ClockThứ Ba, 11/07/2017 14:12

Hết lòng vì người có “H”

TTH - Vững chuyên môn, có được y đức giúp người thầy thuốc làm tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe người bệnh; đặc biệt bệnh nhân nhiễm “H” . Bác sĩ CKI Thân Thị Mỹ Dung, Trưởng khoa Tư vấn Điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thừa Thiên Huế (trung tâm) là một người như thế.

Chỗ dựa tinh thần cho người nhiễm “H”

Biết chị Dung từ lâu, nhưng khi hỏi công việc cá nhân chị đều lẩn tránh vì ngại nói về bản thân. Không riêng tôi mà đồng nghiệp của chị đều nhận định, bác sĩ Dung là người vui vẻ, thân thiện. Chính yếu tố đó mà chị đã trở thành người tâm giao khi bệnh nhân đến khám, điều trị tại trung tâm. Chị Dung từng công tác tại Bệnh viện tỉnh Vĩnh Long. Vì lý do gia đình, năm 2005 chị chuyển về công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Năm 2007, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Thừa Thiên Huế thành lập, chị chuyển sang làm việc và gắn bó đến hôm nay.

Chị nói: “Họ là những con người dễ mặc cảm, tự ti. Những người xung quanh phải thấu hiểu, thực sự quan tâm về họ”. Theo chị Dung, có những trường hợp chưa phát bệnh thì không đến khám vì tâm lý e ngại và suy nghĩ nếu phát hiện nhiễm “H” sẽ bị cộng đồng xa lánh. Vì những suy nghĩ ấy, bác sĩ ở trung tâm phải là người đồng hành, luôn gần gũi lắng nghe, chia sẻ và đặt ra nhiều tình huống để giải thích cho bệnh nhân hiểu về căn bệnh, tạo niềm tin để họ đến khám và điều trị. Gần 10 năm nay, chị Dung trở thành người bạn tâm giao, gần gũi khi tư vấn điều trị hàng chục bệnh nhân trở lại trạng thái ổn định, hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, ngoài vai trò tư vấn, điều trị “H” trên địa bàn, chị Dung cùng các đồng nghiệp tích cực tìm hiểu thực tế, trao đổi để triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ đến các hoạt động can thiệp, chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm “H” hiệu quả. Chị còn trở thành đầu mối liên hệ, giúp những người có “H” tham gia các hoạt động cộng đồng, như giới thiệu những người bị nhiễm “H” vào các Câu lạc bộ “Giáo dục viên đồng đẳng”, “Bạn giúp bạn” và “Nhóm từ thiện tôn giáo” tại TP. Huế... Chị Dung từng cùng với “Nhóm từ thiện tôn giáo” TP. Huế can thiệp một số trường hợp trẻ em bị nhiễm “H” không được đến trường do sự kỳ thị. Chị còn tham mưu lãnh đạo trung tâm can thiệp với các sở, ngành chức năng đưa nhiều trẻ hoàn cảnh nghèo, nhiễm “H” đến trường...

Công việc thầm lặng

Chị Dung kể, có trường hợp cách đây chừng bốn năm một em nữ sử dụng ma túy mà bố mẹ không biết vì mải lo mưu sinh. Khi phát hiện con bị nhiễm “H”, người bố chết lịm và người mẹ phải bỏ việc đưa cô bé đến trung tâm chữa trị. Có lần, mẹ bận, cô bé xin tiền mẹ bảo là đi xét nghiệm nhưng lấy đi tiêu xài.  Khi biết việc xét nghiệm tại trung tâm là miễn phí nên người mẹ la rầy cô bé vì nói dối. Chuyện vậy thôi nhưng cô bé nằng nặc đòi gặp chị Dung để “xử lý” vì cho rằng tại sao nói dịch vụ xét nghiệm HIV tại trung tâm là miễn phí. Bình tĩnh khuyên giải, từ từ cảm hóa và đến nay cô bé đã xem chị Dung như người mẹ thứ hai của mình.

Một cán bộ ở trung tâm kể trường hợp khác làm chị Dung dằn vặt. Đó là một giáo viên nghi nhiễm “H” từ chồng (vì chồng mất do nhiễm H trước đó). Mặc dù cô này biết mình nhiễm “H” nhưng không thừa nhận. Hay tin ấy, chị Dung đến nhà thuyết phục, giãi bày với mong muốn mang lại những điều tốt lành cho cô giáo. Không đáp lại lòng tốt của chị Dung, cô này đã phản ứng, lớn tiếng, đe dọa đòi kiện chị Dung vì làm ảnh hưởng đến uy tín. Dù nhận những lời phỉ báng, chị Dung vẫn cảm thấy xót xa, thương cảm người phụ nữ đang đứng trên bục giảng nên vẫn kiên nhẫn lui tới để thuyết phục. Hai tháng sau, cô ấy đã đến trung tâm và tìm gặp chị Dung để chia sẻ, điều trị “H”.

Rất nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm “H” mà chị Dung đã gặp, đón nhận và gieo vào tim để rồi bằng chữ tâm và chuyên môn của mình đã giúp họ hướng đến ngày mai tươi sáng. Điển hình, như các anh P., anh A. ở TP. Huế, chị S. ở Phong Điền... nhờ sự quan tâm, chăm sóc tận tình của chị Dung giờ họ trở thành những tuyên truyền viên phòng, chống “H” trên địa bàn và xây dựng  cuộc sống gia đình ổn định

Làm việc trong môi trường có nguy cơ bị lây nhiễm “H” cao nhưng chị Dung chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, dù bạn bè, người thân có “lời ra tiếng vào”. Chị nói: “Có lẽ nghề đã chọn mình. Vì bệnh nhân “đặc biệt” nên mình đã quên đi tất cả”. Những suy nghĩ ấy đã trở thành sức mạnh giúp chị Dung tiếp tục “đồng hành” với những bệnh nhân có “H” trên địa bàn.

Minh Văn  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

400 y bác sĩ hiến máu tình nguyện đầu năm

Ngày 3/1, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phát động chương trình “Blouse trắng – Trái tim hồng”. Gần 400 cán bộ, viên chức đơn vị đăng ký tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu tình nguyện.

400 y bác sĩ hiến máu tình nguyện đầu năm
Tấm lòng nhân ái của những thầy thuốc tương lai

Đội Tình nguyện Vì bệnh nhân là một trong nhiều câu lạc bộ, đội nhóm sinh viên trực thuộc Đoàn Trường đại học Y Dược - Đại học Huế thành lập năm 2015 để giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn. Những hoạt động ý nghĩa như: Phát cháo tình nguyện, Đông ấm yêu thương, Trung thu cho em, Tết Thiếu nhi, Cùng em tới trường… đã góp phần nuôi dưỡng, phát triển tấm lòng nhân ái trong các bạn sinh viên trường và góp phần mang lại niềm vui cho những bệnh nhân nghèo.

Tấm lòng nhân ái của những thầy thuốc tương lai
Return to top