ClockThứ Bảy, 23/06/2012 19:13

Hãy coi kỳ thi đại học, cao đẳng như bao kỳ thi khác

TTH - Sự căng thẳng và áp lực nặng nề là đều mà hầu hết các học sinh đều gặp phải khi kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đang đến thật gần. Để giúp các em giải tỏa tâm lý căng thẳng này và cảm thấy thoải mái, tự tin trong mùa thi sắp tới, Tiến sĩ Trần Văn Hiếu, Phó Trưởng Khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế, đã đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các em và cả các bậc phụ huynh:

Các em vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp phổ thông khá căng thẳng và vất vả. Các em đã được thử nghiệm sức mình cũng như những kỹ năng cơ bản đề làm bài thi; dựa vào kết quả thi của mình và kinh nghiệm đã đúc kết được để chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng cho kỳ thi. Hãy coi kỳ thi vào ĐH, CĐ như là một kỳ thi bình thường như bao kỳ thi khác mà các em đã tham dự ở trường phổ thông.

Sau 12 năm học hành vất vả ở trường phổ thông, bất cứ một học sinh nào cũng mong muốn có một cơ hội để học lên được một trường ĐH nào đó để mong có được một tấm bằng, để có thể kiếm được một công việc ổn định. Trong một xã hội coi trọng bằng cấp như Việt Nam thì việc mong muốn học lên ĐH của các em là một nhu cầu hoàn toàn chân chính và do đó, mọi học sinh đều nỗ lực học tập để hy vọng có thể thi đỗ ĐH. Tuy nhiên, không phải em nào cũng có đủ khả năng để có thể đạt được những kết quả thi tốt như mong muốn. Điều đó còn tùy thuộc vào học lực của các em và việc chọn lựa ngành thi, khối thi phù hợp với năng lực của mình.

Niềm vui sau khi làm tốt bài thi của các thí sinh mùa tuyển sinh vào Đại học Huế năm 2011

Trước hết, các em phải xác định rằng, việc thi đỗ vào ĐH không phải là một con đường duy nhất hay tốt nhất để bước vào đời. Nếu chọn được một nghề nào đó mà mình yêu thích và mình có năng khiếu thì có thể lập nghiệp bằng nhiều con đường khác nhau chứ không nhất thiết phải học ĐH. Trên thế giới có rất nhiều tỷ phú và nhiều người thành đạt không phải bằng con đường học ĐH. Có thể học ĐH bằng con đường thẳng, nhưng cũng có thể đi bằng đường vòng. Nếu không đỗ ĐH, các em có thể đi học CĐ, TCCN hay học nghề rồi sau đó tiếp tục học ĐH khi mình có điều kiện. Hoặc các em có thể chờ cơ hội năm sau cũng không muộn vì con đường học không bao giờ có điểm cuối và việc học không bao giờ là muộn cả. Có ý chí và nghị lực thì bất kỳ ai đều có thể học lên và nhận được tấm bằng ĐH, thậm chí bằng Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ.

Để có thể thi tốt, các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản của tất cả các môn mà các em dự thi. Nội dung thi ĐH bây giờ không khó và không đánh đố. Không nên học tủ, tập trung vào một số phần mà cần rải ra đều các nội dung trong chương trìnhTHPT, nhất là chương trình lớp 12. Vì vậy, ngay sau khi thi tốt nghiệp xong, các em cần có kế hoạch để tập trung ôn tập các môn mình dự thi sao cho có hiệu quả. Vấn đề không phải là bỏ thật nhiều thời gian và công sức để học ngày học đêm mà phải biết học một cách có phương pháp. Nên học xen kẽ các môn, rà soát lại nội dung các môn từ đầu chương trình đến cuối. Biết học kết hợp với nghỉ ngơi, thư giãn một cách hợp lý. Không học quá khuya hay quá nhiều giờ trong một ngày. Đừng quá lo lắng vì ngày thi đến gần mà bài học chưa hết hoặc tâm lý nặng nề là nhất thiết phải thi đỗ. Hãy coi thi ĐH như là một cuộc dạo chơi trong vườn hoa tri thức thì các em sẽ thanh thản học và đi thi một cách nhẹ nhàng.

* Có một thực tế là sự căng thẳng của các thí sinh không chỉ do khối lượng bài vở quá nhiều mà đôi khi do chính bố mẹ quá đặt nặng việc phải đậu vào đại học đối với con mình. Theo ông, bố mẹ cần làm gì để không tạo áp lực cho con?

Nhiều cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng về con cái và yêu cầu quá khắt khe đối với con cái trong việc học tập. Nỗi lo cho con là rất chính đáng, nhưng tạo quá nhiều áp lực cho con trong việc học không những không mang lại điều tốt lành cho con mà thậm chí lợi bất cập hại. Là đấng sinh thành, cha mẹ nên động viên, khích lệ con, nhắc nhở con và lo cho con cái về đồ dùng học tập cũng như việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày sao cho con có đủ sức khỏe để học và thi. Còn việc học như thế nào là do các con tự quyết định. Đừng áp đặt cho con cái những biện pháp mang tính cưỡng bức hay nói với con bằng những lời lẽ nặng nề mà tạo ra những bực bội hay sự căng thẳng không cần thiết và có thể dẫn tới những phản ứng bất lợi.

Bố mẹ cũng nên xác định rằng, con đỗ được vào trường ĐH là điều rất tốt nhưng không đỗ thì cũng không phải là điều quá tệ hại vì sẽ còn nhiều cơ hội và nhiều con đường khác để con có thể học lên và bước vào đời chứ không nhất thiết phải học ĐH. Hãy để cho con cái tự quyết định. Bố mẹ chỉ là người định hướng, người trợ giúp và là người đồng hành của con.

* Là người có hai con đã và đang học ĐH, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc giúp con ổn định tâm lý trong thời gian chuẩn bị thi?

Các con tôi cũng đã có thời kỳ lo lắng để làm sao có thể thi đỗ vào ĐH. Bố mẹ cũng rất lo toan để các con có thể thi đỗ vào ĐH. Tuy nhiên, là môt nhà giáo, tôi không bao giờ đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực cho các con bởi vì tôi hiểu về sức học và những nỗi vất vả, lo toan của chúng. Chúng tôi luôn tạo ra cho các cháu sự thoải mái trong việc học, trong sinh hoạt. Các cháu có thể lựa chọn thời gian học sao cho tốt nhất, có thể đi học thêm hay tự học. Vấn đề là đừng quá tạo áp lực là phải thi đỗ bằng mọi giá.

Những lời động viên của cha mẹ có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo tinh thần thoải mái và sự khích lệ cho con cái. Tôi thường nhắc nhở các cháu nhiều hơn về phương pháp học tập và động viên khích lệ chúng, tạo cho chúng niềm tin và sự hứng khởi cũng như sự quyết tâm học tập chứ không tạo áp lực là phải thi đỗ.

Cha mẹ cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho con trong thời gian ôn thi vì việc học thi tốn rất nhiều năng lượng và sự lo toan căng thẳng rất tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Trước những ngày gần thi, cần để các cháu được nghỉ ngơi thoải mái để có sức khỏe tốt và tinh thần thư thái bước vào kỳ thi.

* Lời khuyên của ông đối với các bậc phụ huynh khi con mình có những biểu hiện tâm lý khác lạ trong mùa thi như cáu bẳn, không ngủ được...?

Cũng có những trường hợp các em hay cáu gắt hoặc bực dọc, thậm chí có những biểu hiện stress do việc học căng thẳng hoặc do quá nhiều áp lực. Khi thấy các con có biểu hiện như vậy thì các bậc cha mẹ nên chia sẻ với chúng, nhẹ nhàng hơn khi nhắc nhở hay giao tiếp với chúng. Nhiều khi cũng cần có sự hỗ trợ của một số loại thuốc bổ cần thiết nhưng cần theo sự chỉ dẫn của bác sỹ hoặc những thức uống giàu vitamin. Cần có những lời khuyên nhẹ nhàng để con có thể kết hợp học và nghỉ ngơi, nghe nhạc, xem phim, đi dạo, đi ngủ khi thấy việc học không có hiệu quả hay khi đã quá mệt mỏi.

Trẻ chỉ học tốt và thi tốt khi có một trạng thái tinh thần thoải mái và ý thức tự giác cùng với sự nỗ lực ý chí. Bố mẹ hãy đặt niềm tin vào con trẻ và cùng đồng hành giúp trẻ vượt qua những khó khăn, vất vả để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi CĐ, ĐH sắp tới.

*Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hà (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Return to top