ClockChủ Nhật, 11/09/2016 15:14

Hiệu quả, khách quan

TTH - Thông tin huyện Phú Lộc- đơn vị đầu tiên của tỉnh đầu tư, lắp đặt camera tại trụ sở 18 xã, thị trấn trên địa bàn để theo dõi phong thái làm việc của cán bộ, công chức, giúp lãnh đạo huyện có sự chỉ đạo kịp thời nhằm phục vụ người dân tốt hơn nhận được phản ứng tích cực của dư luận và được người dân kỳ vọng.

 

Thực ra việc dùng camera để giám sát các hoạt động nói chung và giám sát công chức nói riêng không phải là việc làm mới trên thế giới và Việt Nam. Cách đây khoảng chục năm, khi triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Hương Điền, tôi được ông Nguyễn Ngọc Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần HD (chủ đầu tư dự án) giới thiệu về hệ thống camera lắp đặt tại công trường. Dù có mặt tại công trường hay ở xa, lãnh đạo công ty đều có thể theo dõi, chỉ đạo công việc hiệu quả. Lúc đó tôi rất “mê’ cách đầu tư này và cứ nghĩ chỉ những đơn vị lớn mới đủ tiềm lực đầu tư và áp dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, điều hành doanh nghiệp. Nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chi phí đầu tư, hạ tầng mạng cũng như công tác quản lý không còn là vấn đề khó với các cơ quan, doanh nghiệp. Hiện một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh lắp đặt camera tại lớp học để giám sát hoạt động và phụ huynh có thể quan sát, theo dõi con từ xa; Cũng như không ít cơ sở kinh doanh, hộ gia đình đã đầu tư lắp đặt camera để giám sát an ninh, bảo vệ tài sản.

Riêng việc lắp đặt camera để giám sát cán bộ, công chức hiện chưa phổ biến, nhưng được một số địa phương áp dụng, như ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) triển khai từ năm 2012;  xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau); tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lắp đặt camera thí điểm ở một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh… Ở các địa phương, đơn vị lắp đặt camera theo dõi, hiệu quả đem lại khá tích cực. Đó là, cán bộ, công chức không còn đi muộn về sớm, làm việc riêng hay bỏ việc giữa chừng; phong cách, thái độ tiếp dân chuẩn mực và niềm nở, gần gũi với dân.  “Nhất cử, nhất động” ở cơ sở, biểu hiện gây phiền hà cho dân của cán bộ, công chức, lãnh đạo huyện đều có thể nắm và kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh để nâng cao hiệu quả công việc, xây dựng nền hành chính phục vụ công dân chứ không phải để ban phát, “hành là chính”.

Trong xu thế chung của phát triển và yêu cầu đổi  mới hiện nay, việc xây dựng một chính phủ kiến tạo và phục vụ là nhiệm vụ đặt ra từ Trung ương đến địa phương; trong đó, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp. Để đáp ứng yêu cầu trên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải đổi mới tư, cung cách làm việc để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Trong đó, trước hết cần có sự thay đổi nhận thức và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Giám sát việc làm này, ngoài người dân, doanh nghiệp có lẽ không gì hiệu quả, khách quan hơn các camera được lắp đặt tại các đơn vị, nhất là ở bộ phận thường xuyên tiếp xúc, làm việc với người dân. Đây là một giải pháp hữu hiệu góp phần phòng ngừa và hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao chỉ số cải cách hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Với hiệu quả thiết thực đó, việc đầu tư cho hệ thống camera giám sát tại các công sở chắc chắn sẽ được người dân hoan nghênh và ủng hộ, bởi những đồng tiền thuế của họ được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Tuy nhiên, camera giám sát cũng chỉ là một công cụ do con người điều khiển. Để nâng cao hiệu quả giám sát của camera, vấn đề quan trọng là người có trách nhiệm phải thường xuyên theo dõi camera, nhắc nhở, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức. Nếu không, camera chỉ là vật “làm cảnh”, lãng phí chồng lãng phí. Bên cạnh đó, để có cơ sở xử lý các sai phạm của cán bộ, công chức từ việc theo dõi bằng camera cần xây dựng cơ sở pháp lý đầy đủ và chặt chẽ cho công tác giám sát này và có chế tài mạnh, đủ sức răn đe đối với công chức sai phạm.

Hoàng Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Tăng hiểu biết cho người dân, nhất là đối tượng người yếu thế, người già, phụ nữ, các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa… về tài chính không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng giúp họ độc lập trong phát triển kinh tế, mà còn giảm thiểu được những rủi ro tài chính, nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính.

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Return to top