ClockThứ Năm, 05/08/2021 13:30

Hiếu, hỉ... online

TTH - Đám cưới tổ chức online từ xa, tương tự đám tang con cháu không thể về để tiễn biệt lần cuối… đó là những câu chuyện chỉ có ở mùa dịch COVID-19. Người dân cả nước nói chung và bà con Thừa Thiên Huế xa quê nói riêng, đang phải đối mặt trước những xáo trộn của dịch bệnh và hy vọng rồi đây mọi thứ sẽ bình yên trở lại.

Đám cưới online của cô gái Huế được tổ chức cùng lúc ba điểm cầu. Ảnh: NVCC

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, Uyên – cô gái Huế tốt nghiệp, ra trường vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Được chừng một vài năm, quen người bạn trẻ quê ở Đồng Tháp. Sau một thời gian tìm hiểu, cô gái 27 tuổi đã quyết định sẽ lên xe hoa về nhà chồng. Mọi thứ đã được hai gia đình chuẩn bị đâu vào đó, từ ngày giờ, mâm cỗ, lịch trình di chuyển, đặc tiệc, thiệp mời bà con, bạn bè… Thế nhưng, đùng đùng, dịch COVID-19 ập tới, họ buộc phải thông báo hủy.

Uyên kể, khu nhà trọ nơi cô và bạn trai bị phong toả, ở Đồng Tháp quê bạn trai cũng tạm hoãn các sự kiện tập trung đông người. Việc quay trở về Huế thời gian này cũng không thể, bởi các phương tiện dừng hoạt động, cũng như lời kêu gọi của chính quyền “ai đâu ở yên đó”. Sau một thời gian suy nghĩ, Uyên cùng bạn trai quyết định vẫn sẽ tổ chức đám cưới trước sự bất ngờ của nhiều người. “Nhưng mà đám cưới trực tuyến”, Uyên nói.

Cả hai cùng thông báo kế hoạch về hai gia đình trai, gái để ba mẹ hai bên chuẩn bị theo sự sắp đặt của con. Đến giờ, hai gia đình chuẩn bị lễ phẩm, mâm cơm… đặt trước bàn thờ gia tiên. Và chỉ với điện thoại thông minh có kết nối internet, ba đầu cầu lần lượt xuất hiện: đầu cầu Huế ba mẹ Uyên – đầu cầu Đồng Tháp, ba mẹ chồng Uyên – đầu cầu TP. Hồ Chí Minh – hai vợ chồng Uyên.

Hình ảnh lễ phẩm, mâm cơm được hai gia đình bày biện trước bàn thờ gia tiên khiến đôi vợ chồng Uyên xúc động. Lần lượt hai gia đình thông gia trò chuyện, nhắn gửi và chúc phúc cho con mình. Tiếp đó, rồi đôi trẻ tỏ lòng, nói lời cảm ơn ba mẹ trước khi chính thức thành vợ, thành chồng. “Xúc động nhất, với mình đó là thời khắc nhắn gửi của ba mẹ hai bên, chúc vợ chồng sẽ sống với nhau hoà thuận, trăm năm hạnh phúc, biết yêu thương, vun vén cho nhau. Đặc biệt, cùng nhau đi qua dịch bệnh, hẹn gặp nhau một ngày gần nhất”. Uyên cũng cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cô sẽ cùng chồng lần lượt về hai bên gia đình để tổ chức tiệc, mời bà con, họ hàng, bạn bè hai bên chung vui.

Tương tự, chàng trai trẻ 31 tuổi, Trần Quan quê ở Phú Lộc, hiện đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh cũng có một kỷ niệm có lẽ suốt cuộc không bao giờ quên, đó là cưới vợ mùa dịch bằng hình thích trực tuyến. Mọi lịch trình dù đã được chuẩn bị sẵn, nhưng do ảnh hưởng của dịch, nên Quan và vợ không thể trở về quê. Thay vì hoãn lại, Quan quyết định tổ chức cưới trực tuyến và mời nhiều người tham dự thông qua mạng xã hội.

Sau khi làm lễ, Quan cùng vợ được mọi người lần lượt chúc phúc và hứa tặng quà sau sau khi dịch yên ổn. Dù không tổ chức được lễ cưới hoành tráng, với hai cặp đôi nói trên đó cũng là một dấu mốc, kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời.

Khi bà của mình qua đời, Thủy cho biết rất đau xót, và muốn trở về quê ngay lập tức. Thế nhưng, Đà Lạt là nơi có dịch, và tình hình dịch bệnh ở Huế cũng đang phức tạp, các phương tiện gần như không di chuyển nên việc đi lại là không thể. “Mình chỉ biết cầu nguyện để bà ra đi thanh thản”, Thủy tâm sự.

Không riêng gì những người Huế ở xa, với những người Huế ở các tỉnh thành lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam… trong thời gian vừa qua vì dịch bệnh mà không thể về quê trong những dịp quan trọng. Anh Hữu Nguyên – một người quê Hương Trà đang sống và làm việc tại TP. Đà Nẵng kể rằng, những lần anh có việc quan trọng, muốn trở về nhà ngay lập tức lại trùng thời điểm dịch COVID-19. “Muốn về buộc phải cách ly, xong thời gian cách ly thì việc cũng qua mất”, anh Nguyên nói và cho biết, không còn cách nào khác ở yên tại chỗ cũng là cách đảm bảo an toàn cho chính mình, người thân và những người xung quanh.  

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi, đảo lộn mọi thứ. Và mọi người vẫn đang cố thích nghi để vừa xoay xở với dịch, vừa có các biện pháp phòng, chống. Hy vọng rằng, rồi đây dịch COVID-19 sẽ được khống chế, cuộc sống sớm trở lại bình thường.

NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

TIN MỚI

Return to top