ClockThứ Bảy, 03/09/2016 07:10

Hạt nếp lưng chừng núi

TTH - Cuối tháng 8, nắng vàng rực trên những triền đồi vùng rẻo cao A Lưới, cũng là lúc hạt nếp than, nếp máu bắt đầu ngậm sữa. Giống cây nông sản nằm cheo leo giữa sườn núi, được gieo từng a chói của đồng bào, đã trở thành “hạt ngọc của trời” ban cho người dân nơi đây.

“Tôi luyện” giữa núi đồi

Nếp than, nếp máu (người Pa Cô, Tà Ôi gọi là đệp cù cha, đệp a han), có từ ngàn xưa, được đồng bào giữ giống qua từng mùa rẫy. Nếp được gieo từ tháng 4 đến tháng 10-11 (DL) mới thu hoạch, mỗi năm chỉ được một vụ, chỉ thích hợp với vùng núi cao quanh năm hơi sương dày đặc hay vào mùa nắng nứt nẻ đất đai trên những triền đồi.

Nếp than, nếp máu là loài nông sản quý của đồng bào A Lưới

Hỏi người trẻ, cán bộ nông nghiệp các xã về nếp than, nếp máu cũng chẳng ai còn nhớ, chỉ nhìn lên phía triền đồi với cái chỉ tay mơ hồ! May sao, chúng tôi gặp được già làng Quỳnh Vâm (82 tuổi, thôn A Năm, xã Hồng Vân), người biết khá tường tận về loài nông sản này. Già Quỳnh Vâm cho biết, theo tiếng đồng bào, đệp có nghĩa là nếp, cù cha là than, a han là máu, bởi thế mới có tên gọi là nếp than, nếp máu. Một cách lý giải nữa, là khi hạt nếp bắt đầu ngậm sữa, khẳng khiu trên những triền đồi, là lúc màu hạt chuyển sang tím đen như than, gạo xay cũng có màu đen tuyền như hạt mã não trong trang phục xúng xính mỗi mùa lễ hội của đồng bào. Nếp máu cũng có màu sắc tương tự như thế nhưng nhạt hơn.

Đệp cù cha, đệp a han là giống nếp chịu hạn, chịu lạnh rất tốt, được trồng diện tích chỉ tính bằng…một a chói (cách đồng bào tính “phần đất” gieo được một a chói cây giống) ở vùng núi cao mà thôi. Do trồng ở núi cao quanh năm sương phủ, đến mùa hạn thì nắng cũng nứt nẻ đất đai, hạt nếp như được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt của tự nhiên, vì thế người Pa Cô, Tà Ôi gọi là hạt ngọc của trời, hạt ngọc của Giàng.

“Cận cảnh” nếp than, nếp máu

Gia đình cụ Quỳnh Vâm năm nay chỉ trồng 2 thùng a chói nếp than, nếp máu (khoảng 1.000m2) trên vùng đồi Ka Kai. “Mình trồng để giữ giống lúa quý của cha ông mà thôi. Sau này, sợ con cháu không biết đến nó nữa”, già làng Quỳnh Vâm, tâm sự. Theo chân cụ Kăn Phương (80 tuổi), vợ già làng Quỳnh Vâm lên vùng đồi Ka Kai, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được những mảng nếp than, nếp máu trỉa thưa thớt trên triền đồi. Gần tháng 9, nếp bắt đầu ngậm sữa, bông nếp không được dày nhưng những hạt đen tuyền bắt đầu trĩu nặng trên cành. Trên những chân đất khô cằn của nương rẫy, cây nếp vẫn khẳng khiu, chịu thương chịu khó, cho ra loại “quả” quý! Cầm từng nhánh nếp đen bóng trên tay, cụ Kăn Phương bảo: “Bây giờ giống nếp này còn ít lắm, càng ít người trồng nên nó càng quý. Mỗi gia đình chỉ giữ lại vài lon làm giống. Lớp trẻ bây giờ không ai tìm hiểu về giống cây này cả, chỉ những người lớn tuổi như già mới biết.”

Theo kinh nghiệm của cụ Quỳnh Vâm cũng như đồng bào nơi đây, ở những triền đồi núi cao, nếp than, nếp máu sinh trưởng tốt vì sau mỗi mùa đốt nương rẫy, cây bụi cháy để lại một lớp chất dinh dưỡng trên nương. Như hấp thụ được tinh khí của đất trời, nên loài nông sản này trồng ở vùng đồng bằng, nương lúa thấp không mọc được, nếu có mọc được thì cũng chẳng cho ra hạt nếp màu đen. Bón phân cho nếp than càng không hiệu quả, bởi khi cây nếp tốt quá, sẽ không cho hạt hoặc không còn là nếp than, nếp máu nữa.

Giữ nét văn hóa truyền thống

Hiện nay, ở huyện A Lưới, chỉ các địa phương như Hồng Vân, A Roàng, Hồng Thủy còn trồng một số ít diện tích hai giống nếp quý này. Bởi thế, đồng bào nơi đây chỉ dùng các lợi nếp này trong các lễ hội, cưới, hỏi. Đặc biệt, một nét văn hóa truyền thống nơi đây là dùng hai loại nếp này làm bánh a wat để tiếp đãi khách và… rể quý. Nếp được gói trong lá chuối, lá dứa làm bánh, hạt nếp qua môi trường nước, chín đều trên sức nóng của hơi lửa. Một nhà nấu, mùi thơm bay xa khắp bản. Bí thư Chi bộ thôn Ta Roi Nguyễn Văn Chiêu bảo rằng, khi nếp than nấu ra, người nấu nhúng tay vào nước, vắt thành xôi sắp trên rổ. Hạt nếp kết dính tạo thành khối trong lòng bàn tay, một thời thứ đơn sơ ấy đã đi vào trong tiềm thức của đồng bào nơi đây trong mỗi lễ hội.

Ché rượu cần làm từ nếp than

Dùng bánh a wat tiếp đãi rể quý là nét văn hóa tựa “miếng trầu là đầu câu chuyện” trong truyền thống của người Kinh vậy. Bánh a wat được dọn sẵn trên nhà sàn, bên ché rượu cần cũng được ủ từ men của nếp than, nếp máu. Gia đình “họ nhà gái” sẽ thưa chuyện với họ nhà trai về tục lệ cưới hỏi giữa con cháu của họ. Để “mục sở thị” loài nếp quý khi đã xay thành gạo, ông Nguyễn Văn Chiêu dẫn chúng tôi đến nhà ông Quỳnh Lầm (thôn Tà Roi). Trên gian bếp đã nhuốm màu thời gian, Quỳnh Lầm chỉ còn cất lại khoảng chục kg nếp than, nếp máu để chuẩn bị lễ cưới cho đứa con gái út. Ông Quỳnh Lầm cho biết: “Nếp này được thu hoạch từ mùa vụ trước, phải giữ cẩn thận để khi cưới, hỏi mới dùng đến. Do chỉ cấy chừng vài a chói nên khi có việc, có tiền chưa chắc đã tìm mua được loại nếp này”. “Nếp than còn được bà con dùng nấu cháo để trị bệnh đường ruột. Đối với trẻ sơ sinh khi ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh đều dùng rất tốt”, Bí thư Chi bộ thôn Ta Roi cho biết.

Ông Hồ Văn Rao- Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, là loại cây nông sản cho năng suất thấp, nhưng chất dinh dưỡng có thể sánh ngang giống lúa hẻo rằn ở đồng bằng. Hiện nay, ở xã Hồng Vân, khoảng dưới chục hộ duy trì trồng các loại nếp này. Địa phương cũng như bà con cũng muốn bảo tồn nguồn gen loại nếp quý này. Nhưng để tăng diện tích trồng, phát triển nó thành loại nông sản mang tính hàng hóa là cả một câu chuyện “dài hơi”.

“Năm 2014, từ đề tài khoa học “Bảo tồn các nguồn gen quý”, do Bộ KH&CN hỗ trợ, chúng tôi đã phục tráng thành công các giống lúa A ri, Căn Ngươi, Cu Dơ… cơ bản có đặc tính dược liệu như nếp than, nếp máu. Hiện nay, các giống phục tráng này được chuyển giao cho đồng bào xã Nhâm, Hồng Vân sản xuất với diện tích 6ha. Khó khăn phát triển các loại giống lúa, nếp quý này là ở miền núi, các triền đồi hạn hẹp về quỹ đất; khi mang về đồng bằng thì năng suất thấp (khoảng 3-4 tấn/ha), nên người trồng không lựa chọn, hạt lúa đưa ra thị trường tính cạnh tranh không cao”, TS. Nhà nông học lê Tiến Dũng, cho biết.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả lại cảnh quan rừng thông cho đỉnh núi Ngự Bình

Sau rất nhiều trận cháy, đỉnh núi Ngự Bình – một trong những biểu tượng của Huế trở nên “xuống cấp”, khung cảnh thơ mộng nơi chốn này đã không còn như xưa trước sự tiếc nuối của nhiều người.

Trả lại cảnh quan rừng thông cho đỉnh núi Ngự Bình
Kỳ tích “dựa” núi

Với các mặt giáp biển, đầm phá, lưng dựa vào núi, Lộc Bình (Phú Lộc) là nơi có những lão nông trồng rừng lên đến vài chục ha, làm giàu nhờ rừng.

Kỳ tích “dựa” núi
Giữ hồn thiêng của núi

Hai con người đặc biệt thuộc hai thế hệ của núi rừng A Lưới mà tôi có dịp gặp gỡ đã trở thành Nghệ nhân ưu tú, được đồng bào coi là “báu vật lưu giữ hồn thiêng của núi”...

Giữ hồn thiêng của núi
Giữ linh hồn của núi

Mặc thời gian, mặc biến động chiêng, ché vẫn luôn là linh hồn của người Cơ Tu…

Giữ linh hồn của núi
Return to top