ClockThứ Năm, 16/11/2017 09:16
CÂU CHUYỆN LỤA VIỆT:

Hãy bỏ ngay tư duy “cứ làm đại, không ai biết đâu”!

TTH - Nhà nghiên cứu kiêm nghệ nhân phục chế cổ vật Trịnh Bách là người rất hiểu rõ câu chuyện lụa Việt. Ông Bách chính là người phục chế bộ trang phục cung đình triều Nguyễn hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Để phục vụ cho công việc này, ông Bách đã góp phần làm sống lại các làng dệt lụa ở Hà Đông (Hà Nội) từ hơn 20 năm trước.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Bách về câu chuyện lụa Việt sau khi xảy ra vụ đổ bể Khaisilk “treo lụa Việt bán lụa Trung Quốc”?

Nghệ nhân Trịnh Bách

* Hơn mười năm trước, chúng tôi đã cùng ông về làng lụa và đã thấy các cửa hàng ở đây bán lẫn lụa Việt với lụa Trung Quốc. Đến bây giờ tình trạng này có còn không?

Chuyện ấy vẫn không thay đổi lắm đâu. Có điều là, hàng lụa Trung Quốc bán ở đó vẫn để nguyên nhãn China, chứ không dán nhãn Việt Nam. Tôi nhớ hồi năm 2000, bà Hillary Clinton cùng Tổng thống Clinton sang thăm Việt Nam. Khi đến thăm các tiệm tơ lụa ở phố Hàng Gai (Hà Nội), bà có mua một ít đồ may mặc bằng lụa tơ tằm. Sau đó, các nhân viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã chỉ ra một số món đồ có đề nhãn “100% Vietnam Silk”, nhưng thật ra là đồ sợi hóa học Trung Quốc. Tôi phải điều động mấy người bạn từ làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) đem lên ba tấm vải nái dệt dầy sợi bằng tơ tằm của Vạn Phúc, để biếu hai vợ chồng Tổng thống Clinton và bà mẹ vợ của ông ấy, để họ biết sản phẩm tơ tằm thật của Việt Nam là thế nào. Và sau đó, ông Clinton đã viết thư tay cảm ơn người làng Vạn Phúc. 

* Ông đã từng cảnh báo họ về việc bán lẫn hàng lụa Trung Quốc với lụa Việt, lợi trước mắt nhưng hại lâu dài, sẽ giết chết nghề dệt lụa truyền thống, cũng như hàng lụa Việt. Dân làng lụa có nghe lời khuyên của ông không?

Không nên trách người dệt, mà phải trách người buôn. Tất cả những chuyện này đều do nhà buôn trên phố quyết định chứ đâu phải do dân làng dệt. Phần nhiều các đồ cao cấp như ở Khaisilk hay các tiệm tương tự rất khó chế tác. Các làng dệt truyền thống của Việt Nam không sản xuất được những mặt hàng đó. Nếu họ dệt được thì nhãn mác Việt Nam đã rõ ràng ở trên sản phẩm rồi, cần gì chuyện thay đổi nữa.

Cái mà tôi cảnh báo các làng dệt là vấn đề thật giả trong chất liệu mà thôi, và điều này vẫn rất khó. Và việc này, một lần nữa lại cũng do người bán quyết định. Người buôn biết rất rõ sợi nào là tơ tằm, sợi nào là hóa học, nhưng vẫn để chuyện thật giả này xảy ra. Người dệt không bao giờ qua mắt người buôn được chuyện gì.

* Vậy làm thế nào để phân biệt lụa Việt với lụa Trung Quốc?

Lụa Trung Quốc cao cấp ít thấy ở Việt Nam, vì các nhà buôn khó kiếm lời to khi buôn bán các mặt hàng này. Vải lụa tơ tằm nguyên chất Việt Nam thật sự thường mộc mạc, đơn sơ. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ từng đó hoa văn nho nhỏ đều đều. Trình độ của người thợ mình vẫn chưa dệt được lụa hoa cùng một chất liệu nhưng có từ hai màu trở lên. Lụa tơ tằm cao cấp có hoa văn của Việt Nam thì hoa văn và nền vải thường cùng một màu. Nếu thấy hai màu khác nhau, dù chỉ là hai sắc đậm nhạt khác nhau của cùng một sắc màu, thì đó cũng là do hai chất liệu sợi dệt ngang và dọc khác nhau, mỗi loại ăn một màu nhuộm khác. Cũng có khi người ta nhuộm hai loại sợi ngang và dọc cùng bằng tơ tằm, nhưng khác màu nhau, để màu vải nền khác với màu hoa văn. Nhưng lụa Việt dù dệt như thế, hiện nay cũng vẫn thô hơn lụa Trung Quốc, vì chất lượng sợi dệt và mật độ sợi. Và loại mặt hàng này của Việt Nam, nếu có, sẽ đội giá lên rất đắt.

Từ trên xuống: Long bào của vua; Phượng bào của hoàng hậu và Mảng bào của hoàng tử do nghệ nhân Trịnh Bách phục chế từ vải lụa của các làng dệt Vạn Phúc, La Khê (Hà Đông - Hà Nội)

* Theo ông, cần phải làm gì để hàng lụa Việt cạnh tranh được với lụa Trung Quốc?

Đầu tiên, không chỉ trong phạm vi tơ lụa, là phải bỏ ngay cái tư duy "không ai biết đâu". “Cứ làm đại như vậy, vì có ai biết đâu”. Thật ra có nhiều người biết chứ. Muốn bỏ tư duy này, người thợ phải nhẫn nại và cầu thị.

Kế đó là phải tăng chất lượng sản phẩm bằng cách tăng mật độ sợi dệt. Rồi giữ nguyên chất lượng sợi dệt bằng cách giữ nguyên keo tằm thiên nhiên của sợi dệt. Dệt như vậy, lụa sẽ chắc và bền hơn. Các thợ dệt Việt Nam ít khi muốn làm việc này vì ngại khó, mất thời giờ. Nhưng cũng là việc thủ công mà tại sao người ta làm được trong khi mình lại không?

Người sản xuất lụa phải học hỏi để tạo thêm ra mẫu hoa văn đẹp đẽ tinh xảo hơn. Các mẫu hoa văn truyền thống nếu được vẽ kỹ và dệt đúng kỹ thuật, bao gờ cũng được chuộng. Nhưng bên cạnh đó, phải tạo ra hoa văn mới hợp với con mắt đương đại.

Thợ dệt phải luôn tìm cách nâng cao tay nghề, đồng thời phải nâng cấp kỹ thuật dệt, và mua máy dệt hiện đại hơn. Câu chuyện tấm vải dệt thủ công mới quý, quả là đúng khi nó được dệt đúng chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật của dệt tay. Nhưng dù có làm được thì giá thành sản phẩm sẽ cao, giá bán sẽ đắt khủng khiếp, nên chỉ phục vụ các dự án bảo tàng thôi. Hoặc để phục vụ một vài người lãng mạn và có tiền.

Quan trọng nhất là phải giảm giá bán. Không hiểu tại sao giá lụa tơ tằm của Việt Nam lại cao như vậy. Trong hơn 10 năm, từ khi tôi còn tham gia việc dệt lụa cho các công trình tái tạo trang phục cổ, cho đến nay, giá bán của cùng một loại vải lụa do cùng một xưởng dệt đã cao hơn 5 lần, dù chất lượng vẫn không tăng gì hơn 10 năm trước đó.

Trong khi ấy, cùng loại sản phẩm, nhưng giá của lụa các nước lại rẻ hơn nhiều. Thú thật là đã từ nhiều năm nay, tôi dùng sản phẩm dệt Hàn Quốc cho các dự án tái tạo trang phục của tôi. Vải của họ có mật độ sợi cao, với chỉ số sợi (số sợi tơ tằm trong một sợi dệt thấp, tức là của họ cao nhất là 20, trong khi lụa mình thường thấp nhất là từ 22 đến 28). Họ giữ nguyên keo sợi tơ tằm và nhuộm trước khi dệt. Hàng của họ vì vậy láng mặt, rất chắc, đều màu. Khi thêu hoa văn với nhiều đường chỉ nặng vẫn không kéo chùng vải. Nhưng giá thành thì chỉ khoảng chưa bằng nửa giá của mặt hàng do người mình dệt. Tôi khá buồn vì phải làm việc này, nhưng đây là chuyện bất khả kháng...

Tôi đã bàn với nhiều nghệ nhân dệt Việt Nam về tất cả các chuyện kể trên. Một vài người cố gắng. Nhưng chỉ được một thời gian rồi hầu như đâu lại vào đấy.

MINH TỰ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Việt Nam - Indonesia Điểm tựa Mỹ Đình
Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148
Return to top