ClockThứ Ba, 22/06/2021 14:00

Hiểm họa từ những đàn bò thả rông trên đèo

TTH - Tình trạng trâu bò thả rông gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Trên các đoạn đường đèo như ở A Lưới, hiểm họa càng nhân lên gấp bội.

Nạn trâu, bò thả rông trên đường: Ngao ngánTrâu bò thả rong ở Khu đô thị mới An Vân Dương

Những khúc cua trên đèo, người đi đường có thể phải thắng gấp khi gặp đàn bò thả rông

Đổ đèo A Co tuyến Quốc lộ 49 từ hướng A Lưới – TP. Huế, nhiều lái xe không khỏi phen hú hồn khi qua những khúc cua, lại gặp phải đàn bò “đi tự do” giữa đường mà không có chủ chăn dắt. Anh Trần Ngọc, người dân đi cùng chiều thở dài sau khi kịp thắng xe: “Lạ đường, lạ đèo còn gặp thêm gia súc thả rông. Nếu chủ quan rất dễ xảy ra tai nạn”.

Thường xuyên lên A Lưới công tác, tình trạng trên cũng là chuyện người viết hay gặp. Không chỉ dừng lại ở con số một đàn mà nhiều hơn, ở các vị trí cách xa nhau trên đèo A Co. Những đàn bò trên di chuyển dọc tuyến đường để ăn cỏ. Đáng nói, do không có người chăn dắt, những đàn bò này thải chất thải ra đường vừa gây mất vệ sinh trên đường vừa mất an toàn cho người đi đường.

Đem câu chuyện trên kể với một cán bộ nông nghiệp của huyện, mới hay đó không phải là chuyện mới. Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới thừa nhận, tình trạng người dân đi làm lùa đi, đến chiều tối lùa về hoặc để trâu bò tự về là có thật, mặc dù huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xử lý. Việc tuyên truyền, nhắc nhở 2 năm nay tuy có mang lại hiệu quả, nhưng trên thực tế vẫn chưa giải quyết triệt để.

Theo đại diện UBND huyện A Lưới, tháng 5/2020, trước tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ 49, đường Hồ Chí Minh và một số vụ việc trâu bò thả rông gây thiệt hại về hoa màu, cây trồng, UBND huyện có văn bản đề nghị UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp tuyên truyền rộng rãi cho người dân; đồng thời rà soát, thống kê, cho ký cam kết không thả rông gia súc đối với từng tổ chức, cá nhân có chăn nuôi trên địa bàn, nhất là những địa bàn có các tuyến đường mà lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn cùng nhiều giải pháp khác. Giải pháp nhiều, nhưng nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân vẫn khiến vấn đề trên còn tồn tại.

Trung tá Lại Phước Lợi, Trưởng Công an huyện A Lưới trăn trở: “Thực sự nỗi lo mất an toàn giao thông là rất rõ. Công an huyện phối hợp với các lực lượng chức năng thường tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân rất nhiều lần nhưng để chấm dứt tình trạng trên là không dễ”. Theo lãnh đạo công an huyện và nhiều ngành chức năng ở A Lưới, đời sống của bà con vùng cao nghèo khó, dù có các quy định xử phạt nhưng vẫn ưu tiên hướng giải pháp vận động, tuyên truyền người dân.

Đưa ra chế tài xử phạt với người dân nghèo là quyết định rất khó, nhưng để tình trạng trên tồn tại lại tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ngoài biện pháp tuyên truyền mạnh, rõ ràng cần những nghiên cứu những giải pháp hiệu quả hơn, đặc biệt là những biện pháp mà huyện A Lưới từng đặt ra là quản lý chặt chẽ gia súc trên địa bàn như gắn tên vào trâu bò để xác định quyền sở hữu của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức chăn nuôi; làm chuồng, trại tạm giữ trâu bò tại một số địa bàn có nhiều trâu bò thả rông để xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Có những chế tài ở mức hợp lý, đủ làm người dân “giật mình” với cái sai thì mới thuận lợi đẩy lùi cái chưa tốt.

A Lưới cũng cần tổ chức tốt hơn các mô hình tự quản giám sát việc thả rông trâu bò để thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở. Kịp thời nêu gương tốt, phê phán các trường hợp vi phạm và cố tình vi phạm tại các buổi sinh hoạt thôn, xóm có thể cũng là giải pháp các địa phương huyện vùng cao cần làm quyết liệt hơn…

Bài, ảnh: M.Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm

Khu vực châu Âu vừa chứng kiến số lượng gia tăng các ca nhiễm chủng siêu vi khuẩn hypervirulent Klebsiella pneumoniae (hvKp) kháng kháng sinh, được dự báo sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong gia tăng, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trong một báo cáo.

ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm
Cảnh báo bỏng do pháo tự chế

Chỉ trong vài ngày, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 4 ca bị bỏng do pháo tự chế mua trên mạng internet. Trong số này, một trường hợp bỏng nghiêm trọng đang được lên kế hoạch phẫu thuật.

Cảnh báo bỏng do pháo tự chế
Cẩn trọng khi tham gia giao thông vào mùa mưa

Điều kiện thời tiết mưa gió, đường trơn trượt, tầm nhìn bị hạn chế... luôn tiềm ẩn những yếu tố ảnh hưởng đến an toàn của các phương tiện khi tham gia giao thông.

Cẩn trọng khi tham gia giao thông vào mùa mưa
Một trường hợp bị chó cắn nghiêm trọng

Chiều 1/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho biết vừa tiếp nhận tiêm chủng một bệnh nhi bị chó cắn nghiêm trọng với nhiều vết thương, trong đó có 5 vết thương sâu.

Một trường hợp bị chó cắn nghiêm trọng
Nguy hiểm với trò chơi xe điện tự chế

Những chiếc xe điện ba bánh, bốn bánh dành cho trẻ em, có vận tốc rất nhanh xuất hiện ngày một nhiều ở các công viên và các điểm vui chơi công cộng tại TP. Huế, gây nên nhiều mối lo, nguy hiểm cho chính các em và những người xung quanh.

Nguy hiểm với trò chơi xe điện tự chế

TIN MỚI

Return to top