ClockChủ Nhật, 18/12/2016 10:58

Hiệu quả tích cực sau một năm thi hành Luật hộ tịch

Luật hộ tịch là đạo luật quan trọng liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có văn bản ở tầm Luật để điều chỉnh riêng về lĩnh vực hộ tịch sau nhiều năm điều chỉnh bằng các Nghị định của Chính phủ.

Luật có nhiều điểm mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Luật quy định việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân và kết nối, cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả và thống nhất trên toàn quốc các quy định mang tính đột phá của Luật hộ tịch, Quốc hội đã quyết định dành thời gian hơn 1 năm để chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 59 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật hộ tịch. Thực hiện Kế hoạch này, Bộ Tư pháp đã khẩn trương triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai các bước xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

Hướng dẫn người dân tìm hiểu thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Qua năm đầu tiên triển khai cho thấy, Luật hộ tịch năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý để người dân được công nhận các quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân và để Nhà nước bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ, có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.

*Tổng hợp các vướng mắc từ thực tiễn

Qua một năm triển khai, theo đánh giá của Cục trưởng Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh công tác triển khai đăng ký hộ tịch đồng loạt diễn ra tại cơ quan đăng ký trên cả nước. Riêng năm 2016, qua đợt kiểm tra, hầu hết các địa phương đều phản ánh tính tích cực từ những quy định mới của Luật hộ tịch, đặc biệt là những địa phương ứng dụng phần mền đăng ký hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp.

Tính đến trung tuần tháng 12/2016, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) cho biết đã tiến hành đăng ký khai sinh mới cho 344.032 trường hợp, trong đó số đăng ký khai sinh được cấp số định danh cá nhân là 281.609 trường hợp.

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy công tác về đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử... được tiến hành bình thường không có vấn đề nổi cộm. Tuy nhiên trong đăng ký hộ tịch, phát sinh một số vướng mắc, cụ thể trong việc cấp giấy chứng nhận hôn nhân hiện đang nổi cộm hai vấn đề cụ thể, đó là trường hợp trước đây đã được cấp giấy để kết hôn với người nước ngoài ở nước ngoài nhưng giấy đó đã hết hạn hoặc không sử dụng, người dân đã bỏ đi, bây giờ có nhu cầu lại đề nghị cấp mới. Để bảo đảm thận trọng trong việc xử lý những trường hợp này, ông Khanh nêu các địa phương nên chụp lại các hồ sơ cũ của người có yêu cầu để phối hợp với các cơ quan nước ngoài xác minh. Ông Khanh cho biết, trong thời gian qua mới phát hiện một, hai trường hợp công dân gian dối, cụ thể là đã kết hôn rồi những khai là chưa, còn lại rất nhiều trường hợp do phía nước ngoài không xác minh được vì lý do thông tin không đầy đủ. Trên cơ sở đó, về phía Cục có công văn đề nghị vận dụng những quy định trong Nghị định 123 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch, Thông tư 15, cho phép đương sự được cam đoan, chịu trách nhiệm về lời khai của mình.

Trường hợp thứ hai xảy ra đối với việc xin cấp xác nhận tình trạng hôn nhân nhưng trước đây đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau. Đối với thời gian nửa đầu năm 2016, nhiều địa phương phản ánh có vướng mắc trong triển khai. Nhận được phản ánh từ cơ sở, Cục đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp và thống nhất hướng dẫn địa phương vận dụng theo hướng, về phía chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân bằng cách phải có xác nhận. Mặt khác, trong trường hợp các địa phương để quá hạn không trả lời hoặc không có cơ sở để trả lời thì vẫn phải cho phép người dân được cam đoan về tình trạng hôn nhân ấy. Theo đánh giá của Cục trưởng đến nay, việc triển khai ổn định, cơ bản không có gì vướng mắc.

Trong lĩnh vực về đăng ký khai sinh có một số vướng mắc ban đầu liên quan đến biểu mẫu (thứ tự thông tin lệch giữa biểu mẫu chính thức với thông tin trong phần điện tử). Tới đây triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, các cơ quan liên quan sẽ phải phối hợp với nhau để thống nhất hướng dẫn. Cục trưởng lấy những ví dụ cụ thể, trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng người chồng không phải bố đẻ thì việc khai sinh cho trẻ, ghi tên bố vào trong giấy khai sinh như thế nào, mặc dù đã có hướng dẫn nhưng nhiều địa phương vẫn thấy vướng. Theo Luật hôn nhân và gia đình, phải ghi tên người chồng trong hôn nhân của mẹ, nhưng người mẹ không đồng ý vì thực tế không phải con của người chồng ấy, nếu ghi tên của người khác thì lại vướng Luật hôn nhân và gia đình. Trong Luật hôn nhân và gia đình quy định thẩm quyền xác định một người không phải là con mình hoặc là xác định một đứa con trong thời kỳ hôn nhân lâu nay tưởng là con mình do tòa án giải quyết. Nhưng về phía tòa án cho biết không có tranh chấp thì toà án không giải quyết. Những vấn đề vướng mắc cụ thể như thế này đã được Cục báo cáo với lãnh đạo Bộ Tư pháp và đã có hướng dẫn về các địa phương, nếu những trường hợp nào ông bố với đứa con có kết quả giám định AND đúng thì vẫn hướng dẫn cho đăng ký khai sinh. Tuy nhiên những nơi như miền núi, dân tộc xa xôi không có điều kiện giám định AND, có những trường hợp nhiều bà mẹ muốn đăng ký khai sinh cho con diện ngoài giá thú không phải là ông bố trong thời kỳ hôn nhân với mẹ, những trường hợp này vẫn chưa giải quyết được, Cục trưởng cho biết. Những vướng mắc ở khâu tòa án, tới đây, Bộ Tư pháp sẽ đề nghị tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao để hướng dẫn các trường hợp này. Cục sẽ tổng hợp lại và báo cáo với lãnh đạo Bộ Tư pháp, cũng có thể về mặt tổng thể phải sửa đổi Thông tư 15, điều chỉnh thêm một số vấn đề thực tiễn đặt ra.

Năm 2017, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phối hợp với Cục Lãnh sự tổ chức thực hiện thông tư liên tịch hướng dẫn việc đăng ký hộ tịch tại Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài và xây dựng dự thảo Quyết định công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Cục sẽ phối hợp với Cục công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp)trong việc mở rộng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân; tổ chức triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan thuộc Bộ, UBND các cấp tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

*Quan tầm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin

Luật hộ tịch tại Điều 59 đã xác định: Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được lập để lưu giữ, cập nhật, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch, phục vụ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến; được kết nối để cung cấp, trao đổi thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Luật đã giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hộ tịch, trong đó quy định: Ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đồng thời giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Bộ Tư pháp xây dựng và quản lý thống nhất Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; hướng dẫn, chỉ đạo địa phương trong việc quản lý, sử dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Cục trưởng Nguyễn Công Khanh đánh giá đã có sự đột phá trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin dù kinh phí cấp cho lĩnh vực này còn hạn chế. Cục công nghệ thông tin đã rất nỗ lực phối hợp cùng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực triển khai thí điểm tại 12 tỉnh, chính thức sử dụng phần mềm đầy đủ dùng chung của Bộ Tư pháp. Qua theo dõi, ông Khánh đánh giá phần mềm hộ tịch dùng chung rất tốt, về phía trung ương thì tập trung quản lý tại Bộ Tư pháp, còn về mặt địa phương tới đây phân cấp cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp quản lý toàn bộ thông tin hộ tịch của tỉnh, của huyện mình. Theo Đề án giai đoạn thí điểm sẽ thực hiện đến hết tháng 6/2017. Từ tháng 7/2017 trở đi đến hết tháng 12/2019 sẽ là giai đoạn triển khai trên toàn quốc cũng như ra cơ quan đại diện ở nước ngoài.

Theo Cục trưởng, điều quan trọng nhất và đáng quan tâm nhất hiện nay là hạ tầng về công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp. Hiện hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ yếu, trong năm 2017, 2018 nếu không được đầu tư căn bản để nâng cấp thêm thì rất khó có thể triển khai ra toàn quốc. Nếu cố gắng, trong năm 2017 sẽ triển khai toàn quốc phân hệ đăng ký khai sinh, đảm bảo kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để lấy số định danh cá nhân.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đã có một năm Thìn như thế…

Trong vòng xoay bất tận của tạo hóa, cứ 12 năm lại có năm Thìn như một lời nhắc nhủ con người hãy biết bay cao, bay xa như “rồng bay phượng múa”! Nhưng có một năm Thìn - không chỉ với tôi mà với nhiều chục triệu “con Rồng cháu Tiên” - sẽ được nhớ mãi với những “cột mốc”, những kỷ niệm không dễ gì được lặp lại.

Đã có một năm Thìn như thế…
Nhìn lại một năm cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam

Đã một năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn thể người dân, chúng ta đã khống chế thành công các ổ dịch.

Nhìn lại một năm cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam
Return to top