ClockThứ Hai, 31/12/2018 14:47

“Hạt giống” quê nghèo

TTH - Hàng trăm học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh tập trung chủ yếu ở các trường thuộc xã còn nhiều khó khăn. Rõ ràng, chỉ cần học sinh quyết tâm, chịu khó, giáo viên có phương pháp, con đường chinh phục tri thức sẽ không xa đối với học sinh bất kể vùng, miền.

Việt Nam đạt 38 giải thi học sinh giỏi Olympic khu vực và quốc tếTrường THPT chuyên Quốc Học: Tỷ lệ học sinh giỏi cao nhất từ trước đến nayKhi học sinh trường huyện được “truyền lửa”

Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh bên tượng đài đại tướng

Trò giỏi, thầy hay

Câu chuyện về cô bé Trần Thị Thủy Tiên, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị trấn Sịa, Quảng Điền) tự tin đăng ký thi “Đường lên đỉnh Olympia” và đứng thứ 3 trong cuộc thi tháng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tiên cũng là học sinh đạt 3 giải nhất, nhì môn vật lý và toán trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2018 - 2019. Đáng nói, ở một ngôi trường vùng trũng, toàn trường có 1.400 học sinh thì có đến 1/3 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn viết đơn xin cấp học bổng để có điều kiện đến trường nhưng vẫn có nhiều tấm gương hiếu học.

Thầy giáo Lê Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh lập luận, học sinh càng có hoàn cảnh khó khăn càng có động lực học thật giỏi để thoát nghèo, thoát cuộc sống cơ cực. Các em có sẵn tố chất thông minh lại chịu khó, nỗ lực học tập nên nhà trường chỉ cần “chăm chút’’ trong bồi dưỡng học sinh giỏi, sẽ có được kết quả khả quan. Minh chứng cho phong trào học tập ở vùng đất hiếu học này khi hàng năm có trên 60% học sinh đậu vào các trường đại học. Trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2018-2019, toàn trường có 57 em đi thi thì có đến 49 giải, đứng thứ 3 trong toàn tỉnh. Điều đáng quý có nhiều em đạt đến 3 giải nhất, nhì ở các môn, lại có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo của xã.

Học sinh giỏi đạt giải cao ở những trường còn nhiều khó khăn cho thấy, các trường nỗ lực bồi dưỡng học sinh giỏi để dần dần khẳng định thương hiệu. Đi tìm “hạt giống” là một trong những khó khăn của các trường ở nông thôn. Thế nên, nhiều trường đã mất khá nhiều thời gian để khơi gợi niềm đam mê trong các môn học cho học sinh. Môn nào giáo viên dạy bằng niềm đam mê, nhiệt huyết, đầu tư bài giảng kỳ công khi kết hợp phương pháp trực quan sinh động sẽ phát hiện ra nhiều nhân tố mới để chọn lựa. Tôi không ngạc nhiên khi nhiều trường ở các xã bãi ngang, ven biển có nhiều học sinh đạt giải cao ở môn lịch sử và địa lý. Đơn giản là những người thầy đã “thổi” niềm đam mê cho học trò từ những câu chuyện lịch sử sinh động ngay trên chính quê hương mình.

Nguồn học sinh giỏi ở các trường không nhiều, có em học đều các môn nên giáo viên ở các đội tuyển đều muốn giữ lại. Tuy nhiên, giáo viên phải là người phát hiện ra khả năng, sở thích của các em để từ đó có định hướng hiệu quả. Ông Trần Ngọc Tuấn, giáo viên dạy môn ngữ văn ở Trường THCS Phan Thế Phương (Quảng Điền), là người bồi dưỡng khá nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh chia sẻ: Năm trước, có một em học sinh học rất giỏi ở các môn, thầy cô nào cũng muốn em vào đội tuyển của mình. Rốt cuộc, chúng tôi phải bàn bạc, định hướng cho em vào đội tuyển môn sử, một phần vì niềm đam mê, một phần em có nhiều kỹ năng, kiến thức tiếp thu môn này tốt hơn. Cuối cùng, em đã thành công khi đạt giải nhì môn lịch sử kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Trần Thị Thủy Tiên, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tham gia đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: NVCC

Học trực tuyến

Giáo viên dạy đội tuyển thường phải là những người nhiệt huyết. Đáng mừng khi nhiều trường có đội ngũ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi yêu nghề. Giáo viên trẻ có sự năng động, khai thác, cập nhật tư liệu tốt, giáo viên có thâm niên lại có kinh nghiệm. Ngay từ đầu năm, đội ngũ giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi đã xây dựng khung chương trình bồi dưỡng. Ngoài thời gian học bồi dưỡng, họ kèm cặp học sinh ở mọi lúc, mọi nơi. Nhiều hiệu trưởng nói vui, họ chẳng biết trả tiền bồi dưỡng học sinh giỏi cho giáo viên thế nào khi giờ học ở trường không nhiều. Thầy và trò học trực tuyến, trò đến nhà thầy hay có những người thầy say mê kèm cặp tại nhà. Có thầy đến nhà trò, trò thì nghèo, ngổn ngang công việc phải mưu sinh, thầy lại phải phụ giúp để các em có thời gian tập trung học tập.

Bí quyết để nhiều trường “rinh” các giải thưởng là do nhà trường đã xây dựng được “chiến lược” ôn tập riêng đối với từng nhóm đối tượng học sinh. Như ở cụm khu I, Trường THCS Lộc Bổn (Phú Lộc) có thế mạnh về môn văn và địa lý thì những em học sinh giỏi hai môn trên của trường khác đến bồi dưỡng; ngược lại, Trường THCS Lộc Điền có thế mạnh môn hóa học và vật lý thì các em trường khác về bồi dưỡng. Nhờ đó, tạo thêm điều kiện cho các trường tăng thêm giải ở các môn không phải thế mạnh.

Bây giờ có internet, học sinh ở nông thôn không đến nỗi thiếu thông tin, có thể lấy đề thi thử, học qua mạng, trao đổi qua mạng. Học trực tuyến là xu hướng học mới với nhiều ưu điểm vượt trội. Các em có thể chủ động quản lý và điều chỉnh lộ trình học của mình giúp nhớ sâu kiến thức và tiết kiệm thời gian học tập. Thầy và trò không ngừng cập nhật thông tin, đối thoại cởi mở hơn, không còn cảnh thầy đọc trò chép như xưa.

Thành công trong công tác phát hiện đội ngũ học sinh giỏi là hội khuyến học ở các địa phương phát triển khá mạnh. Các em được vinh danh trong họ tộc của mình khiến người người tự hào quyết tâm cho con em ăn học đến nơi, đến chốn. Không ít trường khá “rủng rẻng” khi có nguồn hỗ trợ của các cựu học sinh xây dựng nguồn quỹ hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ kịp thời học sinh nghèo học giỏi. Từ đầu tư thư viện trường, xây dựng các phòng chức năng đến trang bị máy tính xách tay cho học sinh giỏi tiện việc truy cập, tìm kiếm thông tin phục vụ học tập. Thầy giáo Nguyễn Khả, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông lý giải, chúng tôi đã huy động được rất nhiều nguồn để hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi giúp các em yên tâm học tập. Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại, thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc cập nhật thông tin.

Chất lượng giáo dục ở các vùng, miền trên địa bàn đã được rút ngắn. Những vùng đất có truyền thống hiếu học, lại có những cô cậu học trò nghèo quyết tâm chinh phục tri thức. Có những người thầy tận tâm, có kinh nghiệm trong việc phát hiện và chăm sóc, bồi dưỡng để những “hạt giống tốt” nẩy lộc, vươn chồi.

HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Ngày 6/4, Trường cao đẳng Công nghiệp (CĐCN) Huế tổ chức hội nghị phân luồng giáo dục lần thứ 4, năm 2024. Chương trình được phối hợp với các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn về một số hoạt động giáo dục, hướng nghiệp gắn với mục tiêu việc làm bền vững cho học sinh, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo theo định hướng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Return to top