ClockThứ Sáu, 25/03/2016 05:55

Hết mình với công việc

TTH - Trẻ, năng động và nhiệt huyết với công việc là những gì chúng tôi cảm nhận khi tiếp xúc với trung úy Lê Thị Hương Sen, Giám đốc Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới loại 3.

Trung úy Lê Thị Hương Sen (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn học viên làm thủ tục học bằng lái xe

Trung úy Lê Thị Hương Sen kể, năm 2010, chị được nhận vào làm việc tại Trường cao đẳng Nghề 23 Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ của nữ quân nhân này là quản lý sinh, chăm lo chỗ ăn, ở, sinh hoạt vui chơi cho 1.000 học viên. Tiếp cận nhiều với học viên, chị nhận thấy cần thiết phải có thư viện để học viên cập nhật thông tin, nâng cao trình độ. Chị đã mạnh dạn đề xuất xây dựng một thư viện. Thấy đề xuất của chị đúng đắn, nhà trường đã đầu tư 50 triệu đồng mua các đầu sách cũng như tạo vị trí xây dựng thư viện. “Ngoài ra, tôi còn tranh thủ học hỏi các mô hình thư viện của các trường bạn, lặn lội đến thư viện các tỉnh xin thêm sách và tài liệu để có nhiều đầu sách phong phú”, Sen nhớ lại. Kết quả là từ chỗ nhà trường chưa có thư viện nay đã có một thư viện sách được bố trí khoa học, hợp lý với trên 10.000 đầu sách và một thư viện điện tử phục vụ nhu cầu đọc cũng như tra cứu tài liệu cho học viên. Chị Sen còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác như tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm và phụ trách các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của trường… Vị trí nào trung úy Lê Thị Hương Sen cũng tròn vai.

Năm 2014, trung úy Sen được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới loại 3, lúc chị mới 25 tuổi. Là thành viên trẻ nhất trung tâm, nhưng trong điều hành, quản lý, chị Sen luôn thể hiện được rõ năng lực bản thân. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bên cạnh không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch, chị còn đề ra chiến lược cụ thể để tăng tỷ lệ tuyển sinh. Đối với học sinh sinh viên, chị áp dụng hình thức hỗ trợ miễn phí tài liệu, hồ sơ. Chị cũng đích thân về tận các xã, phường để phối hợp tuyển sinh; tranh thủ các đợt sinh hoạt đoàn, kết nối với các đơn vị đoàn để tuyển sinh học viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học viên ở các vùng sâu vùng xa. “Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nếu chiêu sinh đủ học viên tôi sẵn sàng mở lớp đào tạo và sát hạch tại chỗ để thuận tiện cho người dân”, Sen chia sẻ. Nhờ vậy, năm 2015, trường giao chỉ tiêu cho trung tâm đào tạo và sát hạch 5.000 học viên,  nhưng trung tâm đã đào tạo được 5.500 chỉ tiêu, vượt kế hoạch đề ra.

Cùng với công tác chuyên môn, trung úy Lê Thị Hương Sen còn là một thành viên tích cực trong phong trào Đoàn của Trường cao đẳng Nghề 23. Là ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường, chị tích cực tham gia tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút sự tham gia đông đảo của ĐVTN trong chi đoàn. Chị luôn chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh không may trong cuộc sống. Hàng năm, chị đều trích một phần thu nhập của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh éo le. “Được mang lại niềm vui cho những hoàn cảnh không may trong cuộc sống với tôi là niềm hạnh phúc”, chị Sen chia sẻ.

Thượng tá Lê Văn Thạnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề 23 đánh giá: Trung úy Lê Thị Hương Sen là điển hình của thế hệ trẻ hết mình trong công tác chuyên môn lẫn hoạt động đoàn thể, mạnh dạn điều hành mọi công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước công việc. Chị đã tham mưu cho Ban giám hiệu nhiều sáng kiến hay trong công tác tuyển sinh sát hạch cũng như trong tuyển sinh bộ đội xuất ngũ học nghề”.

Kiều Lâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top