ClockThứ Ba, 29/03/2016 05:31

Hiểu để bảo tồn tốt hơn

TTH - Khảo sát và thống kê một cách đầy đủ nhất những di tích lịch sử, công trình có giá trị kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh... là cách mà thị xã Hương Thủy nỗ lực để bảo vệ những di tích, danh thắng trên địa bàn.

Tạo cơ sở dữ liệu

Tính luôn cả địa điểm chiến khu Dương Hòa (xã Dương Hòa) vừa được UBND tỉnh quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh vào đầu tháng 3 vừa qua, Hương Thủy có 12 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng. Tuy nhiên, với bề dày của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, Hương Thủy còn giữ trong mình rất nhiều địa điểm có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật khác chưa được công nhận. Để thuận lợi cho quá trình đề nghị công nhận, xếp hạng về sau cũng như xây dựng cơ sở thông tin cơ bản nhất về những địa điểm, công trình này, thị xã Hương Thủy triển khai thực hiện đề án “Khảo sát, thống kê hệ thống di tích lịch sử, công trình có giá trị kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật và danh lam thắng cảnh” trên địa bàn.

Giếng Đồng bên đường làng Thủy Lương

Với khoảng 150 di tích được rà soát, thu thập thông tin bằng tư liệu, hình ảnh, nhân chứng… , rồi viết lý lịch cho từng di tích. Đây không chỉ là cơ sở để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các cấp quản lý Nhà nước bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tốt hơn.

Ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa thị xã Hương Thủy, cho biết: Để bảo vệ được các giá trị văn hóa của địa phương, trước tiên chúng tôi cần phải biết rõ mình đang có gì. Mặt khác, qua việc này, chúng tôi cũng muốn báo cho chính quyền và nhân dân địa phương biết về sự hiện diện của một địa điểm, công trình có giá trị nào đó. Điều này sẽ hạn chế được sự xâm phạm đáng tiếc, cũng như tránh được những rắc rối về sau do thiếu sự kiểm soát, quản lý của chính quyền và Nhân dân.

Còn nhiều khó khăn

Khi chúng tôi có mặt tại giếng Đồng (làng Lương Văn, phường Thủy Lương) - một trong những công trình kiến trúc được khảo sát, ông Nguyễn Khanh đến bắt chuyện rất vui vẻ. Ông Khanh là một trong những hộ dân sống gần giếng Đồng nhất và được nghe ông, cha kể nhiều câu chuyện quanh chiếc giếng lạ kỳ này.

Giếng Đồng - ấy là cách gọi của người làng từ thủa xa xưa, khi giếng còn nằm riêng lẻ giữa cánh đồng mênh mông lúa. Còn nay, nơi ấy đã sầm uất cả một khu dân cư đông đúc, đường làng cũng đã chạy sát ngay bên nền giếng. Giếng có hình vuông, được ghép từ hơn 20 viên đá thanh cỡ lớn. Không ai biết cụ thể giếng ra đời từ năm nào.

Anh Trần Quang Vệ, cán bộ văn hóa phường Thủy Lương, nói thêm: Nghe kể thì biết giếng quý lắm, nhưng tất cả thông tin về giếng chỉ truyền miệng là chính mà chưa thấy có văn bản nào ghi lại. Chính vì thế, dù đã muốn lập hồ sơ cho công trình này từ lâu nhưng chúng tôi vẫn còn lúng túng.

Chia sẻ của anh Vệ cũng là một trong những khó khăn chung mà tổ công tác thực hiện đề án khảo sát, rà soát các địa chỉ lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa của Hương Thủy gặp. Theo ông Nguyễn Phương Toàn, công tác thu thập thông tin ở cơ sở gặp nhiều khó khăn do nhân chứng lịch sử đã già và dần ít đi. Bên cạnh đó, anh em ở cơ sở mỏng về lực lượng, kiến thức chuyên môn về vấn đề này không mạnh nên các phần việc cũng bị hạn chế.

Ông Toàn nhấn mạnh: Chúng tôi cố gắng tập trung sức lực để hoàn thành công trình đúng kế hoạch để có thể đề nghị các cấp xem xét công nhận đối với những địa điểm, công trình đủ điều kiện. Đối với những địa điểm, công trình chưa được thì sẽ sớm có kế hoạch cụ thể để bảo vệ.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Return to top