ClockThứ Sáu, 14/01/2022 06:02

Hãy dừng ngay thói ngông cuồng, loạn ngôn

TTH - Phỉ báng tiền nhân, xem thường lịch sử, trong mắt người đời đó chỉ là những kẻ vô ơn và thiếu giáo dục.

Văn miếu Hà Nội - Nơi đang lưu giữ 82 tấm bia tiến sĩ thời Lê - Mạc

Đầu giờ chiều, vào Fb lướt một vòng coi thiên hạ có thông tin gì lạ. “Cõi phây” - như một số người vẫn gọi - thường có vô số thông tin. Hay, lạ, bổ ích… rất nhiều; nhưng cũng lắm những tin xấu, độc, tin giả, tin đểu…, đòi hỏi người “lang thang trong cõi” phải cực kỳ tỉnh táo, hiểu và biết chọn lọc, nếu không thì vô cùng “hại não”, hoặc vô hình chung sẽ biến mình thành cái loa đi phát tán không công cho những thông tin tào lao, phục vụ cho ý đồ, mục đích thiếu thiện chí nào đó.

Hôm nay, một đề tài bàn về giáo dục trên trang một vị cựu ký giả của một tờ báo lớn. Đang sống trên vùng đất được mệnh danh là đất học nên các vấn đề về giáo dục thường khiến tôi quan tâm. Dừng lại xem ký giả này viết cái gì thì thấy ông phang phương pháp giáo dục của nhiều vị phụ huynh cũng như của giáo dục nước nhà. Những khiếm khuyết được lôi ra mà phang cũng chẳng có gì lạ, chủ yếu là nhai lại chuyện ép học, chạy theo thành tích, chuộng lý thuyết, bằng cấp… đại thể thế. Đọc dạng ý kiến như thế, thú thật, đôi lúc tôi ngẫm ngợi, thấy nó cũng có cái gì đó giông giống dân xem bóng đá. Ngồi xem và phán cứ như thánh. Khen cầu thủ này, chê cầu thủ kia. Phê huấn luyện viên sao mà kém thế, đấu pháp quá tầm thường. Sao không đưa cầu thủ này vào, thay cầu thủ kia ra, không áp dụng sơ đồ chiến thuật X,Y, Z… Nghe họ ầm ĩ đôi lúc dễ bật cười thành tiếng. Huấn luyện viên hóa ra đầy đường cả đấy, sao bóng đá nước nhà cứ phải đi tìm, đi thuê cho hao công tổn phí nhể?!!

Nhưng thôi, chuyện ý kiến ý cò, đó là quan điểm, chính kiến, quyền tự do của mỗi người, để tâm sao xuể. Dẫu vậy, dù với một tâm thế rất dửng dưng, tôi cũng không thể nào chịu nổi khi vị cựu ký giả kia tranh thủ ý kiến của mình đã chốt hạ một nhận xét hết sức báng bổ, hết sức vô ơn với tiền nhân tiên tổ: “Từ khi có nền giáo dục khoa cử, lịch sử nền giáo dục nước nhà không để lại thành tựu gì đáng tự hào. Bằng chứng là: Tất cả các vị tiến sỹ được dựng bia trong Văn miếu quốc tử giám không có một người nào làm nên công tích gì cho đất nước. Thời hiện tại, Việt Nam có trên 30 ngàn tiến sỹ, nhưng có rất ít tiến sỹ thực sự là nhân tài”. Tôi đã run người toát mồ hôi khi đọc cái nhận định rất bạo phổi của ông cựu ký giả này. Chẳng hiểu ông ấy kiến thức bao nhiêu, đứng ở tầm cao nào mà dám tự tin buông lời nhận định như thế?!! Thử hỏi, trong 82 tấm bia vẫn còn lưu giữ được ở Văn miếu, ông đã biết, đã đọc đủ tên của những người được khắc tên trên đó chưa mà dám phủ định sạch trơn: “Tất cả các vị tiến sỹ được dựng bia trong Văn miếu quốc tử giám không có một người nào làm nên công tích gì cho đất nước”!

Được dựng trong thời gian gần 300 năm (từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41), khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 đến năm 1779, 82 tấm bia còn lưu giữ tại Văn miếu Thăng Long khắc họ tên, quê quán của hơn 1.300 tiến sĩ các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Trong đó có 18 Trạng nguyên, 21 Bảng nhãn và 33 Thám hoa. Chưa tính các ngôi vị khác, chỉ tính Trạng nguyên thôi, những cái tên như Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực (Khoa thi (KT) 1442), Trạng Lường Lương Thế Vinh (KT 1463), Tam nguyên Phạm Đôn Lễ (KT 1481), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (KT 1535)… chẳng lẽ dưới mắt vị cựu ký giả nọ cũng đều là hư danh, không đáng kể?!!

Nguyễn Trực - trạng nguyên đầu tiên của nhà Hậu Lê, đồng thời là người đầu tiên có tên trên văn bia. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, 12 tuổi, tài văn thơ đã khiến nhiều người phải nể phục. Năm 1442, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Đệ nhất danh (Trạng nguyên); được nhà vua ban sắc “Quốc Tử Giám thi thư” và ban thưởng Á Liệt Khanh, đứng đầu trong số 33 tiến sĩ cùng khóa. Ông được trọng dụng và liên tục nắm giữ những chức vụ quan trọng trong triều. Trong một lần đi sứ Trung Quốc, gặp đúng dịp thi Đình, muốn cho triều đình nhà Minh biết tài học của dân ta, Nguyễn Trực cùng phó sứ Trịnh Khiết Tường ứng thi và một lần nữa đỗ Trạng nguyên khiến người Minh phải thán phục, tôn xưng ông là Lưỡng quốc trạng nguyên. Làm quan, Nguyễn Trực không chỉ nổi tiếng với kiến văn sâu rộng, mà còn là vị quan khiêm nhường, liêm khiết. Ông đã sống, hành xử đúng với triết lý mà ông đã hạ bút khẳng định trong bài thi của mình tại khoa thi Đình năm 1442 “Luận về phép trị nước của các vương triều”: “Vua sáng tôi hiền thì nước sẽ thịnh, vua không sáng tôi không hiền thì nước sẽ suy vong”. Cốt cách như thế, làm rạng danh nước nhà như thế không lẽ trong mắt ngài cựu ký giả vẫn là chưa “làm nên công ích gì”?

Rồi Lương Thế Vinh - một nhà toán học, Phật học, chính trị gia thời Lê sơ và là một trong 28 nhà thơ của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập năm 1495; Người đã khiến cho sứ thần nhà Minh là Chu Hy phải ngửa mặt lên trời than: "Nước Nam quả có lắm người tài!" chẳng lẽ cũng không đáng để vị cựu ký giả kia xem ra gì?

Và nữa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhân vật được đánh giá là “có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam thế kỷ 16; là cây đại thụ văn hóa dân tộc; được sử sách và người đời thừa nhận rộng rãi với tư cách là một nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài với tầm nhìn địa chính trị đi trước thời đại nhiều thế kỷ” cũng bị vị cựu ký giả nọ xem là không đáng kể?!!

Xin hãy dừng ngay cái thói ngông cuồng, ỷ mình có chút khả năng viết lách để rồi muốn nói gì thì nói, muốn phán gì thì phán. Phỉ báng tiền nhân, xem thường lịch sử, trong mắt người đời đó chỉ là những kẻ vô ơn và thiếu giáo dục, không hơn không kém!

Bài, ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cái giá của sự ngông cuồng

Một người tự tay tưới xăng đốt nhà người khác. Một người kích động, “đổ thêm dầu vào lửa”. Người còn lại biết chuyện, không can ngăn, còn đưa chìa khóa xe máy cho bạn chở xăng đi gây án. Cả 3 phải ra hầu tòa trong “vai” bị cáo với nhiều hệ lụy.

Cái giá của sự ngông cuồng
Return to top