ClockThứ Bảy, 03/12/2022 07:00

Hiểu luật hơn qua phiên tòa giả định

TTH - Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) hai cấp của tỉnh đã tổ chức được gần 20 phiên tòa giả định (PTGĐ) với hình thức đổi mới, nhiều nội dung hấp dẫn, được chọn lọc kỹ càng, lôi cuốn người xem, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, học sinh, sinh viên.

Phiên tòa giả định về tội phạm bạo lực học đườngNói không với xâm hại tình dục trẻ em bằng phiên tòa giả địnhHiệu quả từ phiên tòa giả định

Các phiên tòa giả định thu hút đông đảo học sinh sinh viên tham gia

Chọn “trúng” và “đúng”

Mới đây, PTGĐ xét xử một vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) do Viện KSND huyện Phú Vang phối hợp với Tòa án Nhân dân cùng cấp tổ chức tại Trường THPT Hà Trung (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang) đã thu hút sự tham gia của hơn 600 học sinh và giáo viên nhà trường.

Tại phiên tòa, với “kịch bản” chi tiết được xây dựng phù hợp, cán bộ khối nội chính đã lồng ghép phiên tòa với việc tổ chức các câu hỏi đáp về Luật GTĐB, tập trung tuyên truyền về Luật GTĐB nhằm nâng cao ý thức của học sinh khi tham gia GTĐB. Thông qua PTGĐ đã góp phần nâng cao nhận thức của các em học sinh, nắm rõ hơn các quy định về pháp luật hình sự nói chung và Luật GTĐB nói riêng, là cảnh báo cho các em về hậu quả của hành vi vi phạm an toàn giao thông và các vấn đề liên quan, từ đó chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Nội dung tuyên truyền được xây dựng thông qua PTGĐ đối với địa bàn có tình hình tai nạn giao thông phức tạp. Tùy vào tình hình cụ thể của địa phương, nhà trường, Viện KSND 2 cấp của tỉnh chọn “trúng” và “đúng” những vấn đề nổi cộm, phát sinh được dư luận quan tâm để xây dựng kịch bản tuyên truyền sát đúng nhất. Việc tổ chức PTGĐ mới đây tại “điểm nóng” về ma túy trên đường Trần Huy Liệu, phường Đông Ba, TP. Huế là một ví dụ.

Tuyên truyền pháp luật qua phiên tòa giả định

Tại PTGĐ với nội dung “Mua bán trái phép chất ma túy” này, người dân sinh sống tại đường Trần Huy Liệu có dịp hiểu hơn sự nguy hiểm đặc biệt từ “cái chết trắng”. Điểm nhấn tại chương trình là sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là sự có mặt của một số thanh niên và đối tượng nghiện ma túy đến lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện của bản thân, qua đó nâng cao ý thức phòng, chống và hạn chế sự gia tăng loại tội phạm này cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư trong thời gian tới.

Theo Bí thư Đoàn Viện KSND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn Anh, khác với các hình thức tuyên truyền khác, PTGĐ được xây dựng kịch bản cụ thể, chi tiết với đầy đủ thành phần và diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự. Các vấn đề quan trọng của phiên tòa liên quan đến thủ tục tố tụng, yêu cầu đội ngũ Kiểm sát viên tham mưu kịch bản phải đầu tư “chất xám”, chắt lọc thông tin, nội dung trọng tâm, sát với tình hình tội phạm tại địa bàn, dễ hiểu và mang tính giáo dục cao, hướng tới đối tượng tuyên truyền là người dân và đoàn viên thanh niên.

Tiếp tục nhân rộng

Với nòng cốt là lực lượng đoàn thanh niên, Viện KSND hai cấp của tỉnh luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi những mô hình mới, triển khai nội dung tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng, địa bàn. Kiểm sát viên phụ trách hoạt động đã dày công nghiên cứu, xây dựng kịch bản chi tiết, có tính logic và gần gũi với cuộc sống. Vừa nhạy bén, vừa sáng tạo trong việc lựa chọn những vụ án nổi cộm, vừa cụ thể hóa các tình huống pháp lý phù hợp với tâm lý và khả năng tiếp thu thông tin của đông đảo người xem, kết hợp với dàn dựng video clip nội dung vụ án và trình chiếu tại phiên tòa.

PTGĐ là hình thức tuyên truyền mang tính tương tác cao, việc “mềm hóa” những quy định của pháp luật, đưa tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các bị cáo trong buổi xét xử, từ đó tránh những vi phạm tương tự. Đây còn là cơ hội để khán thính giả đưa ra các câu hỏi để được giải đáp trực tiếp tại chương trình, qua đó hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan đến chủ đề của phiên tòa, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Thanh Hải khẳng định, PTGĐ là một hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả rõ rệt, tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân một cách trực quan sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu. Đối với cán bộ kiểm sát trẻ, đây cũng là dịp để nghiên cứu sâu về chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Với hiệu quả thiết thực, thời gian tới, Viện KSND hai cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan trên địa bàn thực hiện nhân rộng mô hình này. Trong đó, xây dựng kế hoạch cụ thể bám sát đặc điểm địa bàn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể nhằm góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật đến nhiều đối tượng.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH-TUẤN ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực nghiệm hiện trường vụ án giết người tình rồi cướp tài sản

Ngày 9/4, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh thông tin, đơn vị vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiến hành thực nghiệm lại hiện trường vụ án giết người và cướp tài sản xảy ra tại Thôn La Khê Bãi, xã Hương Thọ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thực nghiệm hiện trường vụ án giết người tình rồi cướp tài sản
Chính trực và khách quan

Năm qua, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, là một trong 14 viện kiểm sát cấp tỉnh trên toàn quốc được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, là đơn vị duy nhất được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Chính trực và khách quan
Hiệu quả từ phiên tòa giả định

Phiên tòa giả định (PTGĐ) về tội “Cướp tài sản” do Hội Luật gia tỉnh và Chi đoàn Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh vừa tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Huế) là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, bổ sung những kiến thức pháp luật cần thiết cho hơn 600 học sinh.

Hiệu quả từ phiên tòa giả định

TIN MỚI

Return to top