ClockThứ Tư, 27/05/2015 18:15

Hiệu quả mô hình tiết kiệm tự nguyện ở Hồng Quảng

TTH.VN - Nhận thấy đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều phụ nữ ở xã Hồng Quảng (A Lưới) đã cùng nhau xây dựng mô hình tiết kiệm tự nguyện, góp tiền xoay vốn, tạo kinh phí cho hội viên mở rộng sản xuất, chăn nuôi.

Cách làm đơn giản

Trở lại xã Hồng Quảng sau hơn hai năm, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay lớn ở mảnh đất vùng cao này. Đặt vấn đề, bà Lê Thị Khin, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) xã Hồng Quảng cho biết, sự thay đổi một phần nhờ hiệu quả của mô hình tiết kiệm tự nguyện.


Hai lần nhận vốn từ mô hình tiết kiệm tự nguyện, chị Hồng tập trung phát triển đàn gà để tăng thu nhập

Tháng 4/2013, trước mong muốn phát triển kinh tế nhưng hạn chế về nguồn kinh phí, nhiều phụ nữ ở địa phương bàn bạc và quyết định thành lập mô hình tiết kiệm tự nguyện, hằng tháng góp mỗi người 100.000 đồng, cho từng hội viên nhận theo hình thức xoay vốn liên tục. Mô hình được triển khai thành 2 tổ ở thôn 2 và thôn 4 có tổ trưởng quản lý và HLHPN xã hướng dẫn, tập huấn cách sử dụng vốn và quản lý sổ sách. Đến nay, số hội viên ở 2 tổ đã tăng lên gần 30 phụ nữ, nhiều người khác cũng đang có nhu cầu đăng kí.

Chị Hồ Thị Hồng, trú tại thôn 2, xã Hồng Quảng – hội viên của mô hình tiết kiệm tự nguyện phấn khởi: “Mô hình ni đơn giản nhưng được việc. Bỏ ra một số tiền lớn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi khó, nhưng mỗi tháng góp 100.000 đồng rồi đến lượt mình nhận lại hơn cả triệu thì có vốn để làm ăn. Cứ nghĩ đó là một khoản nợ phải trả, mỗi ngày mình cố gắng tự góp một ít từ bán rau, chuối để dành cuối tháng là có tiền đóng. Có mô hình như vậy dễ góp và có động lực cố gắng chứ mình tự dành dụm thì khó hơn”.

Hiệu quả

Đều đặn mỗi tháng một lần, căn nhà của các tổ trưởng quản lý mô hình trở thành nơi sinh hoạt của các chị em hội viên. Đa phần các phụ nữ tập trung nguồn vốn vào phát triển chăn nuôi nên khi sinh hoạt, đó cũng cơ hội để trao đổi cách làm ăn, chăn nuôi hiệu quả. Chị Hồ Thị Tanh, Phó Chủ tịch HLHPN xã Hồng Quảng, cũng là hội viên của mô hình tiết kiệm tự nguyện chia sẻ, nhờ số vốn từ mô hình, chị đem phát triển đàn gà giống, vừa có cái để ăn, nhưng cũng có gà bán kiếm thêm thu nhập.

“Từ khi mô hình này hoạt động, chị em có kinh phí mua gà, lợn, phân bón… để phát triển sản xuất. Bây giờ hầu hết phụ nữ ở hai tổ xoay vốn đã thoát nghèo, cuộc sống gia đình thoải mái hơn. Phụ nữ bây giờ được cầm tiền, quản lý chi tiêu trong gia đình, nhờ đó giảm được tình trạng bạo lực gia đình”, chị Tanh kể.

Tiêu biểu như chị Lê Thị Phước, tổ trưởng tổ xoay vốn thôn 4, nhờ nguồn vốn của mô hình tiết kiệm tự nguyện, chị đầu tư mua lừ, lái bắt cá ở sông suối, thu nhập có ngày lên đến 300.000 đồng. Chị tâm sự: “Trước đây thích nuôi con chi, trồng cây chi cũng chịu vì không có tiền. Từ ngày mô hình mở ra, chị em phụ nữ ở đây có vốn để tạo ra việc làm, có thêm thu nhập. Nhiều hộ tuy không giàu nhưng cũng đủ ăn, khá hơn lúc trước rất nhiều”.

Hai năm tổng kết, Hội LHPN xã đánh giá đây là mô hình hoạt động hiệu quả, các hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nhờ đó đem lại nhiều khởi sắc ở quê hương. Theo chị Tanh, xã Hồng Quảng có 6 thôn với tổng số 395 hội viên phụ nữ. Từ hiệu quả mô hình tiết kiệm tự nguyện này, HLHPN xã Hồng Quảng sẽ vận động để nhân rộng mô hình sang các thôn khác, góp phần tạo nguồn vốn để các gia đình phát triển kinh tế, đưa cuộc sống đi lên.

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Phó Chủ tịch HLHPN huyện A Lưới đánh giá: “Xã Hồng Quảng là địa phương có nhiều mô hình của phụ nữ hoạt động hiệu quả và nhiều gương phụ nữ tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Nhờ đó đã cải thiện chất lượng của sống của người dân”.

 

Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Return to top