ClockChủ Nhật, 25/03/2018 10:06

Hiện vật gợi bao cảm xúc

TTH - Chiến tranh đã lùi xa 43 năm, song mỗi khi nhìn lại những kỷ vật của một thời binh lửa, lòng người càng thêm trân quý về giá trị của sự độc lập, tự do và hạnh phúc...

Hiện vật ở đầm Lập An có từ thế kỷ 14120 bảo vật triều Nguyễn: Châu về hợp phốTrưng bày những kỷ vật gốc về BácTriển lãm tranh tĩnh vật về “thức ăn chậm”Bộ sưu tập kỷ vật “Alice ở xứ sở thần tiên” được bán với giá 88.000 USD

Giới thiệu những kỷ vật đáng nhớ

Thăm Phòng truyền thống của Công an TP. Huế, trong số hàng chục bức ảnh, kỷ vật, chúng tôi đặc biệt chú ý đến chiếc túi của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Thị Lài dùng để đựng mìn đánh vào rạp Tân Tân ở đường Trần Hưng Đạo, làm chết và bị thương 64 sĩ quan và hạ sĩ quan ngụy năm 1971.

Đó là chiều 3/2/1971. Tuy Mỹ - ngụy bị đại bại ở đường 9 Nam Lào (Quảng Trị), nhưng chúng vẫn bày trò tổ chức chiếu phim và triển lãm, nhằm tuyên truyền chiến thắng giả tạo để trấn tĩnh tinh thần bọn sĩ quan, binh lính, cảnh sát tại rạp chiếu bóng Tân Tân. Thông qua mối quan hệ với tên Quang – Thiếu úy ngụy, AHLLVTND Nguyễn Thị Lài đã cùng Quang tới buổi liên hoan đó như một cặp tình nhân.

Tới cổng rạp Tân Tân, AHLLVTND Nguyễn Thị Lài được miễn mọi sự kiểm soát của bọn cảnh sát và quân cảnh. Sau khi cùng Quang đi qua một số phòng triển lãm, tới khu vực dành riêng cho bọn sĩ quan, cảnh sát, AHLLVTND Nguyễn Thị Lài đã bí mật đặt quả mìn vào một chỗ kín đáo, rồi tìm cách thoát ra ngoài. Khoảng 10 phút sau, quả mìn nổ làm rung chuyển thành phố.

Chỉ trong vòng một tháng, AHLLVTND Nguyễn Thị Lài đã trực tiếp đánh 2 trận vào nơi tập trung của bọn sĩ quan, binh lính cảnh sát ngụy trong TP. Huế, làm cho kẻ địch kinh hồn, khiếp vía và tổn thất nặng nề.

Chúng tôi dừng lại tham quan nơi trưng bày khẩu súng nhỏ của AHLLVTND Nguyễn Văn Trung sử dụng để tiêu diệt tên ác ôn Dương Quế, Nghị viện Hội đồng ngụy quyền tỉnh Thừa Thiên tại nhà riêng ở Nam Giao năm 1965. Chỉ là một khẩu súng nhỏ, nhưng lưu giữ biết bao kỷ niệm của AHLLVTND Nguyễn Văn Trung.

Những ngày tháng 3 này, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng đón nhiều người đến tham quan, tìm hiểu về những giá trị của lịch sử trong những ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế. Mọi người đã dừng lại rất lâu trước những vật dụng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của anh Bộ đội Cụ Hồ: chiếc võng Trường Sơn, đôi giày vải rách mũi, chiếc mũ cối bạc màu... gợi bao xúc cảm.

Không ít người đã lặng đi vì xúc động trước bản nhạc bướm (sổ nhạc chép tay rất nhỏ) – kỷ vật của chiến sĩ Nguyễn Văn Thắng. Cuốn sổ nhạc nhỏ xinh ấy mang trong mình câu chuyện tình yêu xúc động, là nỗi niềm, khát vọng của người lính. Trước khi hy sinh, chiến sĩ Thắng đã tặng cho người yêu là nữ thanh niên xung phong Tạ Thị Thêm cuốn sổ làm kỷ niệm. Trong hoàn cảnh chiến tranh khói lửa, năm 1969, Thêm đã nhờ ông Trương Minh Phương cất giữ. Sau này, ông Phương đã tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

“Ông nội em là liệt sĩ, nên em hiểu thế nào là giá trị của sự độc lập, tự do. Những ngày này, được thấy những kỷ vật của các thế hệ cha ông đi trước, càng thêm hiểu, thêm thấm thía những hy sinh mất mát nhưng rất đỗi tự hào của biết bao thế hệ để có ngày hôm nay. Đây là sự minh chứng thực nhất, hào hùng nhất của quê hương, đất nước”, chị Nguyễn Thị Na, sinh viên Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Huế tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975), cũng như các địa phương khác từ vĩ tuyến 17 trở vào, Thừa Thiên Huế là vùng đất do đế quốc Mỹ và tay sai kiểm soát, quản lý, nhưng cũng chính tại các nơi này, phong trào cách mạng của các tầng lớp Nhân dân luôn được duy trì và phát triển. Bên cạnh nhiều loại cờ của cách mạng đã được sử dụng để hiệu triệu mọi người đứng lên chống ngoại xâm, bảo vệ hòa bình, cờ của các tổ chức yêu nước, tổ chức quốc tế, hội đoàn, tôn giáo… còn có hệ thống cờ của đối phương mà ta đã thu được trong các trận đánh, tại các địa điểm mà chúng sử dụng hoặc cất giấu…

Để tiêu diệt được kẻ thù và thu những lá cờ này, quân dân Thừa Thiên Huế và bộ đội chủ lực đã phải vượt qua bao khó khăn, thử thách, kể cả sự hy sinh. Những trận tấn công vào đồn Mang Cá, căn cứ Phú Bài, Trung tâm Huấn luyện Đống Đa, cảng quân sự Thuận An, Tân Mỹ… đều là những trận đánh hết sức ác liệt, góp phần to lớn vào sự thắng lợi của chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế năm 1975.

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới

Hàng chục ngàn hiện vật với rất nhiều chất liệu, kích thước thuộc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang được đóng gói một cách cẩn thận chuẩn bị cho việc dời về địa chỉ mới ở số 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế.

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Return to top