ClockThứ Tư, 21/11/2018 09:20

Hiệp định CPTPP tác động ra sao tới các ngành hàng nông, thủy sản?

Là quốc gia có lợi thế tương đối về nông nghiệp so với hầu hết các quốc gia trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản.

Tham gia CPTPP: Việt Nam cần chủ động được nguồn nguyên liệuQuốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPPTuần này, Quốc hội thảo luận về báo cáo tham nhũng và phê chuẩn CPTPPHiệp định CPTPP giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trườngViệt Nam cần tận dụng cơ hội khi Hiệp định CPTPP được thông quaTham gia Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam ứng phó với tác động của kinh tế thế giới

Khách tham quan và tìm hiểu các mặt hàng xuất khẩu đồ gỗ. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Tuy nhiên, những rào cản thuế quan được dỡ bỏ, Việt Nam cũng có những sản phẩm sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn ngay ở thị trường trong nước.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả… chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đều được xem là sẽ có nhiều lợi thế khi Việt Nam tham gia CPTPP.

Điển hình gỗ, sản phẩm gỗ là nhóm hàng được đánh giá sẽ có lợi thế lớn nhờ CPTPP. Hầu hết các quốc gia trong CPTPP đều cam kết loại bỏ thuế quan đối với gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực. Điều này kỳ vọng sẽ có làn sóng tăng trưởng mới đối với các doanh nghiệp ngành này.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), với CPTPP cơ hội đối với ngành gỗ nhiều hơn là thách thức. Trong số 10 nước còn lại trong CPTPP, ngành gỗ Việt Nam đã có quan hệ lâu đời và có thị trường mạnh như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore… Những năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam cũng đã có quan hệ tốt với Canada, Peru, Chile… Kim ngạch xuất khẩu gỗ vào các nước này cũng rất lớn.

Rất nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu các sản phẩm gỗ về bằng 0 sẽ là lợi thế để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.

“Nhưng thuế với sản phẩm gỗ không quan trọng bằng các thiết bị chế biến gỗ cũng bằng 0. Đây chính là kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ với hiệp định này,” ông Quyền cho biết.

Ngoài ra, với CPTPP dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ được mở ra mạnh hơn. Trước đây, thường các nguồn vốn đến với ngành gỗ từ Trung Quốc nhưng nay Nhật Bản đã bắt đầu tìm đến Việt Nam để đầu tư.

Việc ký kết CPTPP cũng sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Peru, Mexico... Điển hình với mặt hàng cá ngừ, Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam nhưng không phải là thành viên của CPTPP. Như vậy, mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế về thuế so với hai nước trên tại thị trường lớn trong khối CPTPP.

Với mặt hàng tôm, đối thủ đứng đầu là Ấn Độ cũng không phải thành viên CPTPP nên đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh vị trí xuất khẩu hàng đầu.

Bên cạnh những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, cũng có các sản phẩm như chăn nuôi sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay chính tại thị trường trong nước. Các sản phẩm chăn nuôi của những nước có thế mạnh như Canada, Australia... sẽ khả năng ồ ạt vào Việt Nam. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chăn nuôi trong nước.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nếu không nhanh cải tiến và lựa chọn những sản phẩm lợi thế, đặc trưng để tập trung phát triển thì ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều bất lợi.

Bởi sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hiện có chi phí sản xuất cao hơn so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải thay đổi phương thức quản lý để hội nhập. Tận dụng việc giảm thuế các trang thiết bị phục vụ cho ngành chăn nuôi để làm giảm chi phí sản xuất.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, một trong những thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam là các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng họ sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan và có sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

Để xâm nhập và chiếm lĩnh được những thị trường giá trị cao và quy mô lớn như Nhật Bản, Australia… những nông sản Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu như gạo, càphê, tiêu, điều, thủy sản… cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh, an toàn thực phẩm để chiếm lĩnh được các thị trường này. Nếu không, dù thuế suất nhập khẩu của các thị trường này bằng 0%, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng không thể tiếp cận, mở rộng thị trường.

Theo các chuyên gia, với những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu cần thúc đẩy các hoạt động mở rộng thương mại, xúc tiến đầu tư giữa nhà đầu tư thuộc CPTPP với Việt Nam, giữa nhà đầu tư Việt Nam với đối tác thuộc các nước CPTPP để tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu.

Các ngành chức năng cần rà soát kỹ các ngành hàng dễ bị tổn thương như chăn nuôi, mía đường… để có những chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp người sản xuất giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, giảm thấp nhất thiệt hại khi phải cạnh tranh với nông sản từ các nước CPTPP.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, các điều kiện về kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và quy tắc xuất xứ sẽ là yêu cầu đầu tiên để nông sản Việt mở rộng thị trường. Do đó, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn chặt với các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm và chất lượng theo các cam kết.

Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với hàng ngoại thông qua việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng mạng lưới phân phối nội địa cũng như tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi từ chính sách Nhà nước.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu tác động không cân xứng đến phụ nữ nông thôn

Các cộng đồng nông thôn trên toàn thế giới đang phải vật lộn với những thách thức ngày càng tăng do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra. Khi thiên tai xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, các điều kiện môi trường ngày càng khắc nghiệt hơn, gánh nặng đối với những cộng đồng này càng tăng lên. Tuy nhiên, phụ nữ là người phải chịu gánh nặng nặng nề nhất từ những tác động này, bao gồm cả những tổn thất đáng kể về tài chính.

Biến đổi khí hậu tác động không cân xứng đến phụ nữ nông thôn
Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024

Ngày 25/2, UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức lễ ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024. Sau tiếng trống xuất quân, đoàn tàu đánh bắt xa bờ rẽ sóng ra khơi, với hy vọng một năm thắng lợi, tôm, cá đầy khoang.

Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024
Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Ngày 25/1, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp với UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức tuyên truyền một số quy định của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) cho ngư dân trên địa bàn.

Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Return to top