ClockThứ Ba, 16/02/2021 06:23

Hạt lành để gió cuốn đi

TTH - Khi dấu tích các trận lũ chưa kịp khô ở các trường học, từ TP. Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Thanh Tùng lại có chuyến trở về với một đêm nhạc, rất nhiều sách, những suất học bổng, các chương trình hỗ trợ giáo dục và doanh nhân mà ông dành tặng.

Lời tự tình của TS.Nguyễn Thanh Tùng với quê nhàĐạo đức phải được nuôi dưỡng mỗi ngàyThắp lên yêu thương từ lắng nghe, chia sẻAnh bảo vệ được trao học bổng

Tình cảm trìu mến TS.Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Phó Chủ tịch Hội Chất lượng TP.Hồ Chí Minh, CEO hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế Tuệ Đức Vabis - dành cho thế hệ măng non

Với TS. Nguyễn Thanh Tùng, chuyến về Huế lần này thật đặc biệt, đánh dấu hành trình 5 năm ông về với quê nhà. Cũng là khi Huế vừa qua những trận lũ và bắt đầu những ngày rét đậm.

Về với học sinh vùng lũ

Ngay sau đêm nhạc gia đình cùng những người bạn tối 6/12/2020, TS.Tùng bắt đầu thực hiện chương trình đến các trường học. Đồng hành cùng ông là những người bạn trong nhóm GNH-Cộng đồng sống tử tế Huế-vừa thành lập với mục đích lan tỏa văn hóa đọc, thực hiện các chương trình thiện nguyện và hỗ trợ giáo dục.

6h30 sáng. Trời rất lạnh. TS. Tùng và các cộng sự bắt đầu rời Huế, đến với học sinh Trường THPT Trần Văn Kỷ. Cách Huế hơn 50 cây số, trường là nơi theo học của học sinh 3 xã nghèo Hòa-Bình-Chương (Phong Chương-Phong Bình-Phong Hòa) của huyện Phong Điền. Đây cũng là nơi vừa trải qua những đợt lũ nặng nề cách đây 2 tháng.

Đón thầy Tùng hôm ấy là 900 học sinh của trường, đã có mặt từ sớm. Ngoài cây đàn ghi-ta quen thuộc, những suất học bổng, chuyến trở về này, TS.Tùng mang theo thật nhiều sách. Ông cũng dành thời gian để nói chuyện với các em về chọn nghề, việc nuôi dưỡng đạo đức và những điều “tế nhị” mà tâm lý tuổi mới lớn thường gặp.

Không chỉ có tiếng cười, hôm ấy, vai áo của TS. Tùng lại mặn chát nước mắt của các em khi những bảo ban ân cần đã chạm đến những góc sâu trong trái tim của những đứa trẻ mà nhiều khi, áp lực học hành, bất hòa gia đình và những tác động bên ngoài không mong muốn đã làm tổn thương nhưng chưa bao giờ được chạm đến, lắng nghe, thấu hiểu.

“Những kinh nghiệm, chia sẻ giản dị, gần gũi, thân thương như một người cha của thầy giúp các em mở mang nhiều điều, lan tỏa giá trị tốt đẹp, giúp các em thay đổi, từ những việc rất nhỏ trong cuộc sống”, cô Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Kỷ chia sẻ.

Ước mơ gửi lại

Trên hành trình về Huế lần này, TS. Tùng cũng dành nhiều thời gian cho học sinh Phú Hồ (huyện Phú Vang)-quê gốc của ông. Cái lạnh như bớt lạnh khi sân Trường tiểu học Phú Hồ đã được sửa sang, từ hỗ trợ của gia đình ông trước đó. Những chiếc chăn ấm cho các em vào mùa lạnh cũng được trao. Và ông lại ôm đàn, tặng các em ca khúc “Phú Hồ trường em” mà ông sáng tác cách đây 5 năm, khi lần đầu về thăm trường. Bài hát như lòng người đã về, cùng những ước mơ thắp lên trong ông ngày nào lại được gửi gắm.

Rời Huế từ nhỏ, cùng gia đình vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống, những ước mơ ngày bé sau này đã đưa TS.Tùng đến 40 quốc gia để học tập, làm việc, công tác. Theo học ngành viễn thông ở Úc, được nhận học bổng du học tại Pháp, TS. Nguyễn Thanh Tùng từng là Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Công ty GDS (Mỹ). Ông là người đầu tiên đem công nghệ sản xuất ổ đĩa cứng HDD của tập đoàn WD (Western Digital) và Seagate về Việt Nam, cũng là người mở dịch vụ Service Center đầu tiên cho bảo hành đĩa cứng khu vực Đông Nam Á.

Với thầy Lê Văn Hùng-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tố Hữu, 5 năm qua, mỗi chuyến trở về với giáo dục Huế của TS.Tùng là những dấu ấn. Năm 2016, trường may mắn được 3 lần đón thầy Tùng. Trên chiếc xe máy cũ, ông vượt quãng đường gần 70 cây số từ Huế về Phú Hồ để đến với học sinh Quảng Ngạn-một xã biển đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Điền.

“Nhớ nhất là lần trở về vào tháng 11/2016, khi Huế đang lụt. Buổi nói chuyện say sưa không dứt, kết thúc lúc đã tối mịt. Đường về ngập sâu nên mình phải nhìn vào dãy cột điện bên đường để canh chừng. Về đến Phú Hồ thì đã hơn 9 giờ tối, ướt như chuột lụt”, TS. Tùng kể về chuyến vượt lũ cách đây 5 năm.

Lên A Lưới là về nhà

Sau Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc… hành trình 9 ngày với Huế năm nay của TS. Tùng lại dành chặng cuối cho A Lưới-nơi ông bảo, đó là về nhà.

“Năm 2015, lần đầu mình bắt xe đò từ Huế, đi hơn 70 cây số lên A Lưới. Chiếc xe hàng cũ lắm, chạy rất chậm, dọc đường lại dừng nhiều chặng để bắt khách. Xung quanh chất đầy chuối, sắn, măng…của đồng bào vùng cao”. TS. Tùng nhớ lại chuyến xe đò đầu tiên đưa ông lên A Lưới.

Chuyến đi mà đến nay, ông vẫn nhớ buổi nói chuyện đầu tiên ở Trường THPT Hương Lâm sát biên giới Việt-Lào. Hôm ấy mưa rất to, buổi nói chuyện trên hành lang hẹp của trường nên các em trốn hết vì ướt. Thế là ông ôm đàn. Cây đàn ghi-ta quen thuộc đã theo ông đi khắp nơi, vang lên trong buổi chiều mưa tầm tã ở vùng cao A Lưới, lại níu chân những đứa trẻ. Buổi nói chuyện vì thế kéo dài đến tận tối.

Năm nay, trở lại A Lưới, TS. Nguyễn Thanh Tùng lại dành thời gian cho các em học sinh Trường Dân tộc nội trú với những món quà đặc biệt, trong đó có nhiều bộ chén, đĩa rất đẹp, để những bữa cơm của những đứa trẻ nội trú xa nhà ấm hơn. Những cuốn sách, những tâm tình và những suất học bổng “Nuôi dưỡng đạo đức mỗi ngày” do ông sáng lập lại được trao cho học sinh, giáo viên và cả nhân viên nữa. Đây cũng là lần thứ hai, anh Vũ Tiến Nô-người bảo vệ trường- hân hạnh được nhận sách và học bổng.

Năm 2019, có dịp cùng TS. Tùng đến A Lưới, tôi thật sự xúc động được nghe câu chuyện của anh Nô. Tiền công hợp đồng bảo vệ trường mỗi tháng chỉ có 2 triệu đồng để nuôi hai con nhỏ và vợ chưa có việc nhưng anh Nô chỉ nói về các em học sinh nội trú xa nhà, thiếu thốn nhiều thứ. Thế là anh tự nguyện hàng ngày chăm sóc, bảo ban các em. Nhắc các em học bài, dậy sớm. Nhắc các em đi ngủ phải mắc màn, đi xe máy thì không được chở ba, nhớ đội mũ bảo hiểm...

“Nhận học bổng của thầy Tùng, mình thấy phải cố gắng hơn, giúp các em nhiều hơn, lan tỏa nhiều hơn những việc tốt”. Anh Nô xúc động nhắn về từ A Lưới, khi vừa được trao học bổng lần thứ hai.

Lặng lẽ như những việc làm giản dị của anh Nô là những chuyến đi của TS. Tùng khi về với giáo dục và các chương trình hỗ trợ doanh nhân Huế. Đó cũng là cách ông đã đến những nơi xa xôi ở Tây Bắc, Tây Nguyên, hay “Lục tỉnh Nam Kỳ”… với mong mỏi xây dựng những ngôi trường hạnh phúc; nuôi dưỡng, vun bồi, lan tỏa những điều tử tế và nhóm lên khát vọng cống hiến, phụng sự cộng đồng trong thế hệ trẻ.

Cứ thế! Như người gieo hạt, những hạt lành tri thức và tấm lòng tử tế của TS. Nguyễn Thanh Tùng được trao tặng một cách vô ưu, đã được gió cuốn đi…

Bài: Kim Oanh - Ảnh: Nhân vật cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đạo đức phải được nuôi dưỡng mỗi ngày

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức KMi - TP. Hồ Chí Minh, CEO hệ thống trường xanh Tuệ Đức - nhân chuyến về Huế mới đây của ông.

Đạo đức phải được nuôi dưỡng mỗi ngày
Return to top