ClockThứ Năm, 07/03/2019 07:00

Hiện thực hóa điều ước của đoàn viên công đoàn

TTH - Có được nhà công vụ để nghỉ ngơi là mong ước của không ít giáo viên xa nhà, nhất là tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Với chương trình “Điều ước đoàn viên”, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã hiện thực hóa điều ước giúp xây mới nhà công vụ cho giáo viên Trường tiểu học, trung học cơ sở Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) và Hương Nguyên (huyện A Lưới).

Khởi công xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên Trường tiểu học và trung học cơ sở Xuân Lộc

Khởi công nhà công vụ cho giáo viên tại Trường tiểu học và THCS Xuân Lộc

“Cõng” chữ lên non

Sau cuộc “thiên di” cách đây hơn 20 năm từ vùng biên cương khắc nghiệt trở về cạnh Quốc lộ 41B, nay đời sống người dân xã Hương Nguyên đã bớt khó khăn hơn, con trẻ đều được đến lớp học chữ. Nhưng đằng sau niềm vui đó là những vất vả của các “kỹ sư tâm hồn” khi hàng ngày phải lặn lội đường xa để đưa từng con chữ đến với học sinh vùng cao.

Hơn 40 cây số là quãng đường cô giáo Trần Thị Thu Huế, giáo viên Trường tiểu học và THCS Hương Nguyên phải đi từ nhà tại phường Hương Sơ (TP. Huế) đến trường. Đều đặn mỗi ngày, cô Huế thức dậy từ lúc trời nhìn chưa rõ mặt người, chuẩn bị đi lên đường để đến trường kịp giờ dạy. Buổi trưa, cô chọn nghỉ ngơi tạm tại phòng họp để tiếp tục lên lớp vào đầu giờ chiều.

Không riêng trường hợp cô Huế, nhiều giáo viên cũng chịu cảnh ăn ở tạm bợ khi trường không có nhà công vụ. Với những giáo viên nhà cách xa hàng trăm cây số còn khó khăn gấp bội khi phải ở nhờ các hộ dân xung quanh.

Vượt qua khó khăn, thầy cô giáo Trường tiểu học và THCS Hương Nguyên vẫn tâm huyết với công việc dạy học tại vùng cao

Theo thầy Lê Văn Bôn, Hiệu phó Trường tiểu học và THCS Hương Nguyên, hiện trường có 24 giáo viên nhưng chỉ có 4 giáo viên người bản địa, còn lại đều có nhu cầu nghỉ trưa và ở lại nhà công vụ. Thực tế, có một nhà công vụ dùng chung cho giáo viên các trường tại xã Hồng Hạ, nhưng lại cách trường một con đèo hiểm trở, đặc biệt nguy hiểm khi di chuyển vào mùa mưa. “Việc xây dựng nhà công vụ tại trường là nhu cầu cấp bách, giúp giảm bớt khoảng cách đi lại cho giáo viên của trường; tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt để thầy cô an tâm công tác, giảng dạy”, thầy Lê Văn Bôn nhấn mạnh.

Dãy nhà tập thể tại Trường tiểu học và THCS Xuân Lộc được xây từ năm 1994, nhưng hiện cũng đã xuống cấp trầm trọng. Trường hiện có 55 giáo viên, trong đó có 28 giáo viên nữ. Đa số giáo viên ở thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc, TP. Huế, thị xã Hương Trà; chỉ khoảng 10 giáo viên có nhà tại địa bàn xã Xuân Lộc. Dãy nhà tập thể của trường có 8 phòng, trong đó 5 phòng bố trí hộ gia đình, còn lại 3 phòng phục vụ giáo viên ở lại trưa nghỉ ngơi. Phòng ở ẩm thấp, nắng nóng, mưa dột và không có công trình phụ.

Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng thầy cô giáo Đào Duy Quảng và Cái Thị Thu Trinh chia sẻ, đã gắn bó với trường gần 25 năm nay. Hai năm trở lại đây, vợ chồng cô Trinh được bố mẹ cho đất và chắt chiu dành dụm xây dựng được ngôi nhà nhỏ ở huyện Phú Lộc. Vậy là chấm dứt việc ở tập thể của cả gia đình 4 thành viên trong căn phòng chật hẹp này. Hiện đây là chỗ nghỉ trưa của 2 vợ chồng và một cháu bé học lớp 2 tại trường.

Chưa đủ điều kiện có nhà riêng, hai vợ chồng cô giáo Lê Thị Quế đều công tác tại trường vẫn ở trong căn phòng tập thể chưa đến 10m2 cùng con nhỏ. Trước điều kiện sống ngày càng xuống cấp, cô Quế và nhiều giáo viên khác đang từng ngày mong mỏi có thêm chỗ ăn, chỗ nghỉ tốt hơn, giúp cải thiện điều kiện sống.

Điều ước đầu tiên

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, bản thân đã không giấu nổi xúc động khi chứng kiến điều kiện sinh hoạt của một số thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh đã tiến hành khảo sát và vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội chung tay giúp đỡ. Đây cũng là điều ước đầu tiên mở màn cho chương trình “Điều ước đoàn viên” được LĐLĐ tỉnh triển khai vào cuối năm 2018.

“Khi chia sẻ ý tưởng xây nhà công vụ với các doanh nghiệp, tổ chức, nhiều đơn vị lập tức sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ bởi theo họ đây là việc làm có ý nghĩa cho thầy cô giáo đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại vùng sâu, vùng xa. Hai nhà công vụ được xây mới dịp này sẽ là “điểm sáng”, tạo tiền để cả xã hội cùng chung tay vào cuộc”, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương chia sẻ.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, nhằm chia sẻ khó khăn với các giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, công ty đã sử dụng nguồn quỹ do cán bộ, công nhân viên đóng góp để hỗ trợ 20 triệu đồng cho Trường tiểu học và THCS Xuân Lộc. Đây là trách nhiệm của công ty với cộng đồng, xã hội.

Đến dự lễ khởi công nhà công vụ Trường tiểu học và THCS Xuân Lộc vào một ngày cuối tháng 2 vừa qua, cái nắng gay gắt giữa trưa chẳng thể lấn át được niềm hân hoan của quý thầy cô giáo. Một thời gian ngắn nữa, đây sẽ là ngôi nhà khang trang, có đầy đủ công trình phụ giúp cô Trinh, thầy Quảng và những thầy cô giáo khác có chỗ để nghỉ ngơi tươm tất sau giờ dạy.

Cô Lương Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Hương Nguyên thì tâm sự: Sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức công đoàn và các đơn vị đã giúp hiện thực hóa “điều ước”, giúp cán bộ, giáo viên của trường có cuộc sống ổn định hơn để an tâm công tác.

Cuối tháng 2 vừa qua, nhà công vụ tại Trường tiểu học, THCS Hương Nguyên và Xuân Lộc đã được khởi công với kinh phí 70 triệu đồng mỗi nhà. Số tiền này do Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế, Công đoàn Dệt May Việt Nam, Công đoàn Dệt May Huế, Công đoàn Điện lực Thừa Thiên Huế… và các doanh nghiệp, tổ chức khác hỗ trợ.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên dương 840 học sinh con đoàn viên, người lao động

Sáng 21/7, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP. Huế tổ chức Lễ biểu dương và trao thưởng cho 840 em học sinh có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp năm học 2022-2023.

Tuyên dương 840 học sinh con đoàn viên, người lao động

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top