ClockThứ Bảy, 03/09/2016 05:51

Hiện đại hóa lưới điện nông thôn

TTH - Chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện tận hộ dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005. Song, do còn nhiều vướng mắc nên nhiều năm qua công tác tiếp nhận gặp khó khăn. Trong hai năm 2015 và 2016, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (Công ty Điện lực), nhiều địa phương đã bàn giao lưới điện cho ngành điện đầu tư và tiếp quản, từng bước hiện đại hóa lưới điện nông thôn.

Thay công tơ điện tử sau khi tiếp nhận lưới điện tại thôn Phò Ninh (Phong An) 

Dân vui

Từ năm 1992, với mong muốn có điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, các hộ dân ở các thôn Thượng An, Bồ Điền và Phò Ninh, xã Phong An (Phong Điền) tự đóng góp kinh phí xây dựng đường dây đưa điện về nhà. Dù hệ thống điện chập chờn, không liên tục, song người dân hết sức vui mừng khi chuyển từ dùng đèn dầu sang điện. Năm 2003, HTX Dịch vụ điện Phong An ra đời và tiếp tục nâng cấp, đầu tư để hoàn thiện mạng lưới điện trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên nhiều năm qua, hệ thống điện trên địa bàn xã chưa được đầu tư, sửa chữa lớn nên một số công trình xuống cấp và hư hỏng.

Cuối năm 2015, Công ty Điện lực tổ chức tiếp xúc, làm việc với các HTX mua bán điện Phong An, Phong Sơn và UBND huyện Phong Điền đẩy nhanh các thủ tục tiếp nhận. Sau khi tiếp nhận, đơn vị đã thay thế 84,35km dây trần bằng dây bọc cách điện, tiếp tục đầu tư các nhánh rẽ và sửa chữa toàn bộ hệ thống đường dây, tạo vẻ mỹ quan và an toàn cho người dân. “Trước đây đường dây trần đi ngang qua nhà nên mỗi lần mưa bão người dân trong thôn rất lo lắng. Bởi, nếu cây đổ, dây điện đứt trong lúc người lớn không có nhà rất nguy hiểm đến tính mạng trẻ con. Từ đầu năm 2016 đến nay, ngành điện đầu tư thay mới toàn bộ hệ thống đường dây, công tơ điện nên chúng tôi rất yên tâm, trong khi tiền điện vẫn không thay đổi”, anh Hồ Văn Phúc ở xã Phong An nói.

Thay thế cột điện xuống cấp tại các xã Phong Sơn, Phong An sau khi tiếp nhận

Phó Chủ tịch UBND xã Phong An- Nguyễn Đôn phấn khởi: “Sau khi tiếp quản ngành điện, đầu tư thay thế và sửa chữa toàn bộ đường dây có bọc cách điện, thay thế cột điện đúng tiêu chuẩn, nên nguồn điện luôn ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các cơ sở xay xát và kinh doanh trên địa bàn xã”.

Tại xã Phong Hiền, mặc dù lưới điện được Công ty Điện lực tiếp nhận nâng cấp từ năm 2000, và hiện nay, DN vẫn tiếp tục đầu tư để từng bước hoàn thiện mạng lưới điện nông thôn theo hướng hiện đại hóa. “Không chỉ thay đổi phong cách quản lý, tác phong nhanh nhạy mà sau khi bàn giao cho ngành điện quản lý, cơ sở hạ tầng thay đổi hẳn, hiện đại và an toàn hơn trước. Giá bán điện được công khai với mức giá của Nhà nước, khi sự cố xảy ra, nhân viên ngành điện có mặt kịp thời để khắc phục nhanh và cấp điện trở lại”, bác Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Hiền Lương nói.

Phó Giám đốc Điện lực Phong Điền- Nguyễn Đức Dũng cho biết: “Sau khi tiếp nhận lưới điện tại các xã Phong An, Phong Sơn và Phong Hiền, đơn vị đầu tư 19,7 tỷ đồng, với khối lượng 53,18 km đường dây hạ thế, thay 830 cột điện, đảm bảo cấp điện an toàn và ổn định cho 5.647 khách hàng. Ngoài việc đầu tư cải tạo lưới điện, đơn vị tăng cường thêm đội ngũ công nhân, nhằm kịp thời xử lý các sự cố”.

Nâng cấp lưới điện

Khi có chủ trương của Chính phủ về việc ngành điện tiếp quản lưới điện nông thôn, toàn tỉnh vẫn còn tồn tại 8 tổ chức mua bán điện tổng dưới hình thức HTX và công ty cổ phần, với 11 xã và 2 thị trấn. Qua quá trình đàm phán với chính quyền các cấp tại địa phương, cuối năm 2014, Công ty Điện lực đã tiếp nhận lưới điện để bán điện tận hộ tại xã Lộc Tiến (Phú Lộc), với gần 2.500 khách hàng và xã Thủy Tân (thị xã Hương Thủy) với 1.200 khách hàng; đến năm 2015, triển khai tại hai xã Phong An và Phong Sơn. Đến thời điểm này, công ty đã thực hiện việc bán điện trực tiếp đến từng hộ dân nông thôn tại 143/152 phường, xã, thị trấn, đạt tỷ lệ gần 99%.

Nhằm hoàn thiện mạng lưới điện nông thôn, năm 2016, Công ty Điện lực tiếp tục đầu tư trên 133 tỷ đồng, xây dựng các công trình điện, triển khai sửa chữa lớn 19 công trình với 35,33 tỷ đồng, đồng thời triển khai các dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2016-2020, với tổng mức đầu tư trên 783 tỷ đồng.

Trước khi bàn giao lưới điện, hệ thống điện tại các địa phương xuống cấp nghiêm trọng, đường dây cũ nát, không đảm bảo chất lượng, cột điện tự đúc, không đúng tiêu chuẩn, vi phạm an toàn hành lang lưới điện diễn ra khá phổ biến. Tỷ lệ tổn thất trên lưới điện tăng đột biến, công tác tiếp quản và quản lý vận hành gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, Tổng công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực đã thực hiện đầu tư để sửa chữa lưới điện, trong đó thay hệ thống đo đếm, thay các dây dẫn bằng cáp vặn xoắn ABC có tiết diện phù hợp, thay các cột tự đúc không đảm bảo chất lượng.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực- Nguyễn Đại Phúc cho biết: “Với mục tiêu từng bước hiện đại hóa lưới điện toàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, công ty đầu tư 434 tỷ đồng xây dựng và cải tạo 170,26 km đường dây trung áp, 384 km đường dây hạ áp, 162 trạm biến áp và nhiều hạng mục công trình. Hiện, tất cả các xã do ngành điện quản lý đều đạt tiêu chí số 4 về điện với hệ thống lưới điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh doanh, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa của tỉnh.”

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2

Ngày 25/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hàn Quốc do Thượng nghị sĩ Quốc hội, thành viên Ủy ban Y tế phúc lợi, Ủy ban Phụ nữ và gia đình Quốc hội Hàn Quốc Choi Younsuk làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu cơ chế đầu tư giai đoạn 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ
DỰ ÁN KHU DU LỊCH SUỐI VOI:
Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai

Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai các hạng mục công trình, chứng minh năng lực tài chính. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành giai đoạn 1, 2 đưa vào hoạt động trong năm 2024.

Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai

TIN MỚI

Return to top