ClockThứ Tư, 03/07/2013 16:48

Hậu trường nghề biên tập

TTH - (Nhân đọc Khám phá nghề biên tập - Nhà báo Ngọc Trân, Nhà Xuất bản Trẻ, 2013)

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, tôi nhận được thư của nhà báo Ngọc Trân qua email thông báo: Sẽ gửi sách Khám phá nghề biên tập cho người hâm mộ ở xa. Thế là, thói quen đọc sách một cách ngấu nghiến bất kể thời gian của tôi đã vô tình bị “kìm hãm” đến tận bây giờ.

Bìa sách Khám phá nghề biên tập

Góp nhặt... cát đá

“Một nghề bí ẩn” - tác giả Ngọc Trân gọi nghề biên tập như thế trong phần mở đầu tập sách Khám phá nghề biên tập bởi, như ông từng bảo: ở Việt Nam không ai dạy nghề này thật chuyên nghiệp. Xuất phát từ thực tế trên, soạn giả thu thập một số tư liệu, nhớ lại những gì được học với đồng nghiệp trong và ngoài nước cùng kinh nghiệm riêng để biên soạn tài liệu này. “Hãy xem đây như một viên đá đóng góp vào việc xây dựng nền móng cho công tác đào tạo người biên tập chính quy” - nhà báo Ngọc Trân nói rất mực khiêm tốn không chút giấu giếm.

Mới đọc qua tập sách với độ dày 232 trang, người tinh ý nhận ra rằng: tài liệu tuy mang tính kỹ thuật, nhắm đến thực hành nhưng vẫn xen kẽ cả lý thuyết. Nó gồm nhiều phần, từ tổng quan về nghề biên tập đến nhiệm vụ người biên tập hình thức lẫn nội dung văn bản tại tòa soạn một tờ nhật báo. Trước hết, nội dung cuốn sách tạo cơ hội để độc giả mà nhất là giới biên tập viên chuyên nghiệp có điều kiện cùng nhau thảo luận một cách tổng quát về nghề biên tập: Nghề này quan trọng như thế nào? Để hành nghề tố chất phải ra sao? Biên tập viên (BTV) có thể đóng góp gì cho một tờ báo? Tiếp đến, chúng ta sẽ xem xét các điểm tựa BTV thường dựa vào để làm việc: hiểu độc giả, rành tin tức, sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn. Và, tác giả sẽ dẫn dắt chúng ta tìm hiểu tổng quát về tòa soạn, quy trình di chuyển bài vở cùng công việc của BTV. Làm thế nào để cho thông tin trong bài báo thêm chính xác, dễ hiểu đến sự công bình trong tin tức mà một BTV phải góp phần gìn giữ.

Đạo đức nghề nghiệp cũng sẽ được tác giả thảo luận ở đây, lẫn cách giúp người gặp khó khăn trong viết lách hình thành bài vở. Sau đó, chúng ta sẽ nghiên cứu cách thức xây dựng mạng lưới nguồn tin cùng việc thẩm định độ tin cậy của chúng. Ngoài ra, chúng ta còn tìm hiểu cách thức hỗ trợ phóng viên tìm trọng tâm cho bài báo và viết phần mở đầu được tốt hơn. Và, điều chắc chắn rằng, tác giả không thể bỏ qua chuyện viết lách; bởi, muốn biên tập giỏi thì phải viết tốt (phóng viên thường nể phục những BTV như thế).

Ai đã từng tiếp xúc và hiểu thấu đáo phần nào sự uyên bác và lịch lãm của nhà báo Ngọc Trân dễ dàng nhận thấy: Hầu hết nội dung tài liệu nói trên của ông đều được đăng tải trên các tạp chí Nghề báo TP Hồ Chí Minh, Người Làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam). Nhiều phần trong đó được sử dụng cho các lớp tập huấn nâng cao năng lực biên tập tin, bài về các vấn đề phát triển (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức) cũng như cho những lớp nghiệp vụ biên tập của nhà trường, một số tờ báo ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh (thông qua các Hội Nhà báo địa phương).

Mối quan hệ giữa PV và BTV

Hễ khi nhận được bài viết thì với trách nhiệm của mình, người biên tập đọc lại, suy nghĩ để bằng mọi cách làm cho các tác phẩm đến với công chúng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, độc giả lại không biết tới BTV vì họ không được đứng tên trên các bài báo như phóng viên.

Điều nghịch lý là từ trước đến giờ, các cây bút chuyên nghiệp và được giải thưởng báo chí của chúng ta đã bao giờ thừa nhận và ca ngợi công lao của người biên tập? Trong khi đó, những công việc hằng ngày của BTV thực thụ ngoài việc sửa lỗi các bài viết được nhà báo Ngọc Trân liệt kê với hàng loạt “núi” công việc: từ nghe ngóng, họp bàn về tin tức, tìm và chỉ định đề tài, làm việc với phóng viên đến sửa bài, chỉ dẫn dàn trang… Thật ra, họ còn phải làm nhiều hơn thế nữa: Tập trung suy nghĩ một cách sáng tạo cho việc xây dựng đề cương tuyên tuyền hàng tuần, tháng, vào những ngày lễ lớn, cả năm rồi khi Xuân về, Tết đến. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi càng tâm đắc khi nhà báo Ngọc Trân dẫn dắt chúng ta “giải mã” thấu đáo mối quan hệ “không đội trời chung” vẫn được xem là muôn thuở giữa phóng viên và BTV. Chẳng hạn, ông dẫn chứng một số người tìm cách định nghĩa nghề biên tập, như Sonia Jaffe Robbins - giảng viên môn Biên tập báo chí tại Đại học New York: “Biên tập văn bản là một quy trình mà trong đó BTV giúp cho phóng viên cải thiện việc viết lách, để cho bài vở trở nên rõ ràng và được trình bày một cách tốt nhất có thể được”.

Người biên tập có tài luôn nhận biết bài nào đủ tiêu chuẩn hoặc bài nào không. Khi sửa bài, họ phải đoan chắc rằng: ý đồ của người viết không bị xem nhẹ, giọng văn không bị mất đi và bạn đọc sẽ hài lòng với bài được đăng báo. Nhà báo Ngọc Trân vẫn lưu ý những tiêu chuẩn về biên tập: Bài phải rõ ràng và dễ hiểu đối với độc giả. Nếu bài chưa đáp ứng hai tiêu chuẩn này thì không nên để xuất bản. Vì nếu một phương tiện truyền thông không thể cung cấp sản phẩm hoàn hảo, độc giả sẽ mất tin tưởng, rồi dần dần bỏ đi - nếu sự việc cứ tiếp diễn.

Tuy nhiên, làm được như thế quả thật là điều không dễ dàng: người biên tập cần có sự cộng tác của người viết. Bởi thế, việc cộng tác giữa người biên tập và người viết cũng rất quan trọng, không nên xem nhẹ. Lý tưởng nhất là người biên tập và người viết luôn xem nhau như đối tác hay bạn bè. Tiếc rằng, thực tế lại không được như vậy: BTV hay than phiền người viết không cẩn thận, còn người viết lại ta thán BTV “phá hỏng” bài báo của mình. Trong khi, lẽ ra đôi bên đều cần đến nhau để tạo ra một sản phẩm tốt hơn.

Thật ra, còn nhiều vấn đề khác nữa rất bổ ích cho tất cả những ai muốn tìm hiểu, khám phá về nghề biên tập đầy nhọc nhằn mà trong phạm vi bài báo này không đủ dung lượng để chúng tôi chuyển tải hết được. Mong độc giả hãy cùng chúng tôi đón nhận tập sách với tất cả niềm tin yêu để một lần nữa khám phá “nghề bí ẩn” nói trên!

Vĩnh Cự
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top