. Trước sinh hai tháng, chị V. ra lại Huế chờ sinh. Bác sĩ Hùng tiếp tục theo dõi. Dù biết thai phát triển tốt, nhưng anh vẫn căng thẳng, hồi hộp chờ đợi em bé ra đời như người thân của cha, mẹ em bé. “Nếu thành công, sẽ đem lại niềm hạnh phúc lớn cho cha, mẹ em bé và rất nhiều người liên quan, là “Sản phẩm” đầu tay của BVTW Huế, thành công cũng đem lại uy tín cho BV đã có thương hiệu”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

ĐINH HOÀNG XUÂN HỒNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GIÁO SƯ, BÁC SĨ ALAIN GARY-BOBO:
Nụ cười của bệnh nhân là niềm hạnh phúc của tôi

Hơn 20 năm trước, một chuyên gia y tế từ Đại học Montpelier, Cộng hoà Pháp đến Huế đã buốt nhói con tim khi chứng kiến bệnh nhân nghèo và tình trạng khan thiếu trang thiết bị ở Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW). Từ đó đến nay, ông thường xuyên về Huế san sẻ tình thương với bệnh nhân; đồng thời, hỗ trợ các phương tiện, máy móc, chuyển giao kỹ thuật mới cho nhiều bác sĩ khu vực miền Trung. Ông là giáo sư, bác sĩ Alain Gary-Bobo.

Nụ cười của bệnh nhân là niềm hạnh phúc của tôi
Return to top