ClockThứ Tư, 02/11/2016 05:41
HẠN CHẾ LẤN CHIẾM RỪNG VÀ ĐẤT RỪNG:

Hiệu quả từ sự quản lý đồng bộ

TTH - Qua gần 10 tháng triển khai Chỉ thị 65 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp xử lý lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, tình hình vi phạm trong lĩnh vực này có phần thuyên giảm, hạn chế được mâu thuẫn, xung đột giữa người dân và chủ rừng.

Xác định rõ ranh giới rừng, đất rừng và cắm mốc để hạn chế và dễ xử lý vi phạm lấn chiếm rừng, đất rừng

Kinh nghiệm từ “điểm nóng”

Huyện Nam Đông là một trong những điểm nóng về lấn chiếm rừng, đất rừng, được chọn thí điểm thực hiện Chỉ thị 65, nhằm đúc rút kinh nghiệm để ban hành qui trình xử lý, áp dụng rộng rãi trên các địa bàn còn lại trong tỉnh. Qua rà soát 2 khu vực thuộc các tiểu khu của Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Nam Đông, xã Hương Sơn và thôn Phú Mậu, xã Hương Phú với diện tích 387,12 ha, diện tích lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái phép tại tiểu khu 378 của BQLRPH Nam Đông, xã Hương Sơn hơn 20,3ha, có nguồn gốc từ đất trống và gần 251ha/366,79ha rà soát tại thôn Phú Mậu, xã Hương Phú. Trong đó, có chủ thừa nhận hơn 101ha và không chủ thừa nhận gần 170ha.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do đối tượng vi phạm phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, thiếu đất sản xuất; các biện pháp xử lý răn đe chưa đủ mạnh; công tác quản lý diện tích đất lấn chiếm chưa tốt... Qua quá trình rà soát, xem xét từng trường hợp vi phạm cụ thể và tham khảo ý kiến, sự thống nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đông, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Chỉ thị 65 cấp huyện thực hiện xử lý bằng nhiều hình thức vừa đúng luật, nhưng cũng đảm bảo sinh kế cho người dân, giải quyết tận gốc căn nguyên. BCĐ tiến hành thu hồi hơn 271ha bị lấn chiếm để giao UBND xã quản lý (41,23ha); giao Công an, Ban chỉ huy Quân sự huyện bảo vệ (trường hợp không chủ thừa nhận) (gần 170ha); trả lại cho đơn vị chủ rừng, cộng đồng, nhóm hộ được giao rừng (gần 3,8ha); xem xét cấp đất, cho thuê đất (36,9ha/34 hộ), giao khoán (19,46 ha/14 hộ). Ngoài thực hiện thu hồi, bàn giao đất rừng bị lấn chiếm, BCĐ còn xử lý vi phạm hành chính với các mức phạt tiền thích đáng theo quy định.

Sau thời gian triển khai thí điểm và có những biện pháp, giải pháp ngăn ngừa, xử lý “thấu tình, đạt lý”, tình hình chặt phá rừng, xâm lấn rừng ở địa bàn xã Hương Sơn và Hương Phú giảm so với những năm trước. Năm 2014 gần 5,3ha; năm 2015 là 6,733ha; tính đến cuối tháng 9/2016, diện tích phá rừng của 2 xã này giảm còn 3,9ha. Phần lớn các vụ vi phạm đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Tăng cường tuần tra, bảo vệ cũng như tuyên truyền đến cộng đồng để hạn chế việc lấn chiếm rừng, đất rừng

Kết hợp trách nhiệm và minh bạch

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân căn bản của việc lấn chiếm rừng và đất rừng tại các diện tích do ban quản lý, công ty lâm nghiệp quản lý là do khi quy hoạch, thành lập, các đơn vị đã không tham khảo địa phương, cộng đồng nên xảy ra tình trạng giao đất chồng lên rẫy cũ của dân; ranh giới giữa các đơn vị chủ rừng và người dân không được phân định rõ ràng. Để ngăn chặn vi phạm, các đơn vị chủ rừng phải chỉ rõ ranh giới rừng và đất lâm nghiệp đơn vị đang quản lý cho các hộ dân rõ. Một số đơn vị chủ rừng như BQLRPH Bắc Hải Vân, BQLRPH sông Bồ, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền… đã áp dụng biện pháp ngăn ngừa, ngăn chặn tái lấn chiếm bằng cách trồng các loài cây bản địa đặc thù trên tuyến đường ranh để dễ nhận biết ranh giới hoặc đóng các cột mốc, biển báo trên tuyến giáp ranh, ký biên bản giáp ranh với các hộ gia đình và các tổ chức trồng rừng liền kề; đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát dọn tuyến đường ranh.

Do nhu cầu đất sản xuất ngày càng lớn, hiệu quả kinh tế từ rừng trồng tăng cao, nên tình hình chặt phá rừng, xâm lấn rừng trái phép để lấy đất sản xuất, trồng rừng vẫn diễn ra phức tạp trên nhiều địa bàn. Vì thế, không chỉ tập trung rà soát, đề ra các biện pháp xử lý, BCĐ tại các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các cơ quan liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương mở rộng địa bàn, đối tượng để tuyên truyền vận động, tăng cường tuần tra, chống chặt phá rừng, cũng như tiến hành xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm có tính chất phức tạp. Thông thường, những sự vụ mang tính phức tạp, đối tượng vi phạm cố tình không chấp hành quyết định xử phạt, hay không tháo dỡ những công trình trên đất vi phạm, cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp cứng rắn, kiên quyết, nhằm tăng cường tính giáo dục, răn đe. Đơn cử như vụ việc tại thôn Thủy Yên Thượng (xã Lộc Thủy, Phú Lộc) vào giữa tháng 9/2016, BCĐ huyện phải thành lập đoàn cưỡng chế để tiêu hủy cây trồng trái phép, thu hồi đất do cá nhân vi phạm để giao lại cho đúng chủ rừng quản lý sử dụng.

Xâm lấn rừng và đất rừng là hành vi liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều thành phần xã hội, đối tượng vi phạm phần lớn thuộc diện nghèo, khó; thẩm quyền xử lý thuộc nhiều ngành, nhiều cơ quan khác nhau. Để xử lý có hiệu quả vấn nạn này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chính quyền cơ sở trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân, phân phối, cấp đất một cách công bằng, minh bạch để người dân yên tâm sản xuất.

Từ kết quả và kinh nghiệm thực hiện ở Nam Đông, Chi cục Kiểm lâm tiến hành rà soát 3.360ha trên toàn tỉnh và phát hiện gần 690ha rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Trong đó, hơn 368ha có chủ thừa nhận và gần 322ha không có chủ thừa nhận; đã xử lý thu hồi hơn 424ha, đang xử lý hơn 265ha. Diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm nhiều nhất là Nam Đông hơn 271ha, Hương Thủy gần 115ha, Phú Lộc 87ha, A Lưới 84ha, Hương Trà gần 68ha và Phong Điền hơn 65ha. Hiện, các BCĐ cấp huyện tiếp tục triển khai rộng rãi Chỉ thị 65 đến tận xã, phường, thị trấn có rừng, đất rừng; đồng thời đưa toàn bộ diện tích rừng, đất rừng sau khi thu hồi do lấn, chiếm vào diện quản lý, được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của UBND tỉnh để giám sát, và là cơ sở để các ngành, các địa phương thực hiện.

HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Hạn chế rủi ro thuế khi phát sinh giao dịch liên kết

Giao dịch liên kết là một trong những vướng mắc gặp phải của các kế toán doanh nghiệp trong quyết toán thuế năm 2023. Vì thế, ngoài hướng dẫn xác định giao dịch liên kết và các quy định liên quan, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp cần hiểu và nắm được nội dung phải kê khai giao dịch liên kết để hạn chế rủi ro khi kê khai, quyết toán thuế.

Hạn chế rủi ro thuế khi phát sinh giao dịch liên kết
Return to top