ClockThứ Ba, 20/08/2019 15:11

“Hiến kế” để kinh tế miền Trung “cất cánh“

Để kinh tế "cất cánh", miền Trung cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch, tăng cường liên kết, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng...

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công miền Trung - Tây Nguyên: Nhiều vấn đề cần tháo gỡTổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế miền TrungDu lịch miền Trung và Tây Nguyên phải đổi mới sáng tạoMiền Trung không chỉ có du lịch là thế mạnh

Phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra tại Bình Định sáng nay (20/8) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã nêu bật các thành tựu kinh tế, chỉ ra những tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế miền Trung, đồng thời đưa ra một loạt giải pháp để kinh tế miền Trung "cất cánh".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung tại Bình Định ngày 20/8. (Trong ảnh: Thủ tướng tới thăm gian hàng trưng bày sản phẩm trong khuôn khổ Hội nghị. Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, miền Trung là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đóng vai trò chiến lược trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045.

Miền Trung đã thu được nhiều kết quả quan trọng sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2018 và Quý II năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của vùng đã có những bước phát triển đáng kể. Kinh tế khởi sắc, phát triển khá đồng đều trong cả 14 tỉnh của vùng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng đạt khoảng 7,62%/năm , cao hơn so với bình quân chung cả nước, ông Dũng đánh giá.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt khoảng 10,36%/năm (cao hơn mức bình quân cả nước). Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Miền Trung đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ KHĐT cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế miền Trung như: Quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, động lực tăng trưởng của vùng còn yếu; Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng; Thu ngân sách chưa bền vững; Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu...

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 9 giải pháp để giúp tạo xung lực cho kinh tế miền Trung phát triển nhanh và bền vững:

1. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch Vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, trong đó lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm.

2. Tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển. Tập trung xây dựng các đô thị ven biển có điều kiện và lợi thế làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển và trở thành các trung tâm kinh tế của từng tiểu vùng.

3. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị...

5. Tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

6. Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ.

7. Sớm xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền Trung, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, tiến độ các công trình trọng điểm, dự án lớn...

8. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo vệ môi trường.

9. Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác phòng thủ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển.

Vùng miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được gắn kết bởi 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chiều dài bờ biển lên tới 1.900 km, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Kết cấu hạ tầng lớn được quan tâm đầu tư một cách căn bản với 9 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế, 14 nhóm cảng biển, trong đó có 8 nhóm cảng biển nước sâu loại I là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, sở hữu 11 trong tổng số 17 khu kinh tế ven biển của cả nước.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Nhiều dự án kinh tế cho nông dân

Hội Nông dân (HND) huyện Quảng Điền đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án kinh tế cho nông dân
Return to top