ClockThứ Năm, 13/08/2015 17:35

Hiểm họa cho trẻ lao động đường phố

TTH - Những cô cậu bé chừng 8 đến 10 tuổi, gầy gò, đen đủi, hàng ngày rong ruổi khắp nơi cho cuộc mưu sinh. Hiểm nguy rình rập khi bị kẻ xấu tấn công, đánh đập, bạo hành. Cải thiện sinh kế cho bố mẹ có trẻ lao động sớm và giúp trẻ tự bảo vệ bản thân khi đi bán hàng dạo là việc làm cần thiết.

Trao đổi sách giáo khoa trong những buổi sinh hoạt

Lao động chính

Tầm 5 giờ chiều, ở các quán ăn trên đường Tố Hữu, Trịnh Công Sơn, Triệu Quang Phục, Hai Bà Trưng... (TP Huế) thường xuyên xuất hiện cảnh đám con nít nằn nì khách mua đậu, kẹo cao su, vé số. Nhiều gia đình có 4 đến 5 người con cùng đi bán dạo. Có em chừng 5 - 6 tuổi.

Theo khảo sát của Trung tâm Phát triển cộng đồng và công tác xã hội, ở TP Huế hiện có 145 em đang phải lao động kiếm sống. Trong đó, có đến 78% trẻ em hàng ngày lao động trên đường phố, số còn lại làm theo thời vụ. Đa phần, các em làm việc từ 5 đến 8 giờ/ngày, nhưng có khoảng 30% trẻ em phải làm việc trên 8 giờ/ngày. Các em đi làm thuê cùng ba mẹ ở chợ Đông Ba, chợ Bãi Dâu… Hàng ngày, các em phải đi bộ cả chục cây số, vất vả kiếm sống nhưng mức thu nhập thấp, từ 650.000 đồng đến dưới 2, 4 triệu đồng/em/tháng.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến trẻ lao động sớm do đa phần các em đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở các phường Phú Hậu, Hương Sơ, Phú Hiệp, Vỹ Dạ, An Cựu. Khi lên bờ tái định cư, họ không có việc làm ổn định, với những công việc như đánh cá, xe ôm, bán vé số, lượm rác…nên thu nhập bấp bênh. Điều đáng nói, trong số 145 trường hợp được khảo sát, có đến trên 440 anh chị em ruột, tính trung bình mỗi gia đình có đến 4 - 5 con. Gần hai phần ba trẻ (chiếm 63%) chưa bao giờ đi học hay đã bỏ học do sinh kế không ổn định, con đông khiến bố mẹ quyết định cho con trở thành lao động đường phố. Anh Nguyễn Văn Nghĩa, một trong những phụ huynh có con lao động sớm ở Hương Sơ (TP Huế) bộc bạch: “Ngày trước, chúng tôi ở thuyền, chỉ quen làm nghề chài lưới nên khi tái định cư không tìm được việc làm phù hợp. Chúng tôi có nghề đạp xích lô nhưng con đông, thu nhập thấp, không đủ sống. Làm thợ xây thì được mùa nắng, mùa mưa thất nghiệp nên đành để con đi buôn bán, phụ giúp gia đình”.

Hiểm nguy rình rập

Chưa phát hiện tình trạng chăn dắt trẻ ở Huế. Tuy nhiên, có tình trạng nhiều gia đình chở con đến các hàng quán để bán hàng, đứng ngoài giám sát hoặc sau đó lại quay lại để chở các em về. Trẻ em đi lao động với người thân trong gia đình sẽ có cảm giác an toàn hơn trên đường phố so với các em đi một mình. Tuy nhiên, chính người thân vừa là người bảo vệ, lại vừa giám sát theo kiểu ép buộc trẻ khi lao động trên đường phố. Hệ luỵ của sự ép buộc ấy dẫn đến hậu quả khó lường. Cách đây không lâu, dư luận chấn động khi một đứa trẻ 7 tuổi, làm nghề bán kẹo cao su dạo bị anh rể đánh chết. Nguyên nhân trong khi “giám sát”, thấy em đùa giỡn và ăn đồ ăn của khách, lơ là công việc khiến anh ta tức giận nên trên đường về dừng lại ở công viên, đánh túi bụi, em ngã đập đầu, chấn thương sọ não và tử vong sau đó.

Không ít trẻ lao động sớm bị bạo lực về thể chất lẫn tinh thần. Con số khảo sát khiến nhiều người giật mình khi, trên 60% trẻ em lao động trên đường phố bị khách hàng, thanh niên lêu lổng và cả chủ quán nơi các em đến bán đánh đập. Khi bị bạo hành, các em thường chịu đựng hoặc quá lắm thì bỏ chạy vào nhà dân để được an toàn. Em N.N. L (Phú Hậu) cho biết: “Có một nhóm thanh niên thường đánh bọn em khi đi bán đậu qua địa bàn của họ. Mỗi lần chận lại, em phải đưa cho họ 30.000 đồng thì mới được đi. Có nhiều chủ quán ăn mỗi khi không hài lòng đều kéo bọn em vào phòng đánh tơi tả rồi mới thả ra”.

Chưa dừng lại ở mức độ bạo lực về tinh thần, thể xác, có 18% trẻ em lao động sớm và trẻ em đường phố cho biết, các em đã từng bị xâm hại và quấy rối tình dục; 10% trong số này bị quấy rối bằng lời nói, buộc phải xem các hình ảnh, phim khiêu dâm. Điều đáng nói, có 5/19 em từng bị xâm hại đã kể lại sự việc nhưng không nhận được sự giúp đỡ. Em T.N. A ở phường Hương Sơ (TP Huế) ấm ức: “Em học đến lớp 6 thì bỏ học. Nhà có 8 anh chị em thì có đến 4 người bán đậu phụng rang. Đi bán thì cái gì cũng gặp, giang hồ trấn lột, đánh đập, khách hàng chửi mắng, đe doạ, có người còn sàm sỡ. Em thấy sợ khi đi bán như thế này, muốn học nghề nhưng mẹ và chị bắt phải đi bán”. Và còn nhiều hiểm nguy khác đe dọa các em như tai nạn lao động, tai nạn giao thông khi đi làm việc.

Trang bị kiến thức để các em tự bảo vệ mình

Chừng nào sinh kế của gia đình có trẻ em lao động đường phố chưa được cải thiện, bố mẹ trẻ em chưa có năng lực bảo vệ và chăm sóc đầy đủ cho trẻ thì tương lai của trẻ đường phố vẫn luẩn quẩn nghèo khó. Giải pháp gốc rễ cần thực hiện là hỗ trợ cải thiện sinh kế cho bố mẹ, giúp đỡ các em học tập, học nghề và tạo việc làm. Đã có nhiều cuộc họp bàn giữa các ngành liên quan nhằm hạn chế tình trạng lao động đường phố. Mỗi ngành đều có sự trao đổi, chia sẻ, điều phối để sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Dự án viện trợ không hoàn lại “Vì một tương lai sáng hơn của trẻ em lao động đường phố tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do tổ chức Plan International tài trợ, thực hiện từ năm 2014-2017 với tổng vốn trên 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án không hỗ trợ ồ ạt, tùy theo nhu cầu thực tế của gia đình và phát huy tính tự chủ thoát nghèo của họ. Chẳng hạn, nhiều gia đình được mượn vốn để mở quán cà phê, đặt xe nước mía, mở quán ăn…và con cái sẽ là người phụ giúp bố mẹ buôn bán ngay tại chỗ. Những trẻ đến tuổi học nghề được tư vấn, định hướng học nghề và tìm cơ sở đào tạo phù hợp và tìm nơi tuyển dụng sau khi tốt nghiệp nghề. Đối với trẻ đang còn đi học và có nguy cơ lao động sớm, dự án đã thúc đẩy phong trào học tập trong cộng đồng và hỗ trợ học bổng để các em duy trì việc đến trường.

Ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội cho biết: Lực lượng bảo trợ viên trong vai những người bạn, gia sư đối với những em đang còn đi học để hỗ trợ, tư vấn các em trong quá trình kiếm sống. 145 trẻ lao động kiếm sống đều có hồ sơ quản lý chặt chẽ. Chúng tôi thường tổ chức những buổi sinh hoạt với các em lao động đường phố. Ngoài việc tập huấn kỹ năng từ chối và chống xâm hại, các em còn được xử lý các tình huống khi bị kẻ xấu trấn lột, bạo hành về tinh thần và thể xác.

Đường dây nóng và các điểm hỗ trợ gần nhất đã được thiết lập ở khắp nơi nhằm giúp các em có thể tìm đến bất cứ lúc nào khi bị đe dọa. Các tổ chức xã hội đã vận động chủ và người làm ở các cơ sở ăn uống, dịch vụ nơi trẻ em thường đến bán để họ tạo điều kiện cho trẻ em bán hàng. Qua đó, thúc đẩy họ thành một kênh giúp đỡ trực tiếp cho trẻ em. Ngoài ra, các cơ quan ở địa phương đã sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ hiệu quả hơn cho lao động đường phố. Lắng nghe trẻ em để bài trừ các tệ nạn trấn lột, cướp tiền/ hàng của trẻ lao động đường phố.

Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

TIN MỚI

Return to top