ClockThứ Bảy, 19/03/2016 06:52

Hạnh phúc rất gần

TTH - Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Báo Thừa Thiên Huế ghi lại những quan niệm, chia sẻ, cảm nhận của một số người về hạnh phúc.

Bà Lê Thùy Chi, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Hạnh phúc luôn hiện hữu quanh ta

Hạnh phúc là một khái niệm vô cùng rộng lớn, mỗi con người, mỗi lứa tuổi lại có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Hạnh phúc vốn tồn tại xung quanh mỗi người, xuất phát từ những điều nhỏ bé, dung dị nhất. Hạnh phúc là gì? Có lẽ mỗi người đều tự đặt câu hỏi và có câu trả lời riêng cho mình.

Với tôi, hạnh phúc là được làm những công việc phù hợp với năng lực, cao hơn là được trăn trở, cống hiến hết mình cho mục đích của cuộc sống mà mình hướng tới, cho xã hội. Đó còn là niềm vui khi được sống và làm việc trong một môi trường thân thiện, hòa đồng, mọi người thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau, được đón nhận những tình cảm chân thành, vô tư từ mọi người xung quanh. Trong cuộc sống gia đình, hạnh phúc là được sẻ chia những niềm vui và nỗi buồn, được quan tâm, yêu thương chăm sóc những người thân, sống chan hòa, nhân ái, có trách nhiệm.

Hạnh phúc không quá lớn lao, xa vời mà đôi khi thật giản dị, gần gũi, quan trọng là ta có đủ hiểu biết để cảm nhận nó hay không. Nó luôn hiện hữu trong đời sống, từng giây phút, từng ngày, với tất cả mọi người. Hạnh phúc chỉ đến khi ta sống lạc quan, nỗ lực hết mình, biết yêu thương, đồng cảm, biết trân trọng những gì mình đang có và cũng  không thụ động ngồi một chỗ bằng lòng với mình. Hạnh phúc thật sự phải gắn với cuộc đời chung.

Cô Trương Thanh Thúy, Giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế:

Lạc quan vui sống sẽ cảm nhận được hạnh phúc

Theo quan điểm của Giá trị học, hạnh phúc là trạng thái bình yên của tâm hồn. Khi được yêu thương, chia sẻ, được thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần, con người sẽ thấy bình yên và hạnh phúc. Hạnh phúc khi được thỏa mãn nhu cầu tinh thần sẽ cao hơn thỏa mãn nhu cầu vật chất. Càng khó khăn, nỗ lực, khi đạt được mục tiêu, hạnh phúc càng trọn vẹn. Hạnh phúc là ở sự vươn lên chứ không phải ở sự nắm giữ.

Có quan điểm, trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống trở nên xô bồ, náo nhiệt, con người bị kéo vào vòng xoáy của xã hội, và vì vậy, rất khó có thể tìm thấy hạnh phúc. Điều này không thật sự chính xác. Thực ra, hạnh phúc tồn tại rất gần, trong cuộc sống đời thường, bên cạnh mỗi người, vấn đề là mỗi người có biết tạo ra để được đón nhận hạnh phúc hay không. Một ánh mắt cảm thông khi ta gặp khó khăn, một lời yêu thương khi ta đang buồn, một câu nói cảm ơn khi ai đó nhận ở ta sự giúp đỡ..., tất cả đều có khả năng đem lại những cảm xúc, rung động và niềm vui sống. Đó chính là hạnh phúc.

Tất nhiên, do hạnh phúc gắn với việc thỏa mãn nhu cầu, nên mỗi cá nhân sẽ cảm nhận hạnh phúc khác nhau; cùng một nhu cầu được thỏa mãn nhưng sẽ mang lại những cảm xúc khác nhau cho mỗi người. Nhu cầu càng mang tính xã hội, khả năng tạo ra khoái cảm càng lớn và con người càng đạt đến sự viên mãn. Những người tử tế thường tìm thấy hạnh phúc chân chính của cuộc đời mình trong sự sẻ chia, quan tâm giúp đỡ người khác, những người kém may mắn hơn mình.

Để cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống, mỗi người hãy biết yêu thương, đề ra cho mình những mục tiêu cụ thể, phù hợp và nỗ lực đạt  được những mục tiêu ấy. Mỗi người hãy hoàn thành tốt nhất trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội của mình, bởi khi hoàn thành xuất sắc công việc, ta sẽ được đồng nghiệp và bạn bè tôn trọng, yêu mến. Biết hài lòng với bản thân mình và những người xung quanh, đừng tự gây áp lực cho mình và cho người khác. Niềm lạc quan vui sống sẽ giúp con người cảm nhận hạnh phúc tốt hơn. “Hãy bình tĩnh mà sống”, sống chậm, sống bình tĩnh sẽ giúp cho con người cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa cuộc sống mà họ đang được hưởng.

T.S Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế:

Huế - một xứ sở hạnh phúc

Tôi từng nghe kể về chuyện một vị giáo sư khả kính ở Huế lên lớp, viết chữ bonheur (hạnh phúc) rất nhỏ trên bảng, làm sinh viên phải rướn mắt để nhìn cho rõ, với triết lý giản đơn: hạnh phúc thật gần gũi mà cũng rất xa vời, đến mức rất khó nhận ra.

Chính vì vậy mà khái niệm hạnh phúc rất khó định nghĩa, nhưng ở đó, sẽ hoàn toàn không có hơn - thua, hay cao - thấp, mà tùy vào quan niệm của mỗi người, mỗi cộng đồng, với hệ chuẩn mực, trong những thời điểm khác nhau. Điểm căn cốt nhất ở đây chính là sự hài lòng và thoải mái, như trong lối sống truyền thống Huế, luôn chú trọng tới sự hài hòa với môi trường sống (tự nhiên, xã hội). Từ thành thị tới thôn quê, đời sống người dân dù nghèo, nhưng nhẹ nhàng, thoải mái, nhất là trong đời sống tinh thần. Hương ước lệ làng, phong tục tập quán lễ nghi cho thấy rất rõ điều đó bởi họ cần một không gian yên bình, gắn mình với quê hương, thiên nhiên, đất trời.

Ở Việt Nam hiện nay, Huế thực sự là một xứ sở hạnh phúc. Người Huế sống hài hòa với chính mình, với xung quanh, an nhiên, tự tại... Đó là hạnh phúc. Huế còn một thành trì cổ xưa được coi là “cổ lỗ sỉ”, chịu sự chi phối của những hệ quan niệm, chuẩn mực truyền thống: hài hòa giữa danh và thực, thậm chí trọng danh hơn thực, sống rất khiêm tốn, nhẹ nhàng bởi cần tính chính danh.

Điểm rất hay trong xã hội truyền thống mà người Huế được coi là tiêu biểu, là hầu như không có chỗ cho cá nhân, mà cá nhân chỉ là một mắt xích của tập thể, của gia đình, dòng họ, rồi quê hương làng xóm. Một thành viên gia đình trước tiên luôn nghĩ đến cha mẹ, ông bà tổ tiên và đó là động lực để họ cố gắng. Sống vì người khác, vị tha và sẻ chia, triệt tiêu tính vị kỷ là một trong những điểm mạnh của giáo dục truyền thống Huế, để tạo nên nề nếp, gia phong. Khi cái tôi cá nhân được cổ súy thì điều đó phải phai nhạt. Tôi nghĩ cần bắt đầu lại từ gia giáo, rồi nhà trường - xã hội. Phải xác lập được hệ chuẩn mực phù hợp trên cơ sở vì cái chung tốt đẹp, nhân ái hơn, không quá chú trọng cái tôi cá nhân. Nhờ đó, sẽ giúp con người ta sống nhẹ nhàng, thoải mái, ý nghĩa hơn.

Minh Hiền (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩ về hạnh phúc

Trước đây, có thời gian kéo dài hàng năm trời, chị là nô lệ của thói quen xem lén điện thoại của chồng, bắt đầu từ khi chị bắt gặp anh nhắn tin thân mật với một nữ đồng nghiệp.

Nghĩ về hạnh phúc
Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3): Hạnh phúc cho mọi người

Hạnh phúc là cảm giác của mỗi người, hài lòng với mọi thứ xung quanh. Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người, nhưng hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào môi trường xung quanh, và mỗi cá nhân đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Ngày quốc tế hạnh phúc 20 3  Hạnh phúc cho mọi người
“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo
Return to top