Thế giới

Hành tinh ấm lên - 83 triệu người có nguy cơ tử vong vì nắng nóng

ClockThứ Bảy, 31/07/2021 16:33
TTH.VN - Theo một nghiên cứu mới vừa được đăng tải trên tạp chí Nature Communications ngày 29/7, 83 triệu người – tương đương với tổng dân số hiện nay của Đức, có nguy cơ tử vong trong thế kỷ này vì nhiệt độ tăng cao do phát thải khí nhà kính.

Sóng nhiệt - kẻ giết người thầm lặngTử vong vì sóng nhiệt tăng mạnh ở một số khu vựcCanada: Số người tử vong do nắng nóng tăng lên 54Châu Á: Nhiệt độ bất thường gây ra 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm185 triệu dân Mỹ đối mặt với đợt nắng nóng kỷ lục dịp cuối tuần

Nắng nóng có thể khiến hàng triệu người tử vong. Ảnh minh hoạ: Gentical

Với nghiên cứu vừa được công bố, Viện Trái đất của Đại học Columbia đã giới thiệu một tham số mới để giúp các công ty và chính phủ đánh giá thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Phép tính về “chi phí tử vong của carbon” có thể mang đến cho các đơn vị gây ô nhiễm những lý do mới để giảm thiểu lượng khí thải carbon bằng cách tăng đáng kể chi phí phát thải.

Ông Daniel Bressler, tác giả của nghiên cứu nói rằng dựa trên các quyết định của cá nhân, doanh nghiệp hoặc chính phủ, “phép tính này cho biết có bao nhiêu sinh mạng sẽ bị tước đoạt hoặc được cứu sống”, thông qua định lượng về tác động tử vong của những quyết định đó.

Ông Bressler đã tính toán số ca tử vong do nắng nóng trực tiếp gây ra bởi quỹ đạo nóng lên toàn cầu hiện nay.

Tính toán của ông không bao gồm số người có thể chết vì nước biển dâng, siêu bão, mất mùa hoặc thay đổi mô hình dịch bệnh do khí quyển ấm lên. Điều này có nghĩa là con số 83 triệu người tử vong theo ước tính - tương đương với số người thiệt mạng trong Thế chiến II - vẫn có thể là một đánh giá chưa đầy đủ.

Theo nghiên cứu, cứ 4.434 tấn carbon thải ra trong năm 2020 vào bầu khí quyển của trái đất sẽ giết chết 1 người trong thế kỷ này, dựa trên các tính toán ước định hành tinh sẽ nóng thêm 4,1 độ C vào năm 2100.

Cho đến nay, hành tinh này đã ấm lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Khối lượng khí ô nhiễm thải ra trong suốt cuộc đời của trung bình của 3 người dân Mỹ được cho là góp phần vào cái chết của một người khác.

Ông Bressler cho biết tỷ lệ tử vong cao nhất có thể dự kiến ​​sẽ diễn ra ở các khu vực nóng nhất và nghèo nhất trên trái đất như châu Phi, Trung Đông và Nam Á.

Những số liệu mới này có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách các nền kinh tế tính toán cái gọi là “chi phí xã hội của carbon” mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đặt ở mức 51 USD/tấn hồi tháng 2. Chi phí ô nhiễm đó, cùng với các thị trường carbon như Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu, giúp các chính phủ thiết lập chính sách bằng cách tính toán cho những thiệt hại trong tương lai.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Viện Trái đất (Đại học Columbia) cho thấy chi phí xã hội của carbon nên được đính giá cao hơn nhiều, vào khoảng 258 USD/tấn, nếu các nền kinh tế thế giới muốn giảm tình trạng tử vong do sự nóng lên toàn cầu.

Chi phí ô nhiễm carbon cao hơn có thể ngay lập tức dẫn đến việc cắt giảm lượng khí thải lớn hơn, do đó có thể cứu sống nhiều người hơn. Giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 2,4 độ C vào cuối thế kỷ này, so với mức giảm phát thải khiêm tốn có thể làm ấm hành tinh thêm 3,4 độ C như hiện nay, có thể cứu 74 triệu người khỏi tử vong vì nắng nóng.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Bloomberg)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt

Dự báo hôm nay (18/4), ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 38 độ C. Cảnh báo, nắng nóng có thể gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt
Return to top