ClockThứ Bảy, 22/02/2020 06:00

Hiu hắt khu công nghiệp Quảng Vinh

TTH - Được thành lập và quy hoạch chi tiết xây dựng vào năm 2013, đến nay khu công nghiệp (KCN) Quảng Vinh (Quảng Điền) hiện trạng chỉ là bãi đất trống giữa vùng gió cát. Việc thu hút đầu tư vào KCN này đang là “bài toán khó” tại địa phương.

Dự án vào khu kinh tế, khu công nghiệp: Phải đảm bảo tiêu chí môi trườngCử tri huyện Phong Điền quan tâm những vấn đề dân sinh

Hạ tầng ngoài hàng rào của KCN Quảng Vinh đã được đầu tư

Hoang hóa

KCN Quảng Vinh được quy hoạch 130 ha, nằm trên địa bàn xã Quảng Vinh và một phần xã Quảng Lợi. Với định hướng là KCN tổng hợp, ưu tiên phát triển các ngành chế biến nông, thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, công nghiệp nhẹ và công nghiệp sạch.

Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, ngoài hai tuyến đường cùng hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư dẫn ra trảng cát để đến KCN này thì hiện trạng hạ tầng ở đây gần như chưa có gì.

Trong KCN còn cơ man nào trang trại, cây cối, mồ mả của người dân chưa được đền bù giải tỏa. Có mặt tại khu vực B1, B2- nơi được UBND huyện Quảng Điền tiến hành giải phóng mặt bằng từ năm 2018 với diện tích khoảng 14ha, cũng là bãi đất hoang hóa dù đã “dọn chỗ” sạch sẽ chờ nhà đầu tư.

Ông L.Đ.P, một hộ dân sống gần khu vực này cho biết: “Đường sá ở đây khá đẹp, nối ra cả quốc lộ, tỉnh lộ và KCN đã quy hoạch nhiều năm nhưng không biết lý do gì không có ai đến đầu tư xây dựng nhà máy. Trong khi đó, bỏ hoang đất nhiều năm rất lãng phí, nhiều hộ dân làm trang trại nằm trong vùng quy hoạch KCN thì tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Phan Gia Phú, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quảng Điền cho rằng, hiện trạng hạ tầng ngoài hàng rào của KCN Quảng Vinh đến nay mới chỉ có đường tránh lũ Sịa kết nối với KCN với quy hoạch mặt đường 26m. Năm 2017 đã triển khai đầu tư giai đoạn I, với mặt đường thảm bê tông nhựa rộng 19,5m trên chiều dài 3km; tuyến đường nối liền Tỉnh lộ 11A đến KCN rộng 10m và hệ thống đèn chiếu sáng trên các trục đường này. Hạ tầng giao thông nội bộ, khu xử lý nước thải, hệ thống cây xanh… đang thiếu là một trong những nguyên nhân khiến KCN này không được các nhà đầu tư “để mắt” tới.

Còn nhiều vướng mắc

Ông Đoàn Đình Thiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quảng Điền thông tin, từ năm 2017-2018, UBND huyện đã bố trí ngân sách 2 tỷ đồng đề giải phóng mặt bằng khu B1 và B2 với diện tích 14 ha. Theo đó, đã chi trả tiền di dời mồ mả của các hộ gia đình và san ủi mặt bằng tạo điều kiện cho nhà đầu tư tại các khu này. Hiện tại, trong KCN Quảng Vinh còn 9 hộ dân xây dựng trang trại đã nhiều năm và 1 khu tăng gia sản xuất của Ban chỉ huy Quân sự huyện, tất cả chưa được đền bù tài sản trên đất. Việc di dời các hộ dân, đơn vị này đã có phương án từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Theo ông Phan Gia Phú, hiện trạng hạ tầng đang là “trở lực” lớn ở KCN Quảng Vinh trong việc thu hút đầu tư. Từ khi thành lập đến nay, có khoảng 4-5 nhà đầu tư tìm về địa phương để tìm hiểu nhưng rồi lại “quay lưng”, dù địa phương đã nỗ lực trong việc “trải thảm”. Trong khi các doanh nghiệp tại địa phương chủ yếu là doanh nghiệp xây dựng, thương mại, hoạt động nhỏ lẻ nên không thể đầu tư vào đây.

Ông Phú đưa ra ví dụ, từ năm 2015, Công ty TNHH MTV Cúc Gia Bảo xin đầu tư nhà máy sợi và may mặc tại KCN Quảng Vinh với quy mô 40.000 cọc sợi, may mặc từ 40 đến 50 chuyền may nhưng rồi cũng không “đâu đến đâu”. Một minh chứng rõ nhất cho câu chuyện “hạ tầng tại KCN còn thiếu” là đã có nhà đầu tư Hàn Quốc về xem xét đầu tư tại khu vực này, nhưng họ lại e ngại hệ thống cầu đường không chịu được tải trọng khi từ Quốc lộ 1A về đến KCN, hệ thống cầu chỉ chịu được 20-30 tấn trong khi giàn máy sản xuất của họ nặng đến 80 tấn.

“Quảng Điền là vùng trũng, khu vực quy hoạch KCN khá cao nhưng hạ tầng bên ngoài đều thấp, ngập lụt hàng năm, vị trí địa lý KCN lại nằm xa tuyến Quốc lộ 1A, xa cảng Chân Mây cũng là một trở lực lớn cho những nhà đầu tư tìm về nơi này”, ông Phú nói thêm.

Ông Trương Vĩnh Kha, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Quảng Điền cho rằng, từ khi thành lập đến nay, huyện và tỉnh cũng đã tích cực trong việc xúc tiến đầu tư tại địa phương và cũng đã quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng điện, đường tại KCN. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã cho chủ trương phát triển tổng hợp trong KCN, không theo từng phân khu cụ thể như trước đây và đầu tư nâng cấp trạm biến áp, điện nước.

“Thời gian tới, địa phương cùng với chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư và có chính sách ưu đãi doanh nghiệp vào hoạt động tại KCN Quảng Vinh. Đồng thời, đề xuất xây dựng hạ tầng, rà soát lại toàn bộ đất đai trang trại đang hoạt động trong khu vực quy hoạch nhằm có phương án ưu tiên giải phóng mặt bằng khi cần thiết”, ông Kha khẳng định.

Năm 2019, Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp với vốn đầu tư đăng ký gần 10.000 tỷ đồng, tăng 458% so với cùng kỳ. Trong đó, có 4 dự án FDI với vốn đăng ký 5.400 tỷ đồng. Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh cũng đã thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 5 dự án với vốn đầu tư tăng thêm khoảng 600 tỷ đồng. Năm 2020, tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn KKT, KCN, đặc biệt chú trọng công tác triển khai và giải ngân vốn đầu tư của các dự án có quy mô lớn.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghiên cứu ý tưởng đầu tư Khu công nghiệp La Sơn

Chiều 14/12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã chủ trì buổi làm việc với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) về việc nghiên cứu ý tưởng đầu tư Khu công nghiệp La Sơn.

Nghiên cứu ý tưởng đầu tư Khu công nghiệp La Sơn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top